Đại Kỷ Nguyên

10 thói quen tốt để có một ngày mới đầy năng lượng

Rất nhiều người muốn nằm cố thêm vài phút, vài chục phút nữa vào buổi sáng, nhưng bạn hãy thử dậy sớm và thực hành một vài thói quen này xem. Bạn sẽ thấy đầy tràn năng lượng và cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều.

1. Dậy sớm

Dậy sớm là thói quen của nhiều người thành công. Bạn sẽ không phải vội vã, tất bật sợ không kịp giờ, hoặc có thể dành riêng cho mình một chút thời gian yên tĩnh ở văn phòng. Bạn có thể tập thể dục sau đó nấu bữa sáng cho cả nhà hoặc làm một việc gì đó cho cá nhân.

Một vài nghiên cứu đã chứng minh rằng não bộ của con người vào buổi sáng sớm tăng cường năng lượng tốt hơn các thời điểm khác trong ngày. Dậy sớm còn giúp cho cơ thể điều hòa với nhịp độ sinh học của trái đất, giúp tinh thần thêm lạc quan, có thể dự đoán và giải quyết các vấn đề hiệu quả hơn so với bình thường.

2. Ngồi dậy từ từ

Sáng sớm thức giấc ngồi bật dậy, sẽ khiến cho huyết áp thay đổi đột ngột, dẫn đến đau đầu chóng mặt, thậm chí rất nguy hiểm với những người đang có vấn đề tim mạch, các ca đột quỵ cũng thường gặp vào buổi sáng. Do vậy, cách làm tốt nhất là sau khi mở mắt không ngồi dậy ngay mà nằm trên giường vận động tứ chi, matxa mặt, tai một chút rồi mới ngồi dậy. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc không thể mở mắt mỗi sáng, bạn hãy nhắm mắt và duỗi thẳng cơ thể ra, xoay người sang phải, trái để thức tỉnh các cơ, giúp bạn tỉnh táo và “bật dậy” dễ hơn.

3. Súc miệng bằng nước ấm

Sau một đêm ngủ dậy, vi khuẩn lưu trong vòm họng sẽ tăng lên nhiều, sau khi thức dậy súc miệng có thể nhanh chóng loại trừ vi khuẩn, làm giảm nguy cơ mắc bệnh như viêm răng lợi, sâu răng, viêm nhiễm đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm phế quản…

Đồng thời, để bù lại lượng nước cơ thể đã mất đi sau một đêm dài, và giúp bài tiết các chất độc ra ngoài, hãy uống một ly nước ấm vào lúc này. Duy trì như vậy bạn sẽ nhận ra sự cải thiện trong cơ thể mình vì thường xuyên được thanh lọc.

Một ly nước ấm buổi sáng giúp cơ thể thanh lọc (Ảnh: Shutterstock)

4. Tắm nắng buổi sáng

Sáng dậy đang buồn ngủ mà được thấy những tia nắng đầu tiên của ngày mới sẽ khiến bạn nhanh chóng tỉnh táo, bởi ánh mặt trời khiến cơ thể bạn giảm hormone gây buồn ngủ. Vậy nên, hãy bước ra ngoài bên khung cửa sổ đầy nắng để hấp thụ vitamin D tụ nhiên nhé.

Tất nhiên không phải ngày nào và ở đâu bạn cũng có được những tia nắng sớm này, nhưng nếu có thì hãy tận dụng tối đa. Ánh nắng mặt trời buổi sáng giúp tăng cường sức khỏe cho bộ xương, giảm bệnh tim mạch và một số vấn đề  nhiễm khuẩn khác nữa.

5. Tập thể dục

Chạy bộ, đi bộ hoặc thực hiện các động tác thể dục trong vòng 30-45 phút buổi sáng sẽ là rất tốt cho sức khỏe. Mặc dù chúng ta vẫn biết những lợi ích vô tận của tập thể dục, nhưng tập thể dục dưới ánh sáng mặt trời buổi sáng là một cách tuyệt vời để bắt đầu một ngày!

(Ảnh: Shutterstock)

6. Đi vệ sinh vào buổi sáng

Sau một đêm tích tụ trao đổi chất, ruột và bàng quang đã chứa nhiều chất thải. Vì vậy sau khi thức giấc, cơ thể được thoát đi lượng chất thải này thì rất tốt.

