Sau 25 năm hồi hương, ông tìm gặp các bác sĩ đã từng khám và khẳng định ông bị ung thư nhưng tất cả họ đều đã chết, trước ông. Vậy bí quyết nào giúp người đàn ông này sống sót sau căn bệnh hiểm nghèo?
Ông Moraitis, sinh sống tại Mỹ, năm 1976. Bác sĩ kết luận ông bị ung thư phổi. Hoang mang trước thực tại, người đàn ông mới hơn 60 tuổi này tìm đến 8 bác sĩ khác nhau để khám lại và tất cả đều có chung nhận định như vị bác sĩ ban đầu, rằng ông chỉ còn sống được nhiều nhất là 9 tháng nữa.
Khi đối diện với cái chết, ông tìm về hòn đảo Ikaria sinh sống. Tuy nhiên những ngày sau đó, ông Moraitis cảm thấy khỏe khoắn hơn và bắt tay vào việc trồng trọt vài loại cây ăn quả trong vườn nhà. Nhưng ông không dám hy vọng sẽ được ăn trái cây do mình trồng.
Sáu tháng nữa trôi qua, những cây do ông trồng đã bắt đầu cho trái nhưng ông vẫn chưa ra đi như bác sĩ đã dự đoán mà ngược lại còn cảm thấy khỏe mạnh hơn trước.
Phấn khởi, ông Moraitis bắt tay vào việc dọn dẹp vườn nho của gia đình, ông bắt đầu thói quen ngủ một giấc thật dài rồi thức dậy, ra vườn làm việc cho tới trưa. Sau bữa trưa, ông lại đánh một giấc ngủ dài cho đến chiều tối mới tỉnh dậy, dạo bước tới một quán đầu làng chơi domino với bạn bè cho tới nửa đêm.
Chứng ung thư phổi đã biến mất từ lúc nào không hay, dù ông không hề áp dụng bất cứ một biện pháp điều trị nào.
Năm 2001, sau 25 năm hồi hương, ông tìm gặp các bác sĩ đã từng khám và khẳng định ông bị ung thư nhưng tất cả họ đều đã chết, trước ông.
Câu chuyện của ông Moraitis được nhà báo Dan Buettner của tờ The New York Times kể lại đã gây chấn động cả giới y học. Nhưng vị nhà báo này cho biết, ông Moraitis chỉ là một trường hợp bình thường trên đảo Ikaria.
Tại hòn đảo Ikaria, một đảo thuộc biển Bắc Aegean của Hy Lạp, đảo có 10.000 cư dân và thật thần kỳ cứ 3 người lại có 1 người thọ hơn 90 tuổi, những người dân nơi đây luôn tự hào là những người có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Tuổi thọ rất cao của cư dân trên đảo Ikaria khiến vùng đất này được mệnh danh là nơi Thần Chết quên viếng thăm hay còn gọi là đảo trường thọ.
Sau đó một cuộc điều tra đối với những cư dân trên đảo sinh trong khoảng thời gian từ năm 1900 tới năm 1920 được tiến hành.
Cuối cùng, người ta đưa ra kết luận rằng, tỷ lệ cư dân Ikaria sống tới 90 tuổi cao gấp 2,5 lần người Mỹ và số năm sống thêm sau tuổi 90 của họ cũng cao hơn, từ 8 tới 10 năm. Tỷ lệ những người có tuổi thọ trên 90 của hòn đảo này cao gấp 10 lần so với công dân các nước châu Âu.
Cùng với Okinawa của Nhật Bản, Sardinia của Italy, Loma Linda ở California, Mỹ, hòn đảo nhỏ xinh đẹp của Hy Lạp đã khiến nhiều nhà nghiên cứu phải ngỡ ngàng bởi sự kỳ diệu của nó.
Điều làm nên sự kỳ diệu trên hòn đảo Ikaria
Chắc hẳn chúng ta đều có chung một câu hỏi: Vậy bí quyết sống thọ của cư dân trên đảo là gì?
Người dân Ikaria luôn cố gắng sống gần gũi với gia đình và hàng xóm; người lớn tuổi đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng. Ông bà thường giúp đỡ nuôi dạy con cháu hay giúp đỡ việc kinh doanh của gia đình.
