Năm tôi học lớp 7 mẹ lên cơn bạo bệnh rồi bỏ bố con tôi mà đi. Tôi vẫn nhớ như cái in giây phút mẹ trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Đó là vào một buổi tối mùa đông, ngoài trời gió rít lên từng cơn. Mẹ nằm đó, hơi thở thều thào, nhưng vẫn cố gắng dùng chút sức lực ít ỏi cuối cùng lấy tay xoa vào má đứa con thơ dại là tôi với ánh mắt âu yếm.
Có lẽ vì không muốn tôi quá đau buồn, nên lúc đó mẹ không khóc, mà chỉ cố khẽ lay động đôi môi, mỉm cười một cách đầy khó khăn rồi từ từ nhắm mắt vĩnh viễn xa rời tôi. Cầm lấy tay mẹ, tôi không kêu gào thảm thiết mà cố gắng mếu máo trong im lặng, cắn chặt môi cho những lời than khóc vọng vào trong lòng bởi tôi muốn mẹ ra đi trong thanh thản và được an lòng nơi chín suối…
Lúc đó sự ra đi của mẹ là một cú sốc vô cùng to lớn đối với tôi, bởi lẽ ngay từ khi tôi còn nhỏ, bố luôn phải đi làm xa nhà nên chỉ có mẹ là người ân cần chăm sóc tôi mỗi khi sớm tối. Giờ đây hai mẹ con tôi lại phải âm dương đôi đường, nỗi đau này đối với tôi mà nói quả là thấu tận xương tủy. Tôi vẫn không thể nào chấp nhận được sự thật rằng, mẹ đã mãi mãi bỏ tôi lại mà đi. Hằng đêm, trong giấc mơ, tôi vẫn thường thấy mẹ hiện về, âu yếm bên tôi như thủa nào khiến tôi giật mình thảng thốt, tỉnh giấc trong đêm rồi thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ cho đến sáng…
Trong những ngày tháng đó, tôi chẳng muốn quan tâm đến chuyện gì ngoài việc ngồi trầm ngâm, miên man với những ký ức về mẹ. Có lẽ cũng vì thế mà thành tích học tập của tôi ngày càng sa sút. Thấy tôi như vậy bố không khỏi lo lắng nên đành gác lại hết công việc, ở nhà trông nom chăm sóc cho tôi. Nhưng dù cho bố có cố gắng nói chuyện với tôi bao nhiêu lần, có kể cho tôi bao nhiêu chuyện cười đi nữa, cũng không cách nào làm tôi thôi không nghĩ về mẹ.
Thời gian cứ như vậy trôi qua cho đến một ngày, vào một buổi sáng mùa đông, khi còn đang say giấc ngủ tôi bị cha đánh thức bằng một giọng đầy phấn khởi: “Dậy, dậy đi con. Xem bố dẫn ai về đây này”. Mắt nhắm mắt mở, tôi theo bố ra cửa. Lấy tay dụi mắt, hình ảnh một người phụ nữ tầm 35 tuổi hiện dần lên trước mắt tôi.
Tôi liền nép mình ra đằng sau bố, nắm lấy vạt áo bố hỏi một cách đầy hoài nghi: “Bố, cô ấy là ai vậy ạ?” Bố cúi xuống, lấy tay xoa lên má tôi, rồi nói một cách ôn tồn: “Con gái, là dì Hạnh ở làng bên, lại chào dì đi con”. Người phụ nữ cũng từ từ tiến về phía tôi, nở một nụ cười: “Cháu tên Hương phải không? Cô tên Hạnh. Rất vui được làm quen với cháu”, nói rồi dì đưa tay định chạm vào đôi má bầu bĩnh của tôi.
Lúc này tôi chợt cảm thấy sợ hãi, òa khóc, lắc đầu nguầy ngậy: “Không, không, con không muốn, con chỉ muốn mẹ Lan thôi”. Nói rồi tôi chạy biến vào trong nhà, leo lên giường trùm chăn kín mít, chỉ hy vọng rằng bố đừng quên mẹ mà cưới thêm vợ kế. Nhưng dù tôi có than khóc thế nào thì mọi chuyện vẫn diễn ra như nó vốn thế.
Ngày bố tổ chức đám cưới, đưa dì Hạnh về làm vợ, hàng xóm láng giềng, ai cũng mừng lây cho bố vì từ nay bố không còn phải vất vả sớm hôm chăm sóc tôi nữa. Trong lúc mọi người ai nấy đều vui mừng nâng ly, chúc tụng, thì chỉ có mình tôi lặng lẽ ngồi trong góc của căn phòng tối quen thuộc. Cầm tấm ảnh của mẹ trên tay, những giọt nước mắt nóng hổi trên má tôi chầm chậm lăn xuống. Rốt cuộc điều tôi lo sợ nhất đã đến, rồi đây có lẽ bố sẽ nhanh chóng quên đi mẹ mà yêu thương người phụ nữ kia.
