Đại Kỷ Nguyên

Sự thật ít người biết về phần màu xanh bí ẩn trên cục tẩy

Có một “truyền thuyết” được lưu truyền trong các thế hệ học sinh kể về công dụng kì diệu của viên tẩy hai màu: Phần màu cam để tẩy bút chì, phần màu xanh để tẩy bút bi. Nhưng sự thật có đúng như vậy không? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời chính xác. 

Ngày còn đi học, đã có lần nào bạn háo hức mua chiếc tẩy hai màu về vì nghe bạn bè rỉ tai: Cái phần xanh của nó tẩy được mực đó. Rồi bạn hí hửng cố tình viết sai một chỗ trong vở để thử nghiệm ngay. Tẩy qua, tẩy lại, tẩy xong, đúng là vết mực đã bay đi, nhưng bạn lại mếu máo vì trên trang giấy trở nên nhàu nhĩ và tệ hơn cả, ở chỗ vết bút mực bây giờ là… một lỗ thủng. 

Câu hỏi đầu tiên hiện ra trong đầu bạn: Không tẩy bút bi hay bút mực, vậy phần màu xanh ở đó có tác dụng gì?

Trước khi khám phá câu trả lời, có một thông tin khá thú vị liên quan đến sự ra đời của chiếc tẩy. Người ta cho rằng, chiếc tẩy hai màu là một chiến lược Marketing của hãng Maped, hãng văn phòng phẩm nổi tiếng đã cho ra đời loại tẩy này. Theo lời thú nhận của người phụ trách Marketing của công ty, cách đây hơn 20 năm, những chiếc tẩy hai màu trông đẹp và thu hút các em bé nhiều hơn. Họ đã sản xuất cả loại tẩy đơn (chỉ có màu cam hoặc màu xanh), nhưng doanh số bán hàng của nó thấp hơn hẳn so với tẩy hai màu.

Quay trở lại với bí ẩn đầu xanh chiếc tẩy, để lý giải được bí ẩn này, cấu tạo khác nhau của hai đầu tẩy dường như là manh mối quan trọng nhất. Đầu cam của chiếc tẩy mềm và có bề mặt nhẵn, nó được làm từ cao su lưu hóa nên thích hợp với việc tẩy các vết bút chì, mà không sợ làm rách các loại giấy mỏng, có bề mặt trơn.

Còn khi cầm đầu xanh của tẩy, bạn thấy nó cứng hơn và có độ nhám giống như giấy nhám. Bí ẩn chính là một trong những thành phần cấu tạo phần xanh này là đá bọt (Pumice Stone) , một loại đá núi lửa có cấu tạo rất đặc biệt. Khi quan sát, bạn sẽ thấy nó giống một miếng bọt biển với rất nhiều lỗ khí tạo ra độ nhám lớn trên bề mặt. Độ nhám của đầu tẩy màu xanh có nguồn gốc từ đây.

Bề mặt nhám của tẩy chính là lý do khiến những trang vở của bạn thủng lỗ chỗ và dúm dó sau khi tẩy. Nhưng các nhà sản xuất vẫn kiên quyết khẳng định phần tẩy này dùng để tẩy vết chì… nhưng là trên những bề mặt dày và gồ ghề hơn một trang giấy vở, ví dụ như trên các loại giấy vẽ dày, bìa carton thậm chí là trên tường. Độ nhám của tẩy sẽ giúp bạn mất ít sức hơn để tẩy vết chì trên những bề mặt này.

Đến bây giờ, hy vọng bạn đã cảm thấy “thoải mái” hơn khi trả lời được câu hỏi theo bạn suốt thời đi học. Dưới đây, mời bạn cùng tìm hiểu thêm một số tình huống có thể sử dụng đến đầu xanh của chiếc tẩy một cách hữu ích nhé!

1. Tẩy vết dầu mỡ khô trên mặt bếp

2. Lột các loại nhãn mác dính trên đồ mới mua

3. Loại sạch các vết bẩn trên giày da lộn

4. Làm sạch bàn phím máy tính

5. Chà sát tẩy với loại pin (có thể sạc) để tăng tuổi thọ pin

Tham khảo Ca m’interesse & eva.vn
Ly Ly

Xem thêm:

 

Exit mobile version