Vào mùa thi, nhu cầu năng lượng của các sĩ tử cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường. Do vậy, để con có thể phát triển thể chất và trí não, các bậc phụ huynh nên lựa chọn các loại thực phẩm dưới đây.
Bộ não trung bình mỗi ngày tiêu hao 400 kcalo, tương đương 1/5 năng lượng cơ thể. Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng một chế độ dinh dưỡng cân đối và hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng, các vi chất cần thiết cho các sĩ tử, giúp trí não tỉnh táo, nhận thức và tư duy nhanh.
1. Nước ép nho
Nho là loại trái cây tốt cho sức khỏe và hỗ trợ kéo dài tuổi thọ. Không những vậy, đây cũng là thực phẩm rất tốt cho não bộ. Nho chứa tất cả các vitamin nhóm B cần thiết cho sự hoạt động của các tế bào não và cả cơ thể, giúp con người thêm năng động vì nó liên quan đến tế bào hô hấp và sản xuất năng lượng kích thích hoạt động hệ thần kinh. Trong nho chứa hàm lượng cao quercetin và anthocyanin, những chất giúp tăng cường trí nhớ. Ngoài ra, acid folic, vitamin K giúp lưu thông máu tốt hơn, chất đường đặc biệt trong quả nho có khả năng cung cấp nguồn năng lượng giúp não bộ hoạt động hiệu quả.
2. Quả việt quất
Việt quất chứa lượng lớn hợp chất flavonoids. Đây là hợp chất có vai trò rất lớn trong việc phát triển tư duy trẻ nhỏ, giúp tăng trí nhớ của các bé, tăng khả năng tập trung, đặc biệt là các bé trong độ tuổi tiểu học. Ăn nhiều quả việt quất đem lại khả năng học tập nhanh hơn, suy nghĩ sắc bén hơn và cải thiện trí nhớ tốt hơn. Tác dụng chống oxy hóa của quả việt quất giúp xóa các gốc tự do và làm giảm căng thẳng gây thoái hóa thần kinh. Ngoài ra, ăn nhiều việt quất cũng được chứng minh có tác dụng cải thiện các vấn đề giảm trí nhớ do tuổi tác như bệnh Alzheimer cũng như tăng cường chức năng não.
3. Hồ đào nhân
Hồ đào nhân có vị ngọt, tính ấm, chuyên dùng bổ thận cố tinh, ôn phế chỉ khái, ích khí dưỡng huyết, bổ não ích trí, nhuận tràng thông tiện. Hồ đào nhân có giá trị dinh dưỡng rất cao, cứ mỗi 100g có chứa 58 – 74g chất béo, chủ yếu là các acid béo không no, 18g chất đạm, 10g chất vô cơ, nhiều loại vitamin như: B1, B2, C, E… và các nguyên tố vi lượng như: Ca, P, Fe, Zn, Mg… một lượng lớn photpho, lipid và lysine rất cần cho cấu trúc và hoạt động của não bộ. Bởi vậy, hồ đào nhân là một trong những thực phẩm – vị thuốc rất có lợi cho việc cải thiện khả năng ghi nhớ. Cách dùng đơn giản là kiên trì ăn hàng ngày 1 – 2 trái hồ đào nhân hoặc dùng 30g hồ đào nhân nấu cháo ăn cùng với gạo tẻ.
4. Trứng
Trứng là nguồn cung cấp protein, chất dinh dưỡng, và đặc biệt là choline, các loại vitamin B. Choline có trong lòng đỏ trứng gà, loại chất này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh trong não giúp điều chỉnh tâm trạng, hành vi và bộ nhớ. Nó cũng hỗ trợ sự tỉnh táo và cải thiện hiệu năng nhận thức.
5. Cá
Đây là thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng cho não. Là nguồn chất béo thiết yếu trong một số thực phẩm có tác dụng cấu tạo màng tế bào thần kinh. Omega 3 – trong cá giúp hỗ trợ phát triển và duy trì các chức năng của bộ não có nhiều trong các loại cá như cá basa, trích, thu, cá ngừ, đặc biệt là cá hồi. Vì vậy, muốn có bộ não khỏe mạnh, tăng cường trí nhớ nên ăn cá 3 lần/tuần và thỉnh thoảng bổ sung dầu cá có chất lượng tốt.
6. Nấm
Các loại nấm mang tới nguồn dinh dưỡng cao như đạm, chất béo, vitamin và carbohydrate. Ăn nấm hoặc các món ăn được chế biến kết hợp với nấm bạn sẽ được cung cấp năng lượng dồi dào phục vụ việc học tập thêm hiệu quả.
7. Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa cung cấp nhiều năng lượng và dinh dưỡng, mỗi ngày uống một ly sữa trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn, uống sữa vào bữa phụ hàng ngày giúp bổ sung năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể.
Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn thêm các chế phẩm từ sữa như sữa chua, sữa chua uống còn cung cấp thêm lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, tăng cường hệ miễn dịch chống lại nhiều bệnh tật.
Những thực phẩm trên không chỉ giúp các sĩ tử nâng cao sức khỏe của mình mà còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp thoải mái, tăng khả năng tập trung và giúp các sĩ tử đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
8. Mật ong
Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ hư, nhuận táo, giải độc, được mệnh danh là “tinh của trăm hoa”. Mật ong rất giàu chất dinh dưỡng, trong đó đặc biệt là có chứa nhiều loại men, acid amin, các vitamin và nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh trung ương, qua đó cải thiện khả năng ghi nhớ.
Theo dược thư cổ Thực vật bản thảo đã viết: “Phong mật, cửu phục cường chí khí, khinh thân, bất cơ bất lão, diên niên thần tiên” (Uống mật ong lâu ngày sẽ làm mạnh mẽ thần trí, thân thể nhẹ nhàng, không đói không già, sống lâu như thần tiên). Có nhiều cách dùng, nhưng đơn giản nhất là đều đặn mỗi tối uống 2 thìa cà phê mật ong trước khi đi ngủ.
9. Long nhãn
Vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích tâm tỳ, bổ khí huyết, kiện não ích trí. Y thư cổ Khai bảo bản thảo cho rằng long nhãn có khả năng “quy tỳ nhi ích trí” (bổ tỳ mà có ích cho trí tuệ).
Theo Bản thảo cương mục, “Long nhãn khai vị ích tỳ, bổ hư trường trí” (Long nhãn kiện tỳ vị, bồi bổ hư nhược và làm khỏe tinh thần). Nghiên cứu hiện đại cho thấy, Long nhãn có khả năng điều chỉnh hoạt động của vỏ não và cải thiện khả năng ghi nhớ. Để phòng ngừa bệnh đãng trí, dân gian thường dùng Long nhãn 500g, đường trắng 500g, nấu thành cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 – 15 ml.
10. Trứng chim cút
Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ ích khí huyết, kiện não ích trí. Với giá trị dinh dưỡng rất cao, vượt xa so với các loại trứng gia cầm khác, đặc biệt vì có chứa nhiều lecithin, trứng chim cút là một trong những loại thực phẩm hữu ích cho não bộ. Thường được dùng dưới dạng luộc ăn mỗi ngày vài quả, kho thịt, nấu canh bóng hoặc làm nhân bánh bao.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: Kknews