Những hình ảnh tưởng tượng về một người mẹ kế độc ác, với đủ mọi thủ đoạn mưu mô, xúi giục cha đối xử bất công với tôi cứ hiện lên trong tâm trí khiến tôi không khỏi sợ hãi. Ánh mắt tôi không ngừng dò xét từng cử chỉ, hành động của dì Hạnh. Và rồi kể từ đó, một bức tường vô hình đã dần dần hình thành trong tâm trí tôi, một khoảng cách mà tôi nghĩ rằng dù dì có làm thế nào đi nữa cũng không thể lấp đầy…
Từ khi về, mọi việc lớn bé trong nhà đều một tay dì lo liệu. Ngày nào cũng vậy, dì đều thức dậy từ rất sớm để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo rồi đi nấu một nồi cháo thật to chờ mọi người dậy cùng nhau ăn sáng. Vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ tôi nghe thấy dì than oán với bố dù nửa lời. Có lẽ nhờ thế mà bố cũng yên tâm phần nào mỗi khi xa nhà, tiếp tục những công trình còn dang dở của mình.
Có một tối khi bố vắng nhà, ngoài trời mưa rả rích, tôi nằm trên giường ôm lấy bức ảnh của mẹ rồi khóc thút thít. Tôi nhớ tới những ân cần của người mẹ quá cố ngày nào, nhớ nụ cười, nhớ giọng nói, nhớ những lần được mẹ trìu mến ôm tôi vào lòng.
“Mẹ con thật đẹp. Chắc hẳn cô ấy phải là một người mẹ tuyệt vời”, tiếng dì cất lên. Không rõ dì đã lặng lẽ đứng cạnh giường từ lúc nào. Theo phản xạ, tôi nhanh chóng trùm chăn kín mít rồi hậm hực: “Không phải việc của dì”, mặc kệ dì buồn bã ngồi đó.
Dì không nói gì cả, chỉ lặng lẽ đứng lên buông nhẹ tấm màn xuống cho tôi, ân cần dặn dò: “Lát nữa đi ngủ nhớ bỏ chăn ra nghe con”, rồi chầm chậm rời đi. Lúc đó tôi cảm thấy có chút áy náy trong lòng nhưng không sao phá nổi bức tường ngăn cách trong lòng bấy lâu để đón nhận lấy sự chăm sóc và tấm lòng của dì. Hình ảnh người mẹ ngày nào trong tôi còn quá lớn, tôi vẫn chưa thể chấp nhận được sự thật rằng một người phụ nữ xa lạ thay thế mẹ trong căn nhà này. Hàng ngày đáp lại sự yêu thương chăm sóc đầy thiện chí của dì, tôi vẫn buông ra nhưng lời nói lạnh lùng đầy chát chúa khiến dì nhiều lần phải rơm rớm nước mắt, cho đến một ngày…
Đó là vào một buổi tối cuối thu, khi trời đang dần trở rét, căn bệnh viêm họng mãn tính này nào của tôi lại tái phát. Tôi lên cơn sốt cao và nằm mê man bất tỉnh. Trong lúc nửa mơ nửa tỉnh, tôi lờ mờ nhìn thấy bóng dáng dì đang ngồi cạnh mình. Dì cầm lấy tấm ảnh của mẹ mà ngày thường tôi vẫn giữ không rời tay, bật khóc nghẹn ngào: “Chị à! Em vụng về không chăm sóc Hương được tốt, khiến cháu bị ốm mê man bất tỉnh. Linh hồn chị có linh thiêng thì hãy phụ hộ cho con bé tai qua nạn khỏi. Sau này nhất định em sẽ chăm lo cho con bé được tốt hơn, không để nó ốm như thế này nữa”. Những lời nói đó của dì làm chấn động đến tận sâu thẳm tâm can tôi. Nâng cánh tay lên một cách yếu ớt, tôi lau những giọt nước mắt đang lăn chầm chậm trên khuôn mặt dì: “Dì à. Dì đừng buồn. Con sẽ khỏe lại thôi.”
Kể từ lần đó, tôi không còn coi dì là mẹ kế nữa. Tôi chủ động phá vỡ bức tường ngoan cố trong mình để đón nhận lấy sự yêu thương và chăm sóc từ dì mà bấy lâu nay tôi luôn cố tình trốn tránh. Sức khỏe của tôi cũng dần dần hồi phục, chẳng mấy chốc, tôi đã có thể trở lại trường học cùng bạn bè. Được sự quan tâm đặc biệt của thầy cô, tôi dần lấy lại phong độ ngày nào của mình và theo kịp bài vở trên lớp.
