Đại Kỷ Nguyên

Ngày trở về đẫm nước mắt của người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc suốt 7 năm

Bảy năm trời lưu lạc nơi đất khách quê người, bảy năm với những ngày tăm tối chỉ quanh quẩn trong nhà, không giao tiếp, không được nhận dù là một chút yêu thương, chị Lới không ngờ rằng, mình lại có may mắn được trở về. 

Hồng nhan một kiếp truân chuyên

Người phụ nữ không may mắn bị bắt sang Trung Quốc 7 năm trước là chị Lê Thị Lới (38 tuổi). Sinh trưởng trong một gia đình làm nông nghèo tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, khi còn nhỏ, vì gia đinh khó khăn, nên dù là con út trong gia đình nhưng chị Lới vẫn phải nghỉ học từ năm lớp 6 để cùng bố mẹ làm công việc đồng áng.

Chị Lới ngày bé là một cô gái bé nhỏ, đen nhẻm như bao đứa trẻ của vùng quê “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này. Nhưng đến tuổi dậy thì, chị trở thành một cô gái yêu kiều. Nét đẹp lạ và mặn mà của chị khiến nhiều chàng trai trẻ trong làng, ngoài phố say mê. Nhưng đó cũng là điểm bắt đầu cho chuyến hành trình cay đắng, nhiều nước mắt của chị.

Chị Lới, người phụ 7 năm lưu lạc xứ người

Được nhiều người theo đuổi, tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm sống, năm 27 tuổi chị Lới đem lòng yêu một người không trung thực. Người đàn ông này vui đùa với chị rồi bỏ đi, để lại cho chị Lới một cú sốc lớn và một vết thương lòng sâu sắc. Không biết có phải vì quá đau khổ mà chị sinh ra thơ thẩn, tâm trí không còn tỉnh táo. Lúc nào, chị cũng như ở trong một thế giới mơ hồ nào đó.

Thương con, gia đình chị Lới ra sức bao bọc, chăm lo với hi vọng xoa dịu vết thương lòng của chị. Nhưng cuộc đời một lần nữa lại đẩy chị vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Chị Lới mang thai, nhưng không biết cha đứa trẻ là ai. Chị lại một mình ôm con về nhà mẹ đẻ sinh sống. Nhưng anh trai chị cũng đã lập gia đình, cũng có những nỗi lo riêng, mẹ chị lại đã lớn tuổi nên không thể trợ giúp gì nhiều. Trước gia cảnh khó khăn như vậy, chị Lới quyết định một mình ôm con lên phố huyện, đi làm thuê làm muớn để kiếm bữa ăn. Lúc thì chị nhận rửa bát cho người ta, khi lại làm người giúp việc.

Lưu lạc phương trời

Biết bệnh của chị Lới, chủ nhà đã dặn dò cẩn thận “có ai rủ đi đâu cũng đừng đi”. Nhưng vào một ngày năm 2010, chị Lới được một phụ nữ tên Thanh rủ đi sang Trung Quốc chơi. Tin rằng bà Thanh là người cùng quê, đã quen biết từ trước, lại thêm phần ngơ ngẩn nên chị Lới đi theo người ta mà không suy nghĩ gì, lại đem theo cả con gái tên Mai lúc ấy mới tròn 5 tuổi.

Mẹ con chị Lới không may gặp phải kẻ buôn người. Họ dắt mẹ con chị sang biên giới, sau một ngày thì chia cắt chị với bé Mai. Chị Lới chỉ còn nhớ được chị bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc đã rất già tên là A Ân, còn con gái đã bị người ta mang đi từ khi ấy, cả bảy năm trời, chị cũng không còn chút tin gì của con.

Chị Lới cùng chị dâu

Ở những vùng quê hẻo lánh của Trung Quốc, những người đàn ông nghèo thường không thể lập được gia đình. Cái cùng quẫn ấy đẩy con người tới một giới hạn mới của tội ác – mua vợ như mua một món hàng.

Trong bảy năm lưu lạc xứ người ấy, chị Lới có cuộc sống tù túng còn hơn cả nhận vật Mỵ trong truyện ngắn của Tô Hoài. Chị rất ít khi được ra khỏi nhà, đi đâu cũng có người đi kèm vì người ta sợ chị bỏ trốn. Bảy năm ấy là bảy năm quanh quẩn với những người không cùng tiếng nói, bảy năm làm cỗ máy sinh đẻ trong một gia đình. Chị đã sinh cho A Ân ba đứa con. Ngày bị bắt, chị vẫn còn giữ nguyên tấm ảnh chụp ba đứa trẻ trong túi áo đã bốc mùi hôi thối.

