Đại Kỷ Nguyên

12 chiêu bấm huyệt và xoa bóp dành cho người bị cao huyết áp (Phần 1)

Bấm huyệt trị bệnh là một trong những phương pháp phòng trị bệnh rất hiệu quả của y học phương Đông. Với bệnh nhân cao huyết áp, ngoài việc kết hợp hài hoà giữa dùng thuốc, ăn uống và vận động, thì xoa bóp, bấm huyệt cũng có tác dụng rất tốt.

Theo cuốn “Châm cứu học” của Viện Đông y, cao huyết áp “thường thấy là do mất thăng bằng âm dương của Can, Thận. Can âm hư thì Can dương vượng; Can dương càng vượng làm cho Can âm càng hao. Can âm hư còn có nguyên nhân Thận âm hư. Thận âm hư ảnh hưởng tới Thận dương làm cho âm dương càng hư. Ngoài ra còn có các nguyên nhân tình chí thất thường, đàm thấp, đàm hoả, nội phong, huyết ứ, làm cho chứng bệnh phức tạp hơn”.

Xoa bóp, bấm huyệt là tác động lên những huyệt có tác dụng tả hoả, bình Can, thư Can, kiện Vị, bổ trung, trợ dương, trừ thấp, hoá đàm, giáng trọc, bồi dưỡng nguyên khí, an thần. Tất cả chủ yếu đều để cân bằng âm – dương của Can, Thận.

Theo những nghiên cứu mới đây, cao huyết áp có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh là do thần kinh quá căng thẳng, dẫn đến mức độ huyết áp tăng cao. Huyết áp là do hệ thần kinh con người khống chế (vùng thần kinh vận động huyết quản). Tinh thần căng thẳng có thể dẫn đến huyết áp cao. Để khống chế hiện tượng này, xoa bóp, bấm huyệt là một phương pháp chữa trị bệnh cao huyết áp có hiệu quả.

1. Bấm huyệt Lao cung

Huyệt Lao cung nằm ở chính giữa lòng bàn tay, trong khe giữa xương đốt bàn tay 3 và 4.

Bấm huyệt Lao cung giúp ổn định huyết áp (Ảnh: internet)

Dùng ngón tay cái của bàn tay phải áp nhẹ lên huyệt Lao cung của bàn tay trái, đồng thời nhẹ nhàng hít vào. Vừa hít vào vừa dần dần dồn lực ấn mạnh ngón tay cái xuống. Nếu cảm thấy thần kinh thoải mái thì tiếp tục ấn với cường độ đó, không nên mạnh hơn. Sau 30 giây hít vào, ngừng thở khoảng 5 – 10 giây rồi từ từ thở ra đồng thời giảm nhẹ dần cường độ ấn của ngón tay cái. Lại tiếp tục tiến hành như thế từ 5 – 6 lần.

Sau đó, lại chuyển sang dùng ngón cái của bàn tay trái bấm huyệt Lao cung của bàn tay phải. Mỗi ngày nên bấm huyệt kết hợp với hít thở như trên 3 lần: Sáng, trưa, chiều. Sau một thời gian, huyết áp có thể sẽ được ổn định.

2. Bấm huyệt Hợp cốc

Hợp cốc còn có tên gọi là hổ khẩu, nằm ở chỗ lõm giữa xương ngón tay cái và ngòn trỏ.

Huyệt Hợp cốc (Ảnh: internet)

Dùng ngón trỏ hoặc ngón cái của bàn tay phải dồn lực bấm vào huyệt Hợp cốc của bàn tay trái, đồng thời hít vào 30 giây, ngừng thở 5 – 10 giây rồi ngừng bấm, đồng thời thở ra. Làm như vậy từ 2 – 3 phút. Sau đó chuyển sang bấm huyệt Hợp cốc của bàn tay phải. Cách bấm huyệt và hít thở như bên tay trái. Thay đổi huyệt Hợp cốc của 2 tay như vậy từ 4 – 5 lần.

