Nghiên cứu mới được đăng tải trên trang Time (Mỹ) đã chỉ ra, đi dạo sau bữa ăn tối giúp giảm lượng đường trong máu hơn hiệu quả hơn 45 phút đi bộ vào buổi sáng/chiều hoặc tập thể dục trước bữa ăn.
Một nghiên cứu nhỏ trước đó của tác giả DiPietro, Đại học George Washington (Mỹ), đã phát hiện ra rằng, khi người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, đi bộ trên máy chạy bộ trong 15 phút sau bữa ăn giúp giảm lượng đường huyết trong vài giờ sau đó.
Sau bữa ăn, hệ tiêu hóa của con người sẽ chuyển thức ăn thành đường glucose, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hooc-môn insulin giúp đưa glucose vào các tế bào, hoặc sử dụng ngay lập tức hoặc được cất trữ để sử dụng sau.
Đối với những người bị tiểu đường, insulin bị suy giảm nhưng lại có quá nhiều glucose vẫn còn trong máu, dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận và các vấn đề sức khỏe khác.
DiPietro chỉ ra rằng, nhiều người thường ăn no nhất vào bữa tối và có xu hướng ngồi nghỉ ngơi sau khi ăn. Kết quả là lượng đường trong máu sẽ tăng lên rất cao và ở lại trong cơ thể suốt nhiều giờ.
Andrew Reynolds, một nghiên cứu sinh đến từ Đại học Otago (New Zealand) cho biết, các cơ sẽ sử dụng glucose làm năng lượng, từ đó giúp giảm glucose trong cơ thể.
Reynolds cũng cho biết, chỉ 10 phút đi bộ sau bữa tối sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu bởi khác với các thời điểm khác trong ngày, buổi tối là lúc khả năng quản lý lượng đường trong máu của cơ thể yếu nhất.
Ngoài việc giảm lượng đường trong máu, đi bộ sau bữa ăn còn giúp kích thích nhu động ruột, thúc đẩy nhanh quá trình di chuyển thức ăn từ dạ dày vào ruột non, giúp giảm cảm giác no và đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn.
Tuy nhiên, việc tập thể dục nặng sau bữa ăn tối lại có tác dụng ngược lại. Các bài tập nặng sẽ cần nhiều máu hơn, hệ tiêu hóa sẽ làm việc kém hơn, làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày.
Do đó, sau bữa ăn, tốt nhất chỉ nên tập với cường độ vừa phải như đi bộ hoặc đạp xe. Và cố gắng đi bộ trong vòng 1 giờ sau ăn do lượng glucose tập trung cao nhất trong vòng 72 phút sau bữa ăn.
(Tổng hợp)