Một người bạn thân của tôi, từng kể cho tôi nghe về chuyện lúc nhỏ của cậu ấy. Câu chuyện là như thế này:
Năm 4 tuổi, ba cậu ấy đưa cậu ấy đến nhà của một người chú chơi. Cậu ấy nhanh chóng bị mô hình máy bay trong căn phòng nhỏ của một anh ở nhà chú thu hút. Chơi một lúc thì cảm thấy đặc biệt thích thú, thực sự rất muốn có nó. Vì thế cậu đã nhân lúc mọi người không chú ý lén lút đem giấu.
Trên đường theo ba về nhà, trong lòng cậu vô cùng day dứt, vô cùng khó chịu, thực sự không thể chịu nổi nên đành “nói thật lòng” với ba mình, nói mình lấy trộm chiếc máy bay nhỏ của nhà người ta. Ba cậu im lặng một lúc.
Đến bây giờ cậu vẫn nhớ rõ sự im lặng tạm thời vào lúc đó của ba cậu, và hình ảnh cậu đứng ở bên đường vô cùng sợ hãi. Sau đó, với thái độ rất dịu dàng, ba cậu nói với cậu: “Chúng ta cùng nhau quay về trả máy bay cho chú nha, sau này ba sẽ mua cho con một chiếc.”
Thế là cậu vô cùng miễn cưỡng theo ba mình quay về trả lại chiếc máy bay, trong lòng cảm thấy xấu hổ tột cùng, gần như là sợ đến mức sắp khóc luôn rồi.
Ba cậu rất bình tĩnh quay về giải thích với người ta: “Thật ngại quá, thằng nhóc không cẩn thận lấy mất đồ chơi, bây giờ mang trả lại.” Chuyện này cứ như vậy mà trôi qua. Cậu không phải nhận bất cứ lời trách mắng nào. Ba cậu cũng không đem chuyện này nói với người khác.
Chuyện này khiến cậu ấn tượng sâu sắc. Cứ mỗi lần nghĩ đến, cậu vừa hồi tưởng lại sự dịu dàng của ba mình, vừa cùng tôi thảo luận dụng tâm ba cậu xử lý chuyện này.
(Ảnh: Internet)
Người cha thông minh này đã làm gì vậy?
Trước tiên, từ đầu đến cuối ông chưa từng sử dụng từ “trộm” để nghĩ về hành vi của con trai mình.
Vì quan niệm đúng sai của trẻ nhỏ là thông qua việc nghe từ đánh giá của cha mẹ, quan sát phản ứng của cha mẹ mà hình thành. Không tùy tiện dán nhãn tiêu cực cho con, không khen lỗi lầm của con, chính là bảo vệ con.
Ngoài ra, giữ cảm xúc ổn định, bình tĩnh nghiêm túc để suy nghĩ phương pháp giải quyết thích hợp nhất. Không trách mắng, không chửi bới, không cằn nhằn dạy bảo.
Khi biết được con mình “lấy trộm” đồ của người khác, người cha không lập tức nổi giận trách mắng chửi bới, cũng không lập tức bắt đầu cằn nhằn khó chịu, cũng không giảng một bài đạo lý dài. Mà là để bản thân bình tĩnh suy nghĩ một chút, rồi dùng phương pháp đơn giản hiệu quả nhất, hòa nhã thích hợp nhất để ứng xử và giải quyết chuyện này.
(Ảnh: Internet)
Tiếp theo đó, người cha dùng hành động trực tiếp để làm gương và chỉ dẫn chính xác cho con.
Thật ra trong lòng con biết rõ lấy đồ của người khác là không đúng. Vì vậy, cái mà con cần không phải là đạo lý hoặc đúng hoặc sai, mà là cần học được cách nên làm thế nào khi phạm phải lỗi lầm.
Điều mà người cha thể hiện với con trai là lòng khoan dung, sự gánh vác. Người cha của bạn thân tôi, cũng chỉ đơn giản nói hai câu, một là “cùng nhau mang trả lại”, đây là phương pháp sửa đổi lỗi lầm cần thiết; hai là “nếu như con muốn thì ba mua cho con”, nói cho cậu biết cách đúng đắn để có được thứ mình muốn.
Cuối cùng, còn cần phải ghi nhớ điểm này: Sự việc đã qua rồi, thì là quá khứ rồi. Bạn không nên truy cứu nhiều lần, không tùy tiện nhắc lại để bảo vệ lòng tự trọng của con, tôn trọng con trong giới hạn lớn nhất.
Tuy con còn rất nhỏ, nhưng đã có cảm giác tự trọng và sự xấu hổ. Người trong cuộc chứng kiến con mình phạm lỗi, nếu có thể đứng ở góc độ của con, nghĩ đến con chắc chắn không muốn hành vi không tốt của chúng bị nhiều người biết được, cho dù là người nhà. Vì vậy, không bao giờ nhắc lại chuyện này với người khác nữa, chính là cách tốt nhất để bảo vệ lòng tự trọng của con.
Tóm lại, điều tôi muốn nói là, cho dù con bạn có xuất hiện một số vấn đề đạo đức mà bạn cho rằng là vô cùng nghiêm trọng, cũng xin bạn trước tiên nên kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Không nên tùy tiện “dán nhãn” cho con bạn mà hãy suy ngẫm lại phương thức giáo dục của mình, bình tĩnh, cẩn trọng suy nghĩ biện pháp ứng phó với hành vi sai trái của con. Có như vậy, việc bạn làm mới không có ảnh hưởng tiêu cực đối với sự trưởng thành của con.
Châu Yến Lâm
Xem thêm: