Đại Kỷ Nguyên

Start-up chẳng giống ai của chàng trai 9x: Hòm quyên góp online, mỗi lần mua sắm là 1 lần ‘làm từ thiện’

Khởi nghiệp (start-up) vốn chưa bao giờ là dễ dàng, khởi nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận lại càng khó khăn bội phần. Bởi lẽ, dù bạn đặt lợi ích cá nhân hay lợi ích cộng đồng lên trên, bạn đều cần chi phí để tồn tại.

Hoàng Đức Minh là cái tên không còn xa lạ với cộng đồng những người tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại Việt Nam. Chàng trai sinh năm 1990 được biết đến như là thủ lĩnh trẻ tuổi nhất về môi trường của Việt Nam hiện nay, là người sáng lập tổ chức Hành động vì Tương lai (A4F), nổi tiếng với chiến dịch “Tử tế là”. Với chí hướng bảo vệ môi trường, A4F đã tham gia, khởi xướng rất nhiều chiến dịch như “Tôi ghét nylon”, “6.700 người vì 6.700 cây xanh”, hay “Save Sơn Đoòng”.

Hoàng Đức Minh (Ảnh: Genknews)

Năm 2015, Minh được Forbes Việt Nam trao tặng danh hiệu “30 Under 30”, dành cho 30 gương mặt dưới 30 có tầm ảnh hưởng nhất năm 2014. Tuy nhiên, ‘phát động những chiến dịch chia sẻ sự tử tế’ và ‘điều hành một start-up xuất phát từ mục tiêu chia sẻ sự tử tế’ lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Wake it up – nền tảng chia sẻ những điều tử tế

Năm 2015, Minh ra đời dự án khởi nghiệp đầu tiên với tên gọi “Wake it up”. Đây là nền tảng công nghệ được thiết kế riêng cho các tổ chức và nhà hoạt động xã hội, nơi họ có thể gây dựng chiến dịch, kêu gọi sự hưởng ứng từ cộng đồng và tìm kiếm nguồn tài trợ từ doanh nghiệp.

Wake It Up không chỉ được cộng đồng xã hội biết tới nhiều nhất bởi chức năng ký tên cho các chiến dịch mà còn đem tới một khái niệm rất mới mẻ: Sharefunding (hình thức gọi vốn dựa trên các lượt chia sẻ).

Ví dụ: Bạn rất “bức xúc” trước vấn đề rác thải đô thị và chỉ cần share (chia sẻ) thông tin về chiến dịch “Biến rác thành hoa” được phát động ở Wake It Up trên mạng xã hội. Cú click chuột share đó đã đóng góp 20.000 đồng cho chiến dịch. Share có thể “chuyển” thành tiền được là nhờ vào các nhà tài trợ đã cam kết sẽ hỗ trợ chiến dịch xã hội, với điều kiện tên của nhà tài trợ xuất hiện trong mục bảo trợ cho chiến dịch. Nhìn chung, trong trường hợp chiến dịch đủ lớn, có sức ảnh hưởng với xã hội, các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tài trợ để dự án tiếp tục duy trì hoạt động.

“Save Sơn Đoòng” – Một dự án của Hoàng Đức Minh (Ảnh: kindmate)

Về mặt tài chính, sharefunding được duy trì dựa trên nguyên tắc là chiến dịch càng thu hút nhiều người share thì càng có lợi cho doanh nghiệp tài trợ và cho dự án. Tuy vậy, cộng đồng cũng nhờ đó mà được hưởng lợi nhờ không gian sống xanh sạch hơn; nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường sống cũng từ đó dần thay đổi.

Năm ngoái Wake It Up giành giải nhất cuộc thi “1 triệu đô thay đổi thế giới” do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức. Mặc dù mô hình khởi nghiệp đã có một số thành công nhất định nhưng việc tiếp tục phát triển lại vô cùng chật vật.

Wake it up vẫn có doanh thu nhưng rất khó để bù đắp chi phí cho vấn đề nhân sự, marketing. Để có thể tồn tại, mỗi tháng Wake it up cần huy động được khoảng 500 triệu từ phía doanh nghiệp. Trên thực tế, gây quỹ 500 triệu là một con số khổng lồ, điều này dường như vượt qua năng lực của bất kỳ nhóm hoạt động xã hội nào.

Cuối cùng, Hoàng Đức Minh quyết định tạm dừng đầu tư công sức, thời gian cho Wake it up mà chuyển sang một dự án khởi nghiệp khác. Dù vậy, Wake it up không bị đóng cửa mà vẫn được tiếp tục duy trì.

Kindmate – mỗi lần mua sắm là một cơ hội làm từ thiện

Ngày 5/5/2017 vừa qua, Hoàng Đức Minh cho ra đời Kindmate, dự án khởi nghiệp số 2, cũng vẫn lấy mục tiêu hoạt động vì cộng đồng làm nguyên tắc hàng đầu.

