Sơn Đoòng được biết đến là hang động lớn nhất từng được phát hiện từ trước đến nay. Nắm trong mình nhiều kỷ lục và đem lại sự bất ngờ cho cộng đồng quốc tế, danh tiếng của Sơn Đoòng đã lan rộng khắp thế giới. Thế nhưng, kỳ quan này vẫn đang tiếp tục nằm trong nguy cơ bị hủy hoại bởi chính bàn tay con người, cũng như bao địa danh khác đã từng bị chúng ta vô tình khám phá.
Cho dù câu chuyện xây dựng cáp treo trong vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng còn chưa ngã ngũ, nhưng có một nguy cơ gần như chắc chắn sẽ xảy ra, đó là Sơn Đoòng sẽ biến thành điểm du lịch với hơn một nghìn lượt khách ghé thăm mỗi ngày .
Nhiều người cho rằng, tỉnh Quảng Bình, quê hương của Sơn Đoòng, là một trong những tỉnh nghèo, vì vậy có một địa danh nổi tiếng như thế thì thương mại hóa là một điều tất nhiên. Thế nhưng ít ai nghĩ đến những điều mà chúng ta sẽ phải đánh đổi nếu như cứ khai thác nó một cách bất hợp lý.
Những nguy cơ có thể xảy ra
Về mặt sinh học, với 5 triệu năm ẩn mình trong rừng rậm, hệ sinh vật bên trong hang động đã tự mình thích nghi với điều kiện thiếu sáng mà không có sự quấy rầy của con người. Phát triển du lịch đại trà, đồng nghĩa với sự xuất hiện của những chiếc đèn điện, tiếng ồn và nồng độ Carbon dioxide tăng lên nhanh chóng. Hệ sinh thái nhạy cảm này sẽ bị bóp nghẹt và hủy hoại trong một sớm một chiều.
Về mặt địa chất, PGS.TS Tạ Hòa Phương (Trưởng khoa Địa chất Đại học Khoa Học Tự Nhiên Hà Nội) và Chuyên gia Vũ Lê Phương đã có bài phân tích về mặt cấu tạo của Sơn Đoòng, nó không phù hợp cho bất cứ công trình xây dựng lớn nào.
Nói cách khác, những công trình xây dựng lớn cận biên hang Sơn Đoòng sẽ hủy hoại kết cấu rất mỏng manh của nó. Hơn thế nữa, vì các nhũ đá và các cấu trúc đá vôi trong hang động có thể duy trì hình dạng lâu dài bởi vì mức ổn định của Carbon dioxide qua hàng triệu năm, chúng sẽ rất dễ bị hủy hoại bởi hơi thở con người.
Liệu có thực sự đáng để đánh đổi?
Một tuyệt tác giá trị như thế, một kỳ quan mà Mẹ thiên nhiên phải mất nhiều triệu năm để nhào nặn như thế, liệu chúng ta có thể giữ gìn nó được bao lâu nếu mở cửa du lịch đại trà? Và có bao nhiêu người sẽ cảm nhận được giá trị chân thực của vẻ đẹp đó? Có bao nhiêu người sẽ vẽ vạch lên thành hang, xả rác, cười đùa và thậm chí là bẻ gãy những nhũ đá hàng trăm ngàn năm tuổi?
Sơn Đoòng là hang động lớn và sâu bậc nhất thế giới, điều đó có nghĩa, bạn phải là những nhà thám hiểm thực sự đam mê và hết sức chuyên nghiệp mới có thể tận hưởng đến tận cùng những gì kỳ vĩ nhất. Với những du khách thông thường, họ chỉ đến để tham quan và chụp ảnh với người thân bè bạn ở cửa hang. Vẫn sẽ có rất nhiều thắng cảnh và hang động ở ngoài kia có thể làm chúng ta thỏa mãn, mà chẳng cần phải lặn lội vào phần lõi của Di sản thiên nhiên thế giới quý giá này.
Khai thác du lịch bằng cáp treo hiện nay khá phổ biến trên thế giới, tuy nhiên người ta không dùng cáp treo để khám phá hang động, đặc biệt với những hang động lớn và đẹp lộng lẫy như Sơn Đoòng bởi hệ sinh thái của nó rất dễ bị tổn thương và hủy hoại bởi sự thăm viếng vượt quá sức chịu tải. Ví dụ: Hang Lechuguilla ở Mỹ được đánh giá là hang karst có hệ thạch ngũ đẹp nhất hành tinh đang được bảo tồn bằng cách đóng cửa đối với khách tham quan; chỉ có giới khoa học mới được phép vào nghiên cứu. Ngay cảnh quan vùng The Wave ở Arizona, Hoa Kỳ, tuyệt đẹp, có sức chứa hàng ngàn du khách mỗi ngày. Tuy nhiên để bảo vệ kỳ quan thiên nhiên này khỏi bị hủy hoại, người Mỹ cũng chỉ cho phép 20 du khách được tới tham quan mỗi ngày, và phải đăng ký trước cả năm.
Chúng ta không cần những mảnh ngọc vỡ
“…Như vậy có hang Sơn Đoòng thì Quảng Bình cũng không khai thác được nhiều. Chẳng khác gì kim cương ở dưới đáy biển, đẹp thì đẹp thật, nhưng chẳng ai được chiêm ngưỡng…”. Đó là nhận định của ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC, trong một buổi họp báo về kế hoạch khai thác Sơn Đoòng.
Mặc dù nhận định nay có phần hợp lý, có thể Sơn Đoòng vẫn chỉ là một viên ngọc bí ẩn với nhiều người. Nhưng nếu chúng ta thực sự biến nó thành một điểm du lịch, chẳng những Sơn Đoòng bị đe dọa, mà bản thân Vườn Quốc gia Phong Nha kẻ bàng cũng sẽ xuất hiện vấn đề. Tuy rằng, điều này đem lại lợi ích kinh tế, nhưng Sơn Đoòng không phải là di sản của một cá nhân hay tổ chức nào cả, nó là di sản của toàn nhân loại và chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ chúng cho thế hệ mai sau.
Như một cư dân mạng từng chia sẻ: “Tôi tin chắc rằng tôi cũng sẽ như bạn, cũng chỉ ngắm Sơn Đoòng qua phim ảnh thôi, nhưng không sao. Bởi nếu ai cũng muốn toại nguyện, vậy thì con cháu chúng ta sẽ không bao giờ ngắm được, nghe được sự ngưỡng mộ của thế giới về Sơn Đoòng, vì nó đã bị hủy hoại và biến mất…”
Nguyên Trực