Đại Kỷ Nguyên

Sài Gòn tánh kỳ: Ai đi đến đó đều không muốn về…

Cách đây không lâu, trên Fanpage “Sài Gòn tánh kỳ” đăng tải một bài viết rất đỗi dễ thương. Đọc xong, không chỉ người Sài Gòn có dịp tự hào mà còn khiến những người chưa từng được hít thở không khí ở đây, chưa được trải nghiệm cái bản tính “kỳ cục” của Sài Gòn thèm thuồng được một lần đến.

Xin được chia sẻ bài viết cùng quý độc giả

Chiều đi ăn với mấy đứa bạn xong đi học về đói bụng ghé tiệm xôi chay ở trên Nguyễn Văn Đậu. Đang vừa đợi mua xôi cầm điện thoại gọi cho 2 người bạn của mình nữa thì tự nhiên có thằng nhỏ ở đâu nhảy ra làm giật mình:

– Chú ơi chú đừng xài điện thoại ở đây, dễ giật lắm (Mình gật gù, ờ ờ)

– Con biết chú không mua vé số đâu nhưng nếu được chú mua ủng hộ con 1 tờ thôi nha.

– Sao con biết chú không mua? Vậy để chú mua con 1 tờ nha. (Mình bảo)

– Dạ, chú cho con ly nước mía nha (trên xe nãy mua ly nước mía uống dỡ, thằng nhỏ chỉ vào)

– Con ăn tối chưa, chú mua cho con hộp xôi nha.  (Nó ậm ừ, rồi cũng ờ)

– Cô ơi, đừng bỏ hộp, cô cho phần con tách làm đôi (hai phần nhỏ) để trong bịch ni lông nha

– Ăn bịch ni lông độc lắm (mình bảo).

– Tại con xin 2 cái hộp thì tội cô bán xôi, bán có nhiêu tiền đâu mà cho 2 cái hộp. Với tại con còn nhỏ em bán vé số chắc chưa ăn gì đâu nên con để dành cho nó.

– Chị ơi, làm cho thằng nhỏ 2 hộp trước đi, chút tính cho em luôn. (Thằng nhỏ lấy hộp xôi xong lững thững đi trước)

Ở Sài Gòn, dù nghèo đến mấy cũng không bao giờ sợ đói

– Nhỏ nhìn vậy chớ lạc quan lắm, hôm rồi trời mưa to, nó thấy người ta bị tắt máy xe, mặc áo mưa ra phụ đẩy xe thổi bugi cái rớt xấp vé số thấy thương gì đâu. Nay ảnh mới vui vẻ chớ mấy bữa, buồn thiu à. 10 ngàn em.

– Ủa em trả 3 hộp xôi lận, cho em với cho thằng nhỏ luôn

– Hổng có cậu. Tui cũng cho nó mà, thôi hộp xôi đậu xanh của cậu 10 ngàn hà.

(Tự nhiên thấy khóe mắt cay cay)…

Bởi vậy có bao giờ rời Sài Gòn được đâu…

“Phố thị đông, người đông đông,
Tôi như đứa nhóc lông bông, chơi xa mà không về nhà”

Thôi thì, đừng trách lòng tin, đừng trách con người, chỉ trách điều kiện đã làm họ quay lưng…Đâu cần làm ông này bà nọ, đâu cần phải có trong tay những vinh quang, có trong tay những đỉnh cao… vì “làm người tử tế trước khi làm người có học”…

Sài Gòn ai đi đến đó đều không muốn về…

Đây là một câu chuyện được kể bởi một người bạn của tôi. Anh đã sống ở Sài Gòn khá lâu, đến mức xem nơi này là quê hương, là nhà.

Một tối, anh cùng một người bạn đi thăm người quen tới 11 giờ mới về. Đi đến đoạn Nguyễn Hữu Thọ bên quận 7 thì xe nổ lốp nên phải dắt bộ về, vì trời đã khuya quá không còn tiệm sửa xe nào mở cửa.

Ấy thế mà bỗng nhiên từ đâu 2 “anh hùng” xuất hiện! Các anh đến hỏi thăm rồi vá xe miễn phí giúp mà nhất quyết không chịu nhận tiền, chỉ nhận lời cảm ơn. 

Hỏi ra mới biết một anh ban ngày đi chạy xe ôm công nghệ, một anh thì làm đầu bếp. Tối rảnh nên các anh ra ngoài, có ai cần gì thì giúp.

Sài Gòn ai đi đến đó đều không muốn về…

Người Sài Gòn đúng là “kỳ cục” thật. Ban ngày vất vả mưu sinh là vậy, đêm đến không chịu nghỉ ngơi còn ra ngoài làm “anh hùng” chi cho mệt.

Người ta bảo, cái nét dễ thương và đẹp đẽ của Sài Gòn không phải ở biệt thự xe hơi hay lụa là gấm vóc. Sài Gòn đẹp bởi cái tình thương lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá te tua.

Lòng tốt nhỏ bé vậy thôi nhưng cũng khiến người ta thấy ấm lòng, gánh nặng mưu sinh cũng vì thế mà vơi bớt.
Giữa cái không khí lành lạnh bất chợt của Sài Gòn, người đàn ông dừng xe máy, cởi chiếc áo mình đang mặc và đưa cho ông lão vô gia cư đang ngồi tựa lưng vào thành cầu.
Tất bật, hối hả là vậy, nhưng người dân xứ này sẵn sàng dừng lại, để mua giúp người già một tấm vé số với tất cả sự trân trọng, chân thành.
Ở Sài Gòn, dù còn nặng gánh mưu sinh, vẫn có thể bắt gặp những nụ cười dễ mến như thế này.

Biết là có nói miết nói hoài cũng không bao giờ kể hết được những chuyện nghĩa tình ở Sài Gòn. Bởi cái thành phố ấy, dù bạn là ai, từ nơi nào đến đều sẽ được “cảm hóa”, rồi chính bạn sẽ là người đáng yêu và đáng sống giống như vậy.

Thiện Nam (TH)

Exit mobile version