Lời nói đến từ trái tim, và nếu trong tâm thực sự tôn trọng người khác thì lời nói sẽ đem theo sự thiện lương. Còn người đạo đức giả thì không như vậy.
Khi còn học phổ thông có một bạn nữ đến từ phương Nam, làn da trắng, trông nhỏ nhắn xinh xắn và dễ thương. Nếu so với các cô gái phương Bắc thì cô bạn này hoàn toàn hơn hẳn.
Chúng tôi làm bạn với nhau, và cùng đọc truyện “Tam Mao” của Quỳnh Dao rồi đàm luận về thơ từ ca phú. Tôi đã coi cô bạn này như người bạn thân thiết mà không giấu giếm chút gì. Tôi chia sẻ với bạn hết những bí mật và phiền não thời niên thiếu. Chúng tôi từng nói chuyện thâu đêm. Rồi khi cô gặp chuyện rắc rối, tôi liền đưa tay giúp đỡ. Nhưng đúng vào lúc tôi thổ lộ hết những nỗi khổ tâm trong lòng, cô bạn lại đáp trả bằng lời nói dửng dưng: “Những chuyện đó cũng là chuyện khổ não ư?” Tiếp đến: “Chỉ có mấy chuyện thì có gì khổ chứ”…
Sau lần đó, tim tôi thắt lại.
Thời học sinh, nhận thức của chúng tôi còn chưa thấu đáo, nên rất sợ bị mang cái danh “kẻ đạo đức giả”. Vậy nên cô bạn có gì nói đó để không phải mang cái danh này. Rất nhiều bạn học lúc đó đã học theo cách ứng xử này.
Năm 2002, tôi tốt nghiệp đại học. Ở nơi xa lạ, tôi và một chị cùng thuê một gian phòng nhỏ. Chị là một nữ công nhân lớn hơn tôi vài tuổi. Tôi lại khờ khạo nghĩ rằng mình đã gặp được một người tri kỷ để giúp mình sửa chữa sai lầm. Mùa thu năm đó, nhân dịp tổ chức đại hội thể thao, công ty đã phát cho mỗi người một bộ đồ thể thao nhãn hiệu Li Ning. Với tôi, đây là lần đầu tiên tôi được mặc bộ đồ hàng hiệu. Tôi không thể nén nổi hạnh phúc nên vừa về đến nhà liền mặc thử.
Thật bất ngờ, chị cùng phòng đã thốt lên lời chê: “Em đúng là một tiểu cô nương quá ngây thơ. Đây đều là mẫu cũ hết mốt của Li Ning từ năm trước rồi. Vậy mà em vui mừng đến thế sao?”
Hai ngày sau chị tìm tôi nhờ giúp đỡ, vẻ ngạo mạn cợt nhả biến mất. Chị cười nói: “Tiểu Lý à! Chị là là người nói chuyện thẳng thắn, em chớ để ý nha.”
Bên tai tôi lúc này vang lên lời hát: “Thân thế của tôi đã hại tôi, lại còn phải cười mà bỏ qua. Đây không phải là vấn đề thẳng thắn hay không. Tôi cũng không phải là thánh nhân, làm sao lại không bị tổn thương cho được?”
Làm trong lĩnh vực nhân sự nhiều năm, tôi đã thấy quá nhiều lời dựa vào hai từ “Thẳng thắn” mà không chịu trách nhiệm về ngôn từ của mình.
Bởi vì “Thẳng”, nên có thể muốn nói gì thì nói không che đậy.
Bởi vì “Thẳng”, nên tùy ý ăn nói lung tung khiến người oán hận.
Bởi vì “Thẳng”, tất cả mọi người vì điều này mà bỏ qua.
Bởi vì “Thẳng”, nên tất cả lỗ mãng và liều lĩnh, vô lo đều được tha thứ.
Đó không phải là thẳng thắn từ trong tâm, cũng không phải thẳng thắn một cách đơn thuần. Đó lại càng không phải là thẳng thắn bộc trực.
Người nhờ vào từ “thẳng thắn” mà ngụy biện chính là người ích kỷ, nói chuyện bất lịch sự, không chú ý đến cảm thụ của người nghe. Họ không biết khắc chế cảm xúc của chính mình, cũng không để ý đến lời nói gây tổn thương người khác. Người này chỉ biết thỏa mãn cảm xúc của chính mình.
