Đạo đức nghề nghiệp là tài sản vô hình quý giá tạo nên thương hiệu của mỗi cá nhân. Nó không phụ thuộc vào trình độ học vấn hay địa vị xã hội, mà xuất phát từ nội tâm luôn biết nghĩ cho người khác, không vụ lợi cho riêng mình.

Câu chuyện về người lễ tân

Vào một đêm đông muộn, có một đôi vợ chồng cao tuổi bước vào một khách sạn, đáng buồn thay khách sạn đó đã hết phòng.

Nhân viên lễ tân không đành lòng để hai cụ già phải ra ngoài tìm khách sạn, anh ta liền dẫn họ vào một căn phòng: “Căn phòng này không được tốt lắm nhưng hai bác sẽ không cần phải ra ngoài lúc nửa đêm nữa”.

Nhân viên lễ tân không đành lòng để hai cụ già phải ra ngoài tìm khách sạn (ảnh: songmoi).

Ngày thứ hai, khi họ thanh toán, nhân viên lễ tân đó liền nói: “Hai bác không cần thanh toán đâu ạ, vì căn phòng hai bác ở đó là phòng của cháu. Chúc hai bác có một hành trình du lịch vui vẻ ạ!”.

Thì ra, anh chàng lễ tân đó đã ngủ một đêm tại quầy bàn để nhường phòng cho họ. Cặp vợ chồng hết sức cảm động và nói: “Chàng trai trẻ à, cậu là nhân viên lễ tân khách sạn tốt nhất mà chúng tôi từng gặp đấy. Cậu nhất định sẽ được đền đáp”.

Chàng trai mỉm cười, tiễn hai cụ già ra cửa và rồi nhanh chóng quên đi chuyện hôm đó.

Bỗng có một ngày, anh ta nhận được một bức thư, trong đó có một tấm vé đi du lịch New York một mình. Chàng trai đi đến một căn biệt thự trang hoàng theo như chỉ dẫn trong thư. Thì ra, đôi vợ chồng mà anh ta tiếp đón trong đêm hôm đó chính là tỷ phú. Họ đã mua tặng chàng trai một khách sạn lớn sau đó giao cho anh quản lý.

Câu chuyện về người sửa xe đạp

Có một thanh niên trẻ học việc trong một cửa hàng buôn bán, sửa chữa xe đạp. Một hôm, có người đem đến cửa hàng một chiếc xe đạp hỏng.

Chàng trai này không chỉ sửa xong chỗ hỏng mà còn bỏ thời gian ra lau chiếc xe cẩn thận, khiến chiếc xe trở nên sáng bóng như mới. Những người bạn đang học việc cùng chàng trai thấy vậy thì nói cậu thừa thời gian, làm một việc chẳng liên quan gì đến mình.

Tuy nhiên, ngày thứ hai sau khi đem chiếc xe về nhà, chủ nhân của chiếc xe đạp, vốn là giám đốc một công ty lớn đã quay lại cửa hàng và mời chàng thanh niên kia đến công ty của ông ta làm việc.

Chàng trai sửa xe đạp không chỉ sửa xong chỗ hỏng mà còn bỏ thời gian ra lau chiếc xe cẩn thận (ảnh: giant).

Có thể nói, anh chàng nhân viên lễ tân và người sửa xe đạp đều là những con người biết nghĩ cho người khác. Họ vô tư giúp đỡ người khác mà không mong mỏi được đền đáp, thậm chí cũng chẳng lưu tâm, bởi với họ, sống tử tế là điều hiển nhiên cần phải làm. Phẩm chất đó chính là chất liệu tạo nên thương hiệu cá nhân, và cũng là đạo đức nghề nghiệp.

Một chút suy ngẫm

Có thể, khi làm việc tốt, bạn không được “nhận quả ngọt” như anh chàng lễ tân hay chàng trai sửa xe đạp, nhưng ít nhất bạn cũng đã đạt đến được sự tôn nghiêm, thứ mà có bao nhiêu tiền bạc cũng không thể mua được. Cho dù bạn là giám đốc một công ty lớn, một nhân viên văn phòng bình thường, một người bán hàng rong trong ngõ hẻm hay là công nhân quét dọn rác trên đường phố, chỉ cần bạn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tập trung tinh thần vào công việc của mình, biết suy nghĩ cho lợi ích của cả người khác, bạn đều có thể ngẩng cao đầu và tự hào về bản thân.

Ảnh: shutterstock.

Thực ra, trong vũ trụ này có một quy luật bất biến:”Gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Khi bạn sống tốt và lương thiện, dù bằng cách này hay cách khác, bạn sẽ nhận lại được những điều tốt lành. Và, kể cả khi làm điều tốt đẹp mà không ai để ý, xin bạn đừng buồn mà hãy luôn nhớ rằng: “Mỗi ngày mặt trời đều chiếu rọi ánh sáng rực rỡ cho muôn loài, nhưng hầu hết chúng ta đều không để tâm đến điều đó. Bạn đang tỏa sáng như ánh dương đó”.

Bạn đang đọc bài viết: 2 câu chuyện về đạo đức nghề nghiệp, dẫn chứng cho đạo lý ‘gieo nhân lành, gặt quả ngọt’ tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||ab2e68952__