Nếu bạn không thường xuyên vào nhà vệ sinh vào sáng sớm, bạn nên bắt đầu thực hành thói quen vệ sinh vào buổi sáng. Thói quen tốt sẽ là tiền để bảo đảm sức khỏe suốt cuộc đời. Nên nhớ rằng các chất cặn bã thường xuyên tích tồn trong cơ thể, do vậy nên có thỏi quen đầy bỏ liên tục.

7. Tắm vào buổi sáng

Vẫn biết tắm buổi sáng không phải thói quen của đa số người Việt Nam, nhưng tắm buổi sáng rất tốt cho việc thúc đẩy tuần hoàn máu, tạo cảm giác sảng khoái, mát mẻ, giúp điều tiết tâm trạng, tinh thần thoải mái chào ngày mới.

(Ảnh: Internet)

Hơn nữa, trước khi tắm, bạn nên có một vài động tác khởi động cơ thể (hát, thể dục nhịp điệu…) cho tỉnh ngủ, giúp quá trình tắm lưu thông máu tốt hơn. Tắm buổi sáng rất tốt cho việc thúc đẩy tuần hoàn máu, tạo cảm giác sảng khoái.

8. Ngâm mặt bằng nước lạnh

Ngâm mặt bằng nước lạnh là một phương pháp tập luyện hữu hiệu cho huyết, quản niêm mạc đường hô hấp trên, có thể tăng cường sức đề kháng và giảm bớt thương hàn, cảm, đồng thời còn có thể giảm bớt nếp nhăn trên mặt xuất hiện. Phương pháp tập luyện ngâm mặt bằng nước lạnh tốt nhất nên bắt đầu vào mùa xuân.

Mỗi sáng thức dậy đánh răng, súc miệng xong, cho nước lạnh vào 2/3 chậu, sau khi dùng miệng hít một hơi thật sâu, ngâm mặt vào chậu nước (nước không nên quá tai), chầm chậm dùng mũi thở ra khí vừa hít vào lúc nãy, sau đó ngẩng đầu lên khỏi mặt nước hít vào, làm từ 10-20 lần, cuối cùng dùng khăn ấm cọ xát nhẹ nhiều lần vào má, trán, cổ cho tới khi da nóng lên là được.

9. Mở cửa thông gió

Sau một đêm đóng kín cửa, không khí trong phòng đã ít nhiều trở nên ‘tù túng’, mang “mùi người”, lượng khí oxy giảm, thán khí tăng lên… cũng là môi trường thuận lợi cho một số vi khuẩn, vi-rút phát triển. Buổi sáng mở cửa thông gió hoán đổi không khí, không khí ô nhiễm sẽ bị đuổi đi kịp thời, các loại vi khuẩn, vi rút khó sinh trưởng và tồn tại, như thế không những đảm bảo không khí trong lành, còn có thể phòng chống viêm nhiễm đường hô hấp.

Điều đáng chú ý là, nếu ở tầng thấp của khu chung cư gần với đường hoặc công xưởng thì không khí ô nhiễm hơn nên tốt nhất sau 9 giờ sáng lại mở cửa, lúc này nhiệt độ tăng cao, những khí có hại tích tụ ở dưới thấp đã dần dần tản đi.

10. Một bữa sáng thịnh soạn

(Ảnh: Internet)

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày và là nền tảng để cung cấp dinh dưỡng có lợi nhất cho sức khoẻ. Nếu muốn có đủ năng lượng cho một ngày dài trước mắt, bạn không bao giờ nên bỏ qua bữa sáng.

Mặc dù ăn sáng không phải là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt khi bao tử có thể không thức dậy cùng lúc với bạn, nhưng đây là bước đầu tiên để bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Không cần phải ăn quá nhiều nếu bao tử bạn không muốn. Bữa sáng đơn giản với bánh mì và trứng chiên cũng có thể giúp bạn đủ năng lượng đến tận trưa và giúp bạn tránh ăn vặt những thứ nhiều đường và chất béo.

Minh Thành tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe của ĐKN nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version