Chẳng mấy chốc rồi tôi cũng vào đại học. Ngày bố đưa tôi lên nhận trường, dì chuẩn bị cho tôi một đống đồ ăn vì lo tôi sẽ gầy đi vì mải học và không hợp khẩu vị trên phố. Dì cầm tay tôi, khóc thút thít, dặn dò đủ điều và nhắn tôi nhớ thỉnh thoảng gọi điện về cho dì để dì bớt mong. Ôm thật lâu lấy tấm thân gầy gò của dì, tôi tự hứa sẽ không để mọi người phải thất vọng.
Tới cuối năm thứ 3 đại học, khi đang trên giảng đường, dì bỗng gọi cho tôi, giọng thảng thốt, báo bố tôi đang làm thì bị sập giàn giáo, tình hình rất nguy kịch, nhắn tôi phải về ngay. Trái tim tôi như nghẹn lại, cố ngăn cho giọt nước mắt khỏi tuôn trào, tôi ra bến bắt xe về gấp. Trên đường về nhà tâm tôi trở nên bấn loạn. Tôi không ngừng cầu xin ông trời rủ lòng thương, cứu lấy bố, đừng để người thân yêu tiếp tục rời xa tôi như thế. Nhưng khi về đến cổng nhà, nghe tiếng than khóc thảm thiết của dì, thấy hàng xóm bu quanh, chân tay tôi bỗng dưng bủn rủn, bầu trời như sập xuống trước mặt. Tôi gào khóc thảm thiết, quăng cặp xuống đất, chạy vào ôm lấy bố: “Bố ơi, sao bố không đợi con về? Bố đi như thế này con biết sống sao hả bố? Bố mau dậy đi! Bố đã hứa là sẽ chăm sóc cho con suốt cuộc đời này mà… Bố đi rồi con với dì biết nương tựa vào ai?..
Ngày đưa tiễn bố, bầu trời xanh lắm. Nhìn đoàn người hạ quan tài của bố xuống lòng đất, nằm cạnh mẹ, lòng tôi không khỏi bùi ngùi. Tôi bốc từng nắm đất rải lên ngôi nhà mới của bố: “Vậy là bố được đoàn tụ với mẹ rồi. Ở dưới suối vàng, bố hãy an nghỉ bố nhé!” Dì từ đằng sau lặng lẽ quan sát tôi, đôi mắt sưng húp, cầm tay tôi lay lay: “Về đi con, trời tối rồi, hãy để bố được yên nghỉ “. Nói rồi dì dắt tôi về.
Từ ngày bố mất, dì thêm vất vả. Bởi muốn tôi chuyên tâm vào học hành nên dì nhất quyết không chịu để tôi đi làm thêm mà tự mình chạy đôn chạy đáo làm đủ thứ nghề: sáng sớm dì theo người ta lên chợ đầu mối, mua ít rau quả về bán; đến trưa dì xin rửa bát thuê cho một quán ăn; tới tối về, dì lại cặm cụi bên chiếc máy may, tích góp từng đồng nuôi tôi ăn học. Thậm chí, khi tôi không có tiền khi đi thực tập, dì chẳng ngại ngần tháo chiếc nhẫn bố tặng nhân ngày cưới, dúi cho tôi, bảo tôi bán đi lấy tiền đóng học. Nhiều lúc ngồi trên bàn học mà nước mắt tôi cứ rơi. Tôi tự hứa nhất định phải học thật giỏi để không phụ lòng dì. Dì đã khổ quá rồi, tôi không muốn dì phải chịu thêm chút khổ nào nữa.
Những ngày tháng gian khổ nhất cuối cùng cũng đã qua. Tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi và được một suất học bổng du học nước ngoài theo chương trình vừa học vừa làm của nhà trường. Ngày tiễn tôi ra sân bay, dì dặn dò đủ điều. Ngân ngấn nước mắt, dì lôi trong túi ra một tấm hình rồi đặt vào tay tôi: “Đây là tấm có đầy đủ cả bố và mẹ con trong đó. Ngày trước, khi dọn nhà dì vô tình tìm thấy nó. Do bụi bặm lâu ngày với ẩm mốc nên nó đã hoen ố nhiều chỗ. Dì đã nhờ người ta chỉnh sửa lại rồi, cũng chỉ được vậy thôi.”
Cầm tấm ảnh tôi òa khóc như một đứa trẻ. Tôi ôm lấy chầm lấy dì khóc nghẹn ngào: “Mẹ ơi”.
Thành Vũ
Xem thêm: