Đại Kỷ Nguyên

Có một tiệm sửa xe kỳ lạ ở Sài Gòn, ông chủ tuy chẳng giàu nhưng đã cứu rất nhiều người

Tiền ai cũng cần, dù là người giàu hay nghèo đều có nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên rộng lòng san sẻ cho người nghèo hơn trong khi mình cũng nghèo như anh thợ sửa xe trong câu chuyện này quả là đáng quý. Ở anh chúng ta thấy được niềm vui, hạnh phúc bình dị nhưng lớn lao của người biết cho đi và nhận lại tình thương.  

Ông Nguyễn Văn Phúc (42 tuổi), chủ tiệm sửa xe máy Tân Phúc Mập (cơ sở tại đường Phạm Hùng, phường 5, Q.8, TP. HCM), hơn 22 năm nhận dạy và sửa xe miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật. Ông đã dành gần như cả thời trai trẻ của mình để làm công tác từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Ông Phúc quê ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Do nhà quá nghèo, lại đông anh em nên năm 12 tuổi, ông bắt đầu đi làm thuê kiếm sống. Từ hái dừa thuê, hái cau, nhổ cỏ lúa, hái rau má thuê, cắt lúa, cắm câu, bắt ốc… việc gì ông cũng làm để có tiền lo cho bản thân và gia đình. Năm 14 tuổi, ông theo chân mấy người cùng xóm lên Sài Gòn. Thời gian đầu, ông mưu sinh bằng nghề lượm ve chai để kiếm sống qua ngày, ban đêm ông lấy hiên nhà, gầm cầu làm nơi trú ngụ. Sau một thời gian, ông được một gia đình nhận làm người giúp việc gia đình. Mỗi ngày, ông có nhiệm vụ lau nhà cửa và chăm sóc cho một cụ già bị tai biến, với lời hứa của gia chủ: cố gắng chăm sóc cho cụ, khi nào cụ qua đời, sẽ cho ông Phúc đi học nghề.
3 năm sau, gia chủ già yếu qua đời và ông Phúc đi học nghề sửa xe máy. Nhưng thời gian học chỉ được 1 tiếng buổi trưa, sáng và chiều ông phải làm việc nhà. Đến năm 17 tuổi, tay nghề của ông đã thành thạo và tự sửa xe để kiếm tiền. Ban ngày sửa xe tại tiệm, ban đêm ông đạp xích lô để kiếm thêm thu nhập. Được một thời gian, ông tích góp đủ tiền để có thể mở một tiệm sửa xe riêng của mình. Thời gian đầu mở tiệm còn nhiều khó khăn nên tối ông vẫn đạp xích lô kiếm sống. Dần dần, ông đã xây dựng được cơ sở riêng cho cả
gia đình như hiện nay.
Cũng từ đó, ông Phúc đặc biệt lưu tâm đến những thanh niên cơ nhỡ mà ông gặp bởi nhìn họ, ông như thấy lại hình ảnh của mình nhiều năm về trước. Ông không ngại đưa họ về cơ sở của mình, đào tạo nghề cho họ.
Ông Phúc cho hay: “Dạy nghề cho các em khuyết tật khó lắm, phải mất thời gian từ 2-3 năm nhưng tôi luôn tự nhủ không được nản lòng, nếu không sẽ làm mất cơ hội của các em. Nếu học viên bị mất một tay thì mình phải đóng vai cụt tay, học viên chỉ có một chân thì mình cũng phải nhập vai để cảm nhận, làm việc để các em học theo”.

Em Nguyễn Thành Nhân (16 tuổi, quê ở Sóc Trăng) đã học nghề được 2 tháng nay. Nhà nghèo nên đến lớp 6 phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, thấy Nhân chăm chỉ, ông Phúc nhận nuôi và dạy nghề miễn phí cho cậu. Nhân chia sẻ: “Chú Phúc là một người tốt, luôn giúp đỡ người khác. Việc làm của chú ấy luôn được mọi người ngưỡng mộ. Sau này, em rất muốn được như chú, làm nhiều việc tốt để giúp ích cho đời”.

Trong công việc truyền lại nghề của mình, ông luôn tận tình chỉ bảo cho các học viên. Đối với ông Phúc, việc giúp các em có việc làm ổn định là niềm hạnh phúc lớn trong đời.

Với 22 năm trong nghề, ông đã dành trọn cả thời trai trẻ của mình làm công việc thiện nguyện giúp đỡ những mảnh đời éo le. Đến giờ, ông Phúc đã tạo công ăn việc làm cho 130 người khuyết tật.

Những học viên của ông hiện tại chủ yếu là người khuyết tật, việc phức tạp thì ông Phúc chỉ tận nơi, việc nào đơn giản hơn thì ông chỉ dẫn chung một lần rồi sau đó mọi người tự tập sửa và chỉ bảo lẫn nhau. Ông Phúc cho hay, các học viên ông dạy đều học nghề rất nhanh. Trong ảnh là anh Nguyễn Quốc Cường (21 tuổi, bị khuyết tật ở tay phải), sau một thời gian ngắn học việc, đã tự sửa xe cho khách.

Anh Lê Văn Nhiều (21 tuổi) tâm sự: “Tôi không may bị tai nạn, phải cưa bỏ một chân. Sau khi bị nạn, tôi thực sự cảm thấy tuyệt vọng. Những tưởng cuộc đời mình coi như bế tắc từ đó, nhưng may mắn đã được chú Phúc cưu mang và dạy cho nghề sửa xe. Tôi rất biết ơn chú vì đã cho tôi một cuộc đời mới”

Không chỉ giúp đỡ các học viên, ông Phúc còn thường xuyên giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình bằng những việc làm thiết thực. Người bán vé số bị khuyết tật rất vui khi nhận được hộp cơm từ thiện từ ông Phúc. Món quà tuy không có giá trị nhiều về vật chất nhưng là tấm lòng của người đàn ông giàu lòng thiện nguyện.
Từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, ông Phúc cùng vợ nấu hơn 60 suất cơm (cỡ 18.000 đồng/suất) để phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, khuyết tật trong phường. Còn tại tiệm của ông, cứ khoảng 11h là có 30 suất cơm được phát miễn phí cho những người nghèo mưu sinh khắp các tuyến phố gần đó. Ông Phúc lập gia đình năm 25 tuổi, đến nay, vợ chồng ông đã có 2 cô con gái, con gái lớn học lớp 7, cô út học lớp 5.
Một tấm biển ấm áp tình người của ông Phúc. Dành gần nửa cuộc đời mình làm từ thiện, nhưng ông cảm thấy việc làm đó vẫn chưa đủ, vì ông cho rằng, vẫn còn nhiều lắm những nỗi bất hạnh, cần giúp đỡ.
Thanh Long tổng hợp
Xem thêm:
Exit mobile version