Ở nơi làm việc thường có hai loại người đối nghịch như vậy. Có người vì sợ người khác được thoải mái vui vẻ mà tận lực khiến người khác không thoải mái, chỉ cần bản thân thấy vui là được. Nhưng cũng có người vì sợ người khác không vui mà tận lực để cho họ được vui vẻ, cho dù bản thân phải đau khổ.
Bởi vì tôi làm nghề tuyển dụng nhân sự, được tiếp xúc với các tổng giám đốc có thu nhập từ trăm triệu đến mấy trăm triệu một năm, thậm chí có người còn thu nhập cao hơn rất nhiều.
Tôi tự hỏi, mấy vị giám đốc có điểm gì không giống nhau và nhận thấy rằng, càng những vị có mức thu nhập cao càng đem đến cho người đối diện cảm giác thoải mái. Khi nói chuyện với vị giám đốc có lương đến hàng tỷ đống, tôi có thể nói chuyện cả 3 giờ đồng hồ. Dù cho lời nói của tôi có mang theo hương vị ngọt bùi hay cay đắng, họ đều dùng những lời nói công bằng để trả lời. Không một câu nào khiến tôi khó chịu, lời nói của họ luôn làm tôi thấy thoải mái.
Giống như dựa trên nguyên lý thái cực, cho dù là lời nói gai góc thế nào, họ toàn dùng chiêu thức lấy nhu thắng cương. Khi những cao thủ so chiêu, họ hóa giải vấn đề ở chỗ vô hình và trong âm thầm lặng lẽ. Họ sở dĩ có thu nhập cao như vậy là vì giá trị mà họ mạng lại cũng tương đương. Vậy nên, khả năng nói chuyện khiến người khác thoải mái chính là một phẩm chất. Càng người có mức lương thấp, khi nói chuyện càng khiến người đối diện không thoải mái.
Nếu suy nghĩ lại về những cuộc đàm thoại hàng ngày, chúng ta thường thấy lời trướng tai khiến người khác khó chịu. Nếu bản thân nói lời khiến người khác khó chịu thì chúng ta cũng lại được nghe lời khó chịu như thế.
Muốn có tiền lương cao hơn, chúng ta nên cố gắng làm sao nói chuyện khiến người thoải mái, và tu dưỡng thêm phẩm chất về phương diện này.
Thông thường khi nói chuyện, chúng ta rất dễ làm tổn thương đối phương. Tôi từng nói chuyện với người hơn 70 tuổi. Không một lời nào của ông làm tổn thương người khác. Ông luôn làm cho người đối diện thấy thoải mái. Trên bàn tiệc có hơn mười người, mỗi câu ông dùng đều có thể quan tâm được tất cả. Cả già trẻ, nam nữ đều cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với ông. Để làm được như vậy chính là thể hiện mức độ thâm sâu của tu dưỡng.
Sự thoải mái của người khác sẽ quyết định sự thành công của bạn.
Trong đối nhân xử thế, nếu dùng kỹ xảo và nghệ thuật giao tiếp khi nói chuyện người với người, nó không giống như tu dưỡng mà chỉ là thiện ý tối thiểu.
Trong thế giới này luôn có những khuôn khổ nhất định. Ở tuổi thiếu niên, người đó cần nói chuyện có lễ phép, đến tuổi thanh niên, khi nói chuyện cần suy nghĩ cho đại cục, đến thời trung niên cần thấu hiểu lòng người. Nếu ngay từ nhỏ người này đã không hiểu lễ nghĩa, lớn lên sẽ rất dễ đánh nhau với bạn bè, rồi lớn thêm chút nữa thì sẽ thành kẻ lừa bịp.
Quá trình trưởng thành cần tuân theo trật tự và quy tắc này. Đầu tiên người này cần phải dùng ngôn từ thiện ý, người đó mới có tư cách nói hai từ “thẳng thắn”. Có những người nói không nghĩ, lại vin vào hai từ “thẳng thắn” để ngụy biện mà cố ý làm tổn thương người khác. Người tùy tiện dùng lời này để biện minh chẳng qua chỉ vì sự ích kỷ của bản thân, lời vừa nói ra đã làm tổn thương người khác.
Lời thiện ý sẽ khác hoàn toàn, sẽ không biện minh cho lời nói, mỗi lời nói ra đều suy xét xem có làm tổn thương người khác hay không.
San San
Xem thêm: