Mới chỉ du nhập vào Việt Nam không lâu, nhưng bóng cười đã nhanh chóng trở thành trào lưu được giới trẻ yêu thích thậm chí coi nó như một thú vui mỗi khi đi hộp đêm, hít một hơi bạn sẽ cười không ngừng nghỉ.
Minh N. (SN 1989), một trong những thanh niên đầu tiên ở Hà Nội khám phá ra việc thổi bóng kết hợp các chất khác cho biết, cậu đã đam mê bộ môn này’ được khoảng 3 năm nay và thứ khiến cậu từng “mê” nhất là thổi bóng cùng cần sa (hay còn gọi là cỏ) cuốn thành điếu.
“Hút cần làm suy nghĩ của mình bị chậm lại, thổi bóng càng làm não hoạt động chậm hơn nữa. Có thể nói, bóng làm tê liệt thần kinh trong 1 khoảnh khắc tạm thời, bởi khí nitrous oxide (N2O) vốn là khí được sử dụng khi gây mê”, N. chia sẻ.
Tuy nhiên, cảm giác phê một cách chậm chạp này, khi lên tới đỉnh điểm đã khiến N. quên… thở vài lần, bởi thổi bóng kèm hút cần khiến thần kinh bị tê liệt tạm thời. N. đang phải “cai” dần bóng, do sợ việc quên thở sẽ khiến mình rơi vào trạng thái mê man, dễ dẫn tới đột quỵ.
Không chỉ hai trường hợp trên mà nhiều người trẻ khác sau khi “phê” đỉnh điểm, chân tay bắt đầu tê run rẩy, nói trước quên sau, hay bị đơ tạm thời, hoặc bị viêm họng kéo dài mãn tính…
Trước trào lưu đang phổ biến rộng rãi trong giới trẻ này, các phóng viên đã tìm tới các bác sĩ chuyên ngành để tìm hiểu cặn kẽ có hay không sự ảnh hưởng của bóng cười tới sức khỏe người sử dụng thường xuyên, lâu dài.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng – Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Trong bóng cười có nitơ oxit. Đó là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Khí N2O khi hít vào sẽ thẩm thấu qua niêm mạc, các tuyến nang ở trong phổi rồi đi vào máu lên não và kích thích vào trung tâm thần kinh gây cười. Cũng vì thế mà dù không có lý do gì cả nhưng cứ hít phải khí này thì người ta cười. Hiện nay khí cười thường được sử dụng trong nha khoa như một chất gây tê, giảm đau.
“Việc hít khí oxit nitơ trực tiếp từ một hộp gây giảm lưu lượng oxy tới não, hoặc một bộ phận của cơ thể. Nếu oxy không được cung cấp đầy đủ liên tục trong một vài phút có thể dẫn đến tổn thương não hoặc thậm chí tử vong. Chơi bóng cười có thể gây tử vong cho người đang có bệnh hen suyễn hoặc bệnh về đường hô hấp khác, vì khí từ bóng cười có thể làm người sử dụng bị ngạt thở”, TS Thu phân tích.
Đồng thời, bóng cười cũng nguy hiểm khi dùng đồng thời với chất gây nghiện khác như thuốc lắc. Sự kết hợp có thể gây lú lẫn, đau đầu và có thể tử vong nếu hiệu ứng như vậy kéo dài trong 2-3 phút. Thậm chí, khi sử dụng lâu dài, bóng cười có thể gây ra mất trí nhớ.
“Một người sử dụng bóng cười đã cho biết anh thường xuyên bị viêm họng và mất giọng nói ‘nam tính’ của mình sau một thời gian sử dụng bóng cười. Bây giờ giọng anh nghe giống như một cô gái và bạn gái của anh, sau những lần chơi bóng cười đã bắt đầu có giọng nói khàn và ria mép mọc dài tới mức cô ấy phải cạo râu hàng tuần”, TS Thu kể.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết tác động của nitơ oxit trên hormone vẫn chưa được xác minh rõ ràng. “Có khả năng bóng cười được pha chế N2O với nhiều loại khí khác để tăng cường cảm giác hưng phấn và dẫn đến sự thay đổi về nội tiết”, BS Thu cảnh báo.
Được biết, vào tháng 7/2015, chính phủ Anh đã xem xét việc cấm bán bóng cười và chính thức cấm vào hồi tháng 5 vừa qua.
Phong Vân (TH)
Xem thêm: