Đại Kỷ Nguyên

Sự tương phản giữa hai nền giáo dục Á – Âu qua câu chuyện hai bé gái với chim bồ câu

Sự tương phản giữa hai nền giáo dục Á - Âu qua câu chuyện hai bé gái với chim bồ câu

Ảnh: SitX / Pixabay.

Tôi còn nhớ đó là một buổi trưa hè trời rất đẹp ở Venice. Gió và nắng nhẹ. Tôi lang thang ở quảng trường vắng gần một nhà thờ cổ thì thấy có một cặp vợ chồng mang theo một đứa con nhỏ đi dạo ở đây.

Cô bé chạy chơi với bầy chim. Chim ở Châu Âu nói chung và ở Venice nói riêng cực kỳ thân thiện. Cô bé đang chơi thì mẹ cô thong thả rút ra một mẩu bánh mì. Rồi cô bé ngồi bệt xuống đất bắt đầu cho chim ăn. Bé cẩn trọng, đáng yêu, đút từng mẩu bánh cho từng chú chim.

Tôi ngồi đó quan sát em bé và cha mẹ em. Trong đôi mắt cặp vợ chồng trẻ là niềm hạnh phúc bất tận long lanh khi nhìn con chơi đùa. Họ cười một nụ cười tỏa nắng và dựa đầu vào nhau.

Cô bé chơi chừng 20 phút thì có một cặp vợ chồng du khách người Trung Quốc đi qua. Có một cô bé khác cũng thấy đàn chim. Cô bé lân la đến. Và tôi đọc trong mắt em là sự thèm muốn được vào cuộc với cô bé kia. Bé gái Trung Quốc đứng đó chừng 2, 3 phút thì người cha chạy đến và chụp ảnh lia lịa… con gái với chim. Xong kêu bé tạo dáng để chụp các kiểu. Con bé ngoan ngoãn làm xong phận sự rồi lại ngắm cô bé cho chim ăn. Lúc này tôi nghe tiếng mẹ em the thé (xin lỗi cho dịch đúng nguyên bản vì tiếng Hoa tôi khá tốt): “Nhanh nhanh về mà còn đi chỗ khác chụp hình!”.

Cô bé luyến tiếc có vẻ không muốn đi.

Người mẹ dỗ:

– Chim có ở mọi nơi mà con. Lát nữa mình lại thấy các bạn chim mà.

Cô bé vẫn đứng đó.

Lúc này người cha quát ầm lên làm chim bay hết:

– Mau lên! Chim với chả chóc!

Rồi ông xốc đứa bé và lôi nó xềnh xệch trong tiếng khóc của con và tiếng lầm bầm của chị vợ!

Cặp vợ chồng người Châu Âu nhìn, khẽ lắc đầu, rồi họ trở lại cuộc sống yên tĩnh vốn có. Chim lại bay về và cô bé ngẩn ra một lúc lại cho chim ăn và nô đùa với chúng.

Ảnh minh họa: Capturing the human heart / Unsplash.

Tôi thấy thương cho người Châu Á mình, nhất là Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta đi chơi là để… chụp hình. Không phải chụp cảnh vì yêu thích và cảm nhận mà ảnh nào cũng phải… có mình! Ừ thì thôi cũng được. Nhưng trẻ con không cần những thứ như thế. Trẻ con cần là được cảm nhận, được hòa vào thiên nhiên.

Nhìn hai đứa trẻ ấy xem, một là con nhà giàu Trung Quốc, còn một bé có bố mẹ cũng chỉ là dân backpacker (Tây balo). Hai gia đình không hề nghèo hơn nhau mẩu bánh mì nhưng cách xử sự rất khác nhau.

Đứa trẻ Châu Âu được hòa vào thiên nhiên, học cách sống với chính mình, trân quý cuộc sống và yêu thương muôn loài. Trên hết trong em là những kỷ niệm đẹp và đầy tình yêu. Mà trên hết là tình yêu sáng suốt mà cha mẹ dành cho em. Khi lớn lên, em không cần biết là giàu hay nghèo, đều có thể sống hạnh phúc và tỏa sáng theo cách của em. Mọi người sẽ trân trọng em như một con người thực sự!

