Trồng hoa trong nhà là cách trang trí không gian sống của nhiều người, thế nhưng có những loại hoa đẹp lại chứa chất độc hại. Khi trồng trong môi trường kín, chúng có thể gây buồn nôn, khó thở, thậm chí rụng tóc và nhiều tác hại khác…
Có một cô gái sống ở Thượng Hải mua hoa tulip về trang trí trong phòng. Không lâu sau, cô phát hiện mình bị rụng tóc nghiêm trọng mà nguyên nhân được xác định là do độc tính của hoa tulip. Sự việc này đã khiến nhiều người quan ngại và lo lắng.
Theo các chuyên gia cho biết, hoa tulip rất đẹp nên được ưu chuộng, màu sắc sặc sỡ, nhưng không nên trồng cây tulip trong phòng. Hoa tulip chứa độc kiềm, sẽ phát tán trong không khí, nếu ở ngoài trời nó có thể tản ra trong không trung rồi khuếch tán đi mất, còn ở trong phòng kín chúng sẽ lưu lại rất lâu, chất độc này sẽ gây rụng tóc, lông mi…
Nhiều người thích chụp ảnh, nếu vào bụi hoa tulip chụp ảnh quá nhiều, người ta sẽ dễ bị rụng tóc, rụng lông mi; những người tiếp xúc hoa tulip thời gian dài mà không có biện pháp phòng hộ cũng có thể bị hói đầu. Ngoài ra, củ cây này có chất Tulipene, ăn vào sẽ gây chóng mặt, buồn nôn.
Tài liệu trong và ngoài nước cũng liệt cây tulip vào hàng “hoa cỏ có độc“, không nên trồng nó trong phòng. Để tránh trúng độc, mỗi lần thăm ngắm hoa cũng không nên vượt quá 2 giờ.
Trên thực tế, không chỉ có hoa tulip mới có độc, mà còn có rất nhiều loài hoa có hại cho cơ thể, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là một số hoa không nên để trong phòng lâu ngày.
1. Cây trúc đào
Nó có thể tiết ra một loại chất lỏng màu trắng sữa chứa chất độc oleandrin, neriin, có thể làm con người trúng độc sau một lúc tiếp xúc. Nhẹ thì gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, nặng thì có thể mất kiểm soát cơ thể, hôn mê, giảm trí lực…
Không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước (giếng ăn, bể nước…) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước. Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc do mủ hoa cây trúc đào.
2. Vạn niên thanh
Nước ép từ loài cây này chứa enzyme làm mất giọng, vô cùng có hại với cơ thể con người. Nếu trẻ em uống nhầm có thể bị sưng thanh đới, thậm chí bị câm.
3. Cây mắc cỡ (cây trinh nữ)
Loại hoa này cũng giống hoa tulip, nếu ai tiếp xúc với nó lâu dài đều có thể bị rụng tóc.
4. Dạ lý hương
Vào ban đêm, loài hoa này sẽ phát ra lượng lớn hạt cực nhỏ kích thích khứu giác, ngửi nó lâu ngày sẽ khiến những người bị bệnh cao huyết áp và tim mạch cảm thấy hoa mắt váng đầu, tức thở, thậm chí bệnh tình nặng thêm.
5. Hồng Trung Hoa
Nó phát ra mùi thơm nồng đậm, có thể làm một số người bị ngạt, tức ngực và khó thở.
6. Hoa và cây họ thông tùng
Theo quan niệm người Hoa, Tùng Bách Tán có khả năng trừ tà khí, xua đuổi ma quỷ mang lại sự bình yên, an lành cho con người nên họ thường chưng loại cây này trong nhà. Tuy nhiên, mùi thơm của các cây họ thông tùng có tác dụng kích thích tới hệ thống tiêu hóa của chúng ta, không những gây thèm ăn mà còn có thể khiến phụ nữ có thai cảm thấy phiền muộn trong lòng, buồn nôn.
7. Hoa cẩm tú cầu
Nếu tiếp xúc nhiều với phấn của loại hoa này có thể khiến người ta bị dị ứng trên da. Lá và củ cây có chất Hydragin-cyanogenic glycoside gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp.
8. Hoa lan, hoa bách hợp
Hương thơm của 2 loại hoa này có thể kích thích hệ thống thần kinh của con người, làm cho họ hưng phấn quá mức, rất dễ mất ngủ.
9. Xương rồng sao biển
Các hạt cực nhỏ mà nó phát tán ra cực kỳ không tốt với cơ thể con người, có thể gây chóng mặt, ngất xỉu.
10. Đỗ quyên vàng
Hoa đỗ quyên vàng chứa độc tố, tốt nhất không được chạm đến hay ngửi mùi. Một khi ăn nhầm, có thể bị ngộ độc.
11. Hoa tử kinh
Nếu ai tiếp xúc quá lâu với phấn hoa tử kinh có thể bị bệnh suyễn hoặc tình trạng ho khan nặng hơn.
12. Cây trạng nguyên (nhất phẩm hồng)
Trạng nguyên là cây cảnh có đủ màu sắc, có thể thải ra chất độc gây hại cho con người. Mủ cây này cũng có độc, một khi tiếp xúc với da có thể gây dị ứng, nhẹ thì sưng đỏ, nặng thì lở loét. Nếu ăn nhầm phải thân hoặc lá cây trạng nguyên bạn có thể nôn mửa, đau bụng, thậm chí mất mạng.
13. Cây ráy
Mủ cây ráy có độc, chất lỏng trong cây cũng có độc, lỡ đụng vào hoặc ăn phải đều có thể khiến họng và miệng khó chịu, dạ dày có cảm giác như bị phỏng. Nếu da tiếp xúc với nó thì sẽ bị ngứa ngáy khó nhịn, còn nếu mắt tiếp xúc với nó thì nguy hiểm hơn nhiều, có thể gây viêm kết mạc nghiêm trọng, thậm chí bị mù.
14. Hoa cà độc dược
Hoa cà độc dược giống như sát thủ ẩn hình, toàn thân nó có độc, quả của nó đặc biệt phần hạt là độc nhất, sau đó là lá non. Độc tính trong lá khô nhỏ hơn lá tươi. Hoa của nó có thể gây mê. Bởi vì chất lỏng trong hoa có tác dụng kích thích trung khu thần kinh, cho nên ăn nó có thể gây hưng phấn, cũng có thể xuất hiện ảo giác. Nếu ăn nhầm hoa cà độc dược quá nhiều có thể khiến trung khu thần kinh hưng phấn quá độ mà đột nhiên chuyển xấu thành tác dụng ức chế, khiến chức năng cơ thể hạ xuống nhanh chóng, tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, nếu dùng chất độc có trong hoa lá thân cây cà độc dược với liều thích hợp thì nó sẽ trở thành thuốc chữa ho hen, say sóng, trị