Mùa hạ đan xen những ngày mưa tầm tã với cái nóng bức khó chịu, máy lạnh dường như không thể thiếu của mỗi căn nhà. Những nếu bạn chưa kịp trang bị điều hòa thì làm sao đây? Hãy thử một số biện pháp đơn giản dưới đây xem, bạn sẽ thấy căn phòng của bạn thoáng mát hơn hẳn đấy.
1. Dùng chăn, nệm phù hợp
Trời nắng nóng, đã đến lúc bạn nên tạm thời cất những chiếc chăn bông và nệm làm từ loại vải dày, nặng như satin, vải len.Những loại vải này có khả năng giữ nhiệt tốt, làm cho bạn cảm thấy nóng bức và khó chịu. Thay vào đó hãy lựa chọn những tấm chăn mỏng, nhẹ, sáng màu làm bằng vải cotton hoặc hỗn hợp cotton sẽ đem đến cảm giác mát mẻ vào ban đêm, nhờ chất liệu và màu sắc vải ít hấp thụ nhiệt, thông thoáng.
2. Dùng quạt trần đúng cách
Quạt trần không tạo không khí mát lạnh nhưng có thể giúp căn phòng bạn thoáng đãng và góp phần tiết kiệm tiền điện. Bạn nên đặt quạt trần quay ngược chiều kim đồng hồ để không khí nóng bị đẩy lên trên trần nhà thay vì quanh quẩn bên dưới, như vậy phòng bạn sẽ mát hơn.
3. Hạn chế dùng lò nướng
Sử dụng lò nướng có thể làm tăng nhiệt độ trong phòng và cám dỗ bạn bật máy điều hòa. Để không mắc bẫy, bạn có thể ưu tiên những món ăn không cần dùng đến lò nướng. Có thể dùng nồi nấu chậm, lò vi sóng hoặc lò nướng ngoài trời để chuẩn bị bữa ăn, hay chế biến những món ăn đơn giản mà không cần nấu.
4. Tắt đèn
Để giữ căn nhà luôn mát mẻ, bạn cần loại bỏ và hạn chế mọi nguồn gây nóng không cần thiết, bao gồm cả ánh sáng. Đến 90% năng lượng phát ra từ đèn sợi đốt là dưới dạng nhiệt. Một số chuyên gia khuyên rằng nên chuyển sang sử dụng đèn LED vào ban đêm để giảm chi phí và lượng nhiệt tỏa ra. Vào ban ngày, ánh sáng tự nhiên là lựa chọn tối ưu cho đôi mắt và nhiệt độ căn phòng.
5. Bịt kín vết nứt
Giống như khí lạnh luồn qua những khe hở trong mùa đông, khí nóng cũng theo đường này để vào căn nhà bạn. Bởi vậy bịt kín các vết nứt, sửa sang lại ngôi nhà sẽ giúp bạn giảm hóa đơn tiền điện bất kể mùa nào.
6. Sử dụng các dụng cụ phát nhiệt vào ban đêm
Bếp lò hay máy sấy khi sử dụng đều có thể nhanh chóng làm tăng nhiệt độ xung quanh. Bạn có thể giảm nhu cầu sử dụng điều hòa bằng cách hạn chế sử dụng các thiết bị phát nhiệt vào những thời điểm nóng trong ngày. Bạn nên nấu ăn, sấy tóc, giặt là quần áo khi mặt trời lặn, thời điểm không khí ngoài trời đã mát hơn.
7. Mở cửa
Bạn có thể ngạc nhiên khi nghe lời khuyên này vì mở cửa sẽ cho khí nóng luồn vào trong nhà. Quả là vậy, bạn nên đóng cửa vào những giờ nóng nhất trong ngày như lúc trời nắng nóng, giữa trưa v.v. Tuy nhiên vào ban đêm khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp bạn nên mở cửa để đón gió mát vào phòng.
8. Hạ rèm
Tia nắng mặt trời xuyên qua cửa sổ góp phần nâng nhiệt độ căn phòng. Bởi vậy bạn nên đóng rèm cửa bất cứ khi nào ánh nắng mặt trời rọi vào phòng và mở lại rèm khi tắt nắng. Ngoài ra bạn có thể lắp thêm các tấm rèm chắn nắng sáng màu ở các cửa sổ. Rèm chắn sáng màu giúp hắt nhiệt ra bên ngoài và biến phòng bạn thành một ốc đảo tươi mát giữa mùa hè chói chang.
9. Mặc đồ thoáng mát
Vào mùa hè, mặc quần áo ít hấp thụ nhiệt và thoáng như đồ làm từ vải lanh hoặc cotton sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu và mát hơn. Đồng thời bạn nên tránh mặc những bộ đồ bó sát và các loại vải giữ nhiệt, hút ẩm, nên chọn những loại quần áo rộng, sáng màu.
10. Rời khỏi nhà
Vào những thời điểm nóng nhất, bạn có thể tới các khu mua sắm,lên thư viện, vào tiệm cà phê hoặc những nơi có điều hòa mà không quá đắt. Đi chơi ở hồ bơi hoặc vui chơi ở công viên nước cũng là một biện pháp vừa tránh nóng, vừa thư giãn tâm hồn trong những ngày hè nóng bức.
Trên thực tế máy điều hòa cũng là yếu tố nguy cơ gây nên một số bệnh như nhức đầu, dị ứng, khô da, các vấn đề về hô hấp v.v, làm giảm sức chịu nóng, khiến cơ thể khó thích nghi khi ra ngoài trời, tiêu hao năng lượng và góp phần khiến Trái Đất nóng lên. Bởi vậy chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên lạm dụng điều hòa, chỉ nên sử dụng khi thật cần thiết, như những lúc giữa trưa, trời nắng nóng. Đến ban tối khi bên ngoài đã mát mẻ bạn có thể mở cửa đón gió trời và bật quạt điện để làm mát.
Tiểu Thiên (theo MSN)