Bên cạnh đó, cách sinh hoạt của người dân trên đảo cũng sôi động hơn những nơi khác. Các hàng quán ở Ikaria về đêm luôn nhộn nhịp tiếng nhạc và điệu nhảy. Phụ nữ trong vùng tụ tập trong phòng ăn, ngồi uống trà vào ban ngày.
Đến nửa đêm, họ dọn dẹp bàn ghế và phòng ăn trở thành bữa tiệc âm nhạc, người ta tay nắm tay giao hòa trong điệu nhạc dân tộc. Quan trọng hơn, họ có nguồn vui tinh thần là một gia đình ấm cúng và bạn bè thân ái.
Những người dân ở đây cho biết, họ biết thế nào là đủ nên tinh thần luôn cảm thấy thoải mái. Và cụ bà Proiou là một điển hình, cụ đã 105 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh và yêu thích công việc dệt vải trong cửa hàng của mình.
Khi được hỏi bí quyết sống lâu của mình, cụ trả lời: “Đừng có ham muốn nhiều hơn cái mình thật sự cần. Nếu ghen tỵ với người khác thì cuộc sống của mình chỉ thêm mệt mỏi mà thôi”. Cách nhìn cuộc sống như vậy đã giúp cụ luôn vui vẻ trong công việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.
Trên hòn đảo nhỏ này, không khó để bạn bắt gặp hình ảnh người dân địa phương nhấm nháp cà phê dưới bóng những cây tiêu huyền và đùa vui với nhau bên ngoài những ngôi nhà lợp mái bằng đất sét.
Ngoài ra, các chủ cửa hàng đóng mở cửa tiệm không theo lịch cố định nào cả. Nhiều cửa tiệm ở đây hoạt động theo nguyên tắc danh dự: khách hàng lấy bất cứ thứ gì họ thích và để lại tiền trên quầy.
Bước đi của những người trên hòn đảo này cũng khiến cho người ta ngạc nhiên, chậm rãi, khoan thai, không vội vàng nhưng vẫn đủ thời gian để quan sát và tận hưởng mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống.
Nhịp sống chậm ở đây nghĩa là khi bạn đi mua một hũ mật ong từ người nuôi ong, lúc đến tới đây, đầu tiên bạn sẽ ngồi xuống ghế, cười nói, tán gẫu cùng chủ quán. Rồi khoảng 20 phút sau đó mới vào lấy mật ong, trả tiền và ra về. Bản thân người bán hàng cũng tỏ ra khoan thai và nói với vị khách không cần phải vội vàng.
Không chỉ có lối sống và cách nhìn cuộc sống luôn lạc quan và vui tươi. Cư dân trên hòn đảo còn có thói quen ăn uống cũng rất ‘khoa học’.
Những người đến nay được 100 tuổi đều nói rằng, họ chủ yếu ăn những thứ tìm được trong tự nhiên, từ nấm đến rau dại cũng như những thực phẩm trồng được trong vườn nhà như cải bắp, khoai tây, đậu…
Đặc biệt, người dân nơi đây cho rằng thói quen ăn uống giúp họ sống lâu hơn chính là việc thường xuyên ăn các chất dầu oliu và rau, ít chất sữa (trừ sữa dê), một chút rượu nho. Còn thịt rất hiếm khi ăn, thường chỉ ăn khoảng 2 – 3 lần trong 1 năm vào những ngày lễ lớn.
Ngoài ra, những người già ở đây còn đi hái các loại cây như mùi tây, bạc hà và hoa cúc để phơi khô làm trà uống hàng ngày.
Lối suy nghĩ biết thế nào là đủ cùng cách sống hòa mình vào thiên nhiên đã giúp cho những cư dân trên hòn đảo được mệnh danh là nơi thần Chết bỏ quên này luôn có được cuộc sống thanh bình và khỏe mạnh. Tại sao chúng ta không thử áp dụng những phương châm sống của cư dân Ikaria vào cuộc sống của mình nhỉ?
Bạn đang đọc bài viết: “Sống trên hòn đảo ‘trường thọ’ sau 26 năm bị chẩn đoán ung thư và bí quyết của cư dân trên đảo” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |