Các nhà khoa học cho biết sau 12 giờ, 100 con sâu có thể ăn hết 92 mg nhựa – một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với loài vi khuẩn được biết đến là có khả năng phá hủy polyetylen – loại nhựa khó phân hủy nhất.
Reusethisbag thống kê, có khoảng 2 triệu túi nilon được sử dụng mỗi phút trên toàn thế giới. Thật khó để tưởng tượng số nhựa chúng ta tích lũy được qua nhiều năm. Các nhà khoa học đang tìm kiếm giải pháp và chính phủ đang đưa ra hạn ngạch cho việc sử dụng nhựa. Đó vẫn là vấn đề chưa có câu trả lời và giải pháp cụ thể. Nhưng dường như một con sâu có thể khiến vấn đề giảm bớt căng thẳng hơn nhờ bản năng ăn nilon của nó.
Loài sâu đang được nhắc đến ở đây là sâu bướm sáp (Galleria mellonella), sống trong tổ ong và ăn sáp ong. Đây là một phát hiện tình cờ của Giáo sư Federica Bertocchini, thuộc Đại học Cantabria, Tây Ban Nha khi bắt những con sâu sáp từ tổ ong trong nhà bỏ vào một túi nilon. Chỉ sau vài giờ, bà phát hiện ra có rất nhiều lỗ hổng trên chiếc túi. Ngay sau đó, Giáo sư Bertocchini cùng 2 nhà khoa học khác là Paolo Bombelli và Christopher J. Howe thuộc Đại học Cambrigde, Vương quốc Anh đã tiến hành thí nghiệm nghiên cứu tác động của sâu sáp đối với túi nilon.
Trong thí nghiệm, các nhà khoa học sử dụng 100 con sâu đặt vào túi nilon, sau 40 phút các lỗ hổng bắt đầu xuất hiện. Sau 12 giờ, khối lượng nhựa đã giảm xuống 92mg. Để xác minh rằng các lỗ thủng xuất hiện là do sâu sáp đã phá vỡ các liên kết hóa học mà không phải do chúng cắn xé, họ đặt xác của 2 con sâu bị nghiền nát lên mảnh túi nilon, và kết quả các lỗ thủng vẫn xuất hiện.
Các nhà khoa học cho rằng bí mật nằm ở một loại enzyme bên trong các con sâu giúp chúng có khả năng tiêu hóa nhựa. Trên thực tế, thức ăn thường nhật của loài sâu này là sáp ong – một loại “nhựa tự nhiên”.
Do có những quy định nghiêm ngặt đối với vấn đề đưa động vật biến đổi gen vào môi trường, giải pháp đưa ra là thả một số lượng lớn sâu bướm vào vùng chứa rác thải nilon. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ khả thi khi chúng có “sở thích” ăn túi nilon.
Paolo Bombelli trả lời rằng: “Chúng tôi muốn biết liệu chúng có nhai túi nilon để ăn hay là do chúng muốn trốn thoát. Nếu chúng muốn trốn thoát thì chúng sẽ rất nhanh chán món này. Còn nếu chúng sử dụng nilon như một nguồn năng lượng thì đó là một trò chơi hoàn toàn khác. Chúng tôi hiện vẫn chưa thể trả lời câu hỏi này và cần tiếp tục nghiên cứu”.
Sau khi phân lập và tìm hiểu kỹ về quá trình tiêu hóa của loại enzyme này, các nhà khoa học sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể đối với vấn đề giải quyết rác thải nhựa.
Hồng Tâm
Theo Nature
Bạn đang đọc bài viết: “Sâu bướm có thể giải cứu Trái đất bằng cách ăn túi nilon?” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |