Ông Nguyễn Tiến Thiểu (Hà Nam), sinh ra với khiếm khuyết chỉ có hai ngón tay nhưng ông đã khiến nhiều người kinh ngạc vì ý chí, nghị lực và sự tài hoa của mình.
Về đầu thôn Hoàng Lý (Lý Nhân, Hà Nam) hỏi thăm nhà ông Nguyễn Tiến Thiểu (81 tuổi) người làng ai cũng biết. Ông nổi tiếng vì khuyết tật bẩm sinh, mỗi bàn tay chỉ có một ngón nhưng khiến nhiều người phải kinh ngạc vì sự tài hoa, vẽ đẹp, lại giỏi tiếng Trung.
Gia đình một ngón tay kỳ lạ
Hai cụ thân sinh ra ông có 6 người con thì trong số đó, ông Thiểu và ông Tuấn (em trai ông Thiểu) mang dị tật bẩm sinh, bàn tay mỗi người chỉ có một ngón. Bàn chân ông Tuấn chỉ có một ngón út, chân ông Thiểu thì hơn người em mình một ngón.
Tâm sự với PV báo Người Đưa Tin, ông Thiểu cho hay, lúc mới sinh nhìn thấy con trai quá dị thường, làng xóm lại dị nghị cho rằng có chuyện ma quỷ nên bố ông đã chôn sống ông hai lần nhưng ông đều được mẹ cứu. Sau bố ông lại bỏ đói không cho ăn uống nhưng có lẽ số mệnh cao nên dù bị bỏ đói ông vẫn sống. Lúc sinh em trai cũng bị chứng một ngón, làm bố ông đâm ra trầm cảm.
Sau này ông Thiểu và ông Tuấn trưởng thành, đến tuổi lập gia đình thì một số con cái của họ cũng bị mắc hội chứng một ngón tay. Trong 7 người con của ông Thiểu, có 2 người sinh ra bị dị tật giống bố. Còn ông Tuấn sinh ra hai người con trai thì cả hai đều bị tật, theo Vietnamnet.
Không hiểu vì sao gia đình, dòng họ nhà mình lại bị căn bệnh lạ lùng này, ông tìm đến rất nhiều bệnh viện, rất nhiều bác sĩ để hỏi nhưng không ai mang lại cho ông một lời giải đáp chính xác.
Vượt lên nghịch cảnh
Theo lời ông Thiểu, ra đời với hình hài khác biệt, ông đã trải qua tuổi thơ không hề dễ dàng, bị người ta xì xào, bàn tán. Thế nhưng, được trời phú cho nghị lực phi thường, ông đã vượt qua nghịch cảnh.
Mặc dù chỉ có hai ngón tay nhưng ông tập làm mọi việc chẳng khác người bình thường. Dù là viết chữ, học hành, đạp xe, đi xe máy… ông đều thành thạo sau những ngày tập luyện đau đớn, trầy da tróc thịt, ngã rồi lại dậy. Ở tuổi cắp sách tới trường, bạn bè trêu chọc, ông vẫn miệt mài tập viết, khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười tươi rói.
Theo Người Lao Động, dù thiếu ngón chân ông Thiểu vẫn cuốc bộ một ngày hơn chục ki-lô-mét để đến trường. Dù là khi đi chăn trâu chăn vịt, ông cũng tranh thủ mang theo sách đi học.
Nhờ siêng học, năm 1960 ông thi đỗ khoa tiếng Trung của Đại học Hà Nội. Người bình thường viết tiếng Trung đã khó, mà ông chỉ có một ngón tay. Hồi ấy, thay vì tập viết vào giấy, ông hay ra bãi đất trống, lấy que gỗ nhỏ viết trên nền đất. Có lúc bàn tay tứa máu do tập viết nhiều quá.
Sau này ra trường ông về dạy tiếng Trung tại trường Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội). Một thời gian sau, ông chuyển về Hà Nam sống, học thêm về lĩnh vực ngân hàng. Hàng tháng, ông đạp xe vượt hơn 100km vào Sầm Sơn, Thanh Hóa học nghiệp vụ. Nghị lực ấy của ông khiến những thầy cô và bạn học phải nể phục.
Ngay sau khi học xong, ông được nhận về công tác tại Ngân hàng Công thương ở tỉnh Hà Nam Ninh (cách nhà hơn 50km). Từ một nhân viên ở phòng tín dụng, ông chuyển sang vị trí kế toán rồi sau đó lên đến chức Trưởng phòng tổ chức mới về hưu.
Gia đình đông con, cuộc sống bộn bề khó khăn, song nhờ có nhiều tài lẻ, ông kiếm thêm tiền nhờ vẽ tranh, viết giấy khen thuê, dịch sách tiếng Trung, dịch gia phả cho các dòng họ, dịch sách cổ cho các đình làng và cả trang trí đám cưới thuê…
Căn bệnh di truyền
Ông Thiểu có 7 người con; 6 người con đầu với vợ cả đều là con gái, một người bị di truyền chân tay một ngón giống bố. Sau khi vợ cả qua đời, ông kết hôn với vợ thứ, sinh được cậu con trai tên Nguyễn Tiến Đạt, không may cậu bé cũng bị dị tật một ngón tay giống cha.
Các con của ông Thiểu giờ đã xây dựng gia đình và có công ăn việc làm. Hương, cô con gái dị tật giống ông cũng tự trang trải kiếm sống bằng nghề may tại một xưởng may dành cho người khuyết tật ở Hà Nội.
Còn cậu bé Nguyễn Tiến Đạt ngày nào giờ trở thành chàng trai khôi ngô, tuấn tú, thừa hưởng sự tài hoa của bố. Cậu bé từ nhỏ đã học giỏi, sớm bộc lộ năng khiếu vẽ. Hiện cậu đang học năm nhất Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ngoài giờ học cậu đi vẽ thuê, chép tranh kiếm tiền đóng học phí. Một thầy giáo thương hoàn cảnh, nên nhận dạy thêm cho cậu không mất tiền.
Mẹ Đạt, vợ thứ của ông Thiểu chia sẻ: “Tay chân cháu như thế, hy vọng sau này kiếm được công việc ổn định, nuôi sống bản thân là vợ chồng tôi mãn nguyện”.
Bà tâm sự, tình cảm giữa bà với các con chồng khá tốt đẹp, hòa thuận. Mỗi năm vào ngày giỗ vợ cả, ông Thiểu, bà cùng các con chồng đều sum vầy làm mâm cơm cúng.
Video xem thêm: 10 việc nhỏ tiết lộ bạn có phẩm chất và thú vị