Vị trí huyệt Hợp cốc (Ảnh: internet)

Thực hiện bấm huyệt Hợp cốc như vậy thành thói quen hằng ngày sẽ rất tốt cho sức khoẻ.

Chú ý:

– Khi hít vào, thở ra phải chậm, đều, nhẹ, sâu.

– Phải phối hợp đồng thời giữa theo dõi hơi thở với bấm huyệt.

– Nếu phối hợp hài hoà , chỉ 5 – 6 lần huyết áp có thể giảm xuống từ 5 – 10 mmHg. Nếu không có sự điều chỉnh hài hoà giữa hít vào và thở ra, huyết áp sẽ không thể giảm xuống mức độ như vậy.

3. Bấm huyệt Túc tam lý

Huyệt Túc tam lý nằm tại bờ dưới xương bánh chè xuống 3 thốn, mào trước xương chầy ra ngoài 1 khoát ngón tay.

Huyệt Túc tam lý (Ảnh: internet)

Dùng ngón tay cái hoặc trỏ của bàn tay phải ấn và day huyệt Túc tam lý của chân trái, đồng thời hít vào khoảng 5 giây, nín thở 2 giây rồi nâng ngón cái hoặc ngón trỏ lên đồng thời thở ra. Tiếp tục như vậy từ 5 – 10 lần. Làm xong chân này, chuyển sang chân bên kia cũng như vậy.

Mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần : sáng, chiều, tối.

4. Cứu ấm huyệt Hành gian và Giảm áp

Huyệt Hành gian nằm tại giữa kẽ ngón chân cái và ngón chân thứ hai lên 0,5 thốn và huyệt Giảm áp nằm ở ngay dưới ngón chân cái.

Huyệt Hành gian (Ảnh: internet)

Dùng điếu ngải hoặc cây hương đốt cháy, để đầu của điếu ngải hoặc cây hương cách huyệt Hành gian chừng 5 mm, giữ đúng cự ly như vậy để khói thuốc và nhiệt từ đầu điếu Ngải hoặc cây hương tác động lên huyệt Hành gian khoảng 3 phút. Sau đó chuyển xuống huyệt Giảm áp, cũng làm như vậy.

Lại cứu luân phiên nhau mỗi huyệt 3 – 4 lần. Cứu cả 2 chân, chân trái trước. Ngày 2 lần, sáng và chiều. Nếu không có điều kiện thời gian, có thể chỉ mỗi ngày một lần vào buổi tối, trước lúc đi ngủ.

Chú ý: Khi cứu phải để đầu mồi ngải hoặc cây hương ở một cự ly thích hợp, tránh bị bỏng chân.

5. Xoa bóp chân

Người bệnh ngồi trên ghế, chân phải gác lên chân trái, hướng gan bàn chân phải ra ngoài, xoay cổ chân liên tục theo chiều kim đồng hồ 18 lần, lại xoay ngược chiều kim đồng hồ 18 lần, sau đổi sang chân trái. Tiếp đó, gan bàn chân trái áp lên mu bàn chân phải xoa đi xoa lại 36 lần cho nóng lên, rồi thay đổi sang chân bên kia.

6. Xoa huyệt Nhân nghênh

Huyệt Nhân nghênh nằm từ Yết hầu ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.

Huyệt Nhân nghênh (Ảnh: internet)

Khum 2 bàn tay lại, đặt song song 2 bên cổ, xoè ngón cái sang 2 bên, cổ hơi nghiêng về phía bên phải, khẽ miết xuống huyệt Nhân nghênh 7 – 15 lần, rồi lại nghiêng về phía bên trái làm tiếp như trước. Mỗi ngày xoa huyệt này 2 – 3 lần: sáng, chiều, tối.

Theo caythuocquy

Xem thêm:

Exit mobile version