Hy vọng đến nhưng thật mong manh

Cuộc đời chị Lới tưởng như sẽ mãi mãi chìm đắm trong tăm tối và tù túng ở nơi đất khách quê người. Nhưng một cuộc truy quét những người cư trú bất hợp pháp của địa phương đã giúp chị Lới nhìn thấy một tia hy vọng. Chị bị bắt và nhốt trong trại vì không có giấy tờ tùy thân. Chỉ cần có ai đó đến chuộc chị ra, chị sẽ có cơ hội được trở về. Trong suốt cả quãng thời gian trong trại giam, chị chỉ có một bộ quần áo và một bức ảnh – kỷ vật duy nhất về ba đứa con chị dứt ruột sinh ra trên mảnh đất xa lạ này. Không người thân thích, không nhớ được mình là ai, mọi ký ức và kỷ niệm chỉ là sự mơ hồ, chị Lới chỉ biết chờ đợi, nhưng có lẽ chính chị cũng không biết mình đang chờ đợi điều gì.

Hy vọng được về với gia đình của chị Lới vì thế lại trở nên thật mong manh.

Từ ngày chị Lới bị mất tích, người nhà vẫn nuôi hy vọng tìm thấy chị. Chị Bình, chị dâu của chị Lới tâm sự rằng, tuy em ngơ ngẩn, nhưng em đi mất cả nhà đều thương, đều ngóng em về. Cứ có nơi nào có tin của chị Lới, cả nhà lại chạy tới hỏi thăm. Nhưng ngần ấy năm, chẳng ai hay được tin gì của chị. Sự chờ đợi của gia đình chị dần cũng chỉ còn là sự cầu nguyện trong đáy lòng của mỗi người: Trời thương sẽ cho chị được quay về.

Đó là lý do, khi có người hàng xóm chạy sang báo tin: “Người ta đăng ảnh của chị Lới trên Facebook”, có người tìm thấy chị, chuộc chị từ đồn công an trên cửa khẩu, gia đình chị vẫn chưa dám tin sẽ có ngày chị Lới trở về.

Đoàn viên nhưng chưa hề trọn vẹn

Người làng nhìn thấy thông báo tìm người thân và hình của chị Lới trên Facebook

Người đăng tấm ảnh của chị Lới cùng dòng thông báo nhắn tìm người nhà của chị là anh Nguyễn Văn Hưng (40 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), một công nhân xây dựng ở Trung Quốc. Cứ nửa tháng anh phải lên cửa khẩu đóng tiền làm visa một lần. Ngày hôm ấy, khi đi vào quán ăn gần đó, anh nghe người ta nói chuyện về những người Việt bị bắt trong đồn. Có người nhờ anh vào thăm, xem có ai là đồng hương không thì giúp tìm người nhà, lên đón họ về.

Ở nơi đất khách quê người này, tình đồng hương trở nên thật quý giá. Trong cái vất vả và xa lạ, người ta cũng dễ cảm thông cho hoàn cảnh của nhau hơn. Khi vào đồn, gặp chị Lới, thấy cảnh chị ngẩn ngơ, đến nhà mình ở đâu còn không thể nhớ rõ, nên anh Hưng đã dùng gần hết số tiền mình mang theo người (1.800 nhân dân tệ, tương đương 6 triệu đồng) để chuộc chị về. Rồi anh đăng ảnh lên Facebook nhờ cộng đồng lan tỏa, tìm người nhà của chị.

Chị Lới và ân nhân

Tới khi anh Đàn, anh trai chị Lới liên lạc, anh Hưng mới rõ quê quán người phụ nữ mà mình vừa cứu. Sợ chị tinh thần không tỉnh táo, lại đi lạc, anh Hưng cố gắng thu xếp công việc của mình để đưa chị về tận quê nhà. Ngày 9/12 vừa qua, anh Hưng đã đưa chị Lới đến UBND xã Đức Sơn trình báo sự việc, sau đó mới đưa về gia đình anh Lê Đình Đàn, anh trai của chị Lới để gia đình được đoàn tụ.

Ngày đón chị Lới trở về, cả gia đình nhìn nhau rơi nước mắt, mừng mừng tủi tủi, vừa thương em, vừa xót cháu. Thương cho em gái thân cô thế cô nơi đất khách quê người. Mừng vì em đã lại được trở về bình an, nhưng cháu Mai ở đâu, không ai biết, không ai hay. Niềm vui ngày đoàn viên lớn lắm, nhưng dường như trong tâm hồn những người còn minh mẫn, vẫn còn thiếu một mảnh ghép để hạnh phúc được vẹn toàn. Và biết đâu, ẩn sâu trong trái tim của chị Lới, đằng sau cái ngẩn ngơ, mê mờ của chị hiện tại, cũng vẫn đau đáu câu hỏi: Con đang ở nơi nào?…

Nguồn ảnh: Báo Nghệ An

Hải Lam

Exit mobile version