Đứa trẻ Trung Quốc, những tấm ảnh đủ loại kiểu dáng ấy có thể mang đến cho cha mẹ em niềm hãnh diện, hoặc sưu tập những tấm ảnh đẹp cho con. Để rồi sao? Khi nhìn những tấm ảnh đó là sự nuối tiếc về một kỷ niệm buồn buồn và tiếc nuối đối với đứa trẻ. Đứa trẻ ở đâu cũng vậy, cũng trong sáng và thánh thiện. Nhưng người lớn chúng ta nợ con chính bản thân con. Chúng ta hủy hoại đứa trẻ.

Những tấm ảnh ấy rồi sao, mỗi lần nhìn lại là một sự tự mãn, tự mãn vì mình đã đi qua nơi này, vì mình… trên người khác. Nếu được khen thì tốt, bị chê thì ghét. Thế thì mình đang dạy con những gì: tự phụ, cao ngạo, vô cảm, khoe mẽ… nhưng hoàn toàn thiếu hạnh phúc đích thực và thiếu cảm nhận cuộc sống sâu sắc. Đứa trẻ đó lớn lên có thể giàu có và thành công, nhưng người ta không nhớ về em. Người ta có thể xu nịnh em nhưng hoàn toàn không trân quý em!

Tôi nghĩ cái thời ngày xưa nghèo khó không được đi du lịch, mình chỉ ngồi dưới gốc cây mơ mộng mà còn có nhiều thời gian cảm nhận về cuộc sống hơn là bây giờ!

Tôi biết nhiều bậc phụ huynh nghĩ mình cưng nó thôi là đủ rồi. Cho nó đi chơi thì bảo con chơi cái này đi, đừng chơi cái kia bẩn, cái này hay nè, tốt nè…

Ta tự hỏi mình cho con nhiều thế, nuôi con vất vả thế mà nó vẫn… không hài lòng, vẫn… bất hiếu. Rồi ta vin vào chữ hiếu, khiên cưỡng bắt con có hiếu. Chính chúng ta không hiểu và không phân biệt nổi đâu là tình yêu đích thực đâu là tình yêu khiên cưỡng và thứ gọi là: trách nhiệm phải yêu.

Đứa trẻ nó không cảm nhận giống bạn. Bạn đến một nơi, chụp đủ thứ hình ảnh, ăn uống, khách sạn… Đứa trẻ về cuối cùng chỉ nhớ mỗi cái… hồ bơi dù nó đi biển, hay chỉ nhớ mỗi cái hoa bồ công anh dù bạn có hàng trăm hoạt động ở trên núi!

Hãy nhìn bằng cảm nhận của con hay ít nhất là để con được tự do! Đừng cố lấy cái nhìn của mình áp lên tâm hồn non nớt và trong trẻo của con. Hãy để con cảm nhận cuộc sống theo cách của con!

Tôi thích đi du lịch một mình, hoặc với trẻ con, vì các em trong sáng, chụp ảnh các em vui chơi là một điều cực kỳ thú vị. Chụp ảnh cuộc sống và con người nơi đó cũng vậy, đưa được hồn nơi ấy vào trong ảnh là một công việc khó khăn và nâng cao tâm hồn mình.

Tôi yêu du lịch và cuộc sống xê dịch đó đây, ở đó ta cảm nhận thế giới rất khác. Nếu một lần nào đó đi du lịch mà bạn quẳng cái máy chụp hình đi mà cảm nhận thôi, hoặc chỉ chụp khi cảm được nơi ấy thôi. Bạn sẽ thấy mỗi một ngọn cây đã nói với bạn bao điều. Bạn sẽ nhớ hết vì bạn sợ quên mất, sẽ yêu vì bạn thổi chính mình vào đó. Vào những buổi chiều trên những lâu đài cổ với những đàn chim hay chỉ là một cánh đồng xanh cuộn sóng mùa lúa chín… tất cả đều đẹp khi bạn có một tâm hồn đẹp.

Đừng đi xem hoa sen chỉ để chụp hình hoa.

Riêng về trẻ em, xin đừng đầu độc con bằng tâm hồn đã bị nhiễm bẩn của mình. Ít nhất hãy cho con là chính mình. Hãy để ý xem hành động của mình xây dựng một đứa trẻ như thế nào.

Còn tôi, chỉ muốn đi du lịch một mình!

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Vui lòng đọc bài viết gốc ở đây.

Video xem thêm: Hãy cho trẻ biết từ khi còn nhỏ rằng “cay đắng” là nền tảng của cuộc sống

Exit mobile version