Khi đăng ký tham gia Kindmate, khách hàng có cơ hội mua sắm giảm giá tại các cửa hàng có hợp tác với dự án. Mỗi người có thể lựa chọn giảm giá (nếu muốn) hoặc chuyển khoản giảm giá đó thành tiền ủng hộ cho các dự án xã hội.

“Tôi nhận thấy hành vi mua hàng diễn ra phổ biến hàng ngày. Nếu mỗi lần mua hàng, khách hàng chỉ dành ra đúng 1.000 đồng, giống như hũ gạo mỗi lần ăn cơm để dành ra nửa bát, thì đã là một số tiền khổng lồ.” – Minh chia sẻ

Việc mua sắm tại các chuỗi cửa hàng trong hệ thống Kindmate diễn ra khá đơn giản. Khách hàng chỉ cần lên website đăng ký thành viên, sau đó ra cửa hàng, đọc số điện thoại cá nhân là đã nhận được giảm giá.

“Kindmate là nền tảng trung gian giúp khách hàng hiểu được khoản tiền họ đóng góp đã đi đâu về đâu. Nó là một hòm từ thiện số hóa và chúng tôi đứng ra đảm bảo với khách hàng tiền sẽ được chuyển đến các dự án xã hội. Còn dự án nào thì tùy thuộc vào lựa chọn của doanh nghiệp hợp tác.” – Minh cho biết thêm.

Cũng giống Wake it up, Kindmate có thể gặp rủi ro khi hoạt động dựa vào lòng tốt của con người. Nếu khách hàng không chấp nhận từ bỏ phần giảm giá, sẽ không có chi phí đầu tư cho các dự án xã hội cũng như hoạt động của start-up. Tuy nhiên, chàng trai trẻ Hoàng Đức Minh vẫn có niềm tin mạnh mẽ rằng lòng tốt của con người sẽ đủ để duy trì Kindmate.

“Lòng tốt của con người sẽ đủ để duy trì Kindmate”. (Ảnh: Climatologia Geográfica)

Vẫn còn quá sớm để kết luận Kindmate sẽ thành công hay chịu chung số phận của Wake it up nhưng những dự án mà Minh đã sáng lập đã mang lại nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và lan tỏa lòng tốt, sự tử tế trong xã hội. Giống như cậu bạn trẻ từng tâm sự: “Không nhất thiết phải là người sáng lập hay CEO, chỉ cần được cống hiến là vui rồi”.

Start-up chưa bao giờ dễ dàng

Bạn biết đấy, là một start-up, bạn sẽ thực sự làm việc cho chính mình, dành toàn bộ thời gian và tâm trí cùng với đồng đội để tạo ra sự thay đổi cho thế giới chứ không phải giam cầm bản thân trong một văn phòng với một công việc tẻ nhạt suốt 8 giờ mỗi ngày. Kiếm tiền khá quan trọng, nhưng thực sự, cảm giác nhìn thấy sản phẩm do bạn làm ra giúp ích được cho cộng đồng là một cảm giác cực kỳ tuyệt vời.

Tuy nhiên, trên thực tế, start-up là chuỗi những tháng ngày chịu đựng áp lực kinh khủng. Bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạn vốn bất cứ lúc nào, phải tính toán xem sẽ cần bao nhiêu tiền để tạo ra một sản phẩm còn chưa thiết kế xong, và phải đoán xem có bao nhiêu người sẵn sàng trả tiền cho một sản phẩm chưa từng tồn tại trên thị trường. Và cho dù có khả năng phá sản bất cứ lúc nào, phần thưởng khi thành công sẽ là một tương lai đầy hứa hẹn và rộng mở.

Start-up chưa bao giờ dễ dàng (Ảnh: Tiasang.com)

Như vậy, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, với những ai giàu đam mê và dũng cảm, start-up vẫn luôn là một sự lựa chọn đúng đắn.

Gửi tới những bạn trẻ khao khát khởi nghiệp

Những câu chuyện phá sản như của The Kafe, Lingo hay FoodPanda vẫn luôn nhắc nhở chúng ta rằng, con đường khởi nghiệp vốn dĩ không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng, ngay cả với những start-up được đánh giá rất cao. Nó cũng không hào nhoáng như nhiều người vẫn tưởng tượng mà chứa đầy rủi ro và thử thách. Thế nhưng, trên hết, với những ai thực sự khao khát, những trải nghiệm và niềm hy vọng mà công việc này mang lại hoàn toàn xứng đáng với mồ hôi, nước mắt mà họ đã bỏ ra.

Với những ai giàu đam mê và dũng cảm, start-up vẫn luôn là một sự lựa chọn đúng đắn. (Ảnh: Vertiv)

Thế giới này vô cùng rộng mở và cái gì cũng có khả năng thành công hoặc không; điều quan trọng nhất vẫn là bạn muốn tạo ra giá trị gì cho cuộc sống. Chúng ta không phủ nhận rằng sự giàu có về tài chính là một động lực quan trọng khi khởi nghiệp. Thế nhưng, đừng bao giờ để nó trở thành mục tiêu duy nhất của bạn.

Hiểu Minh

Xem thêm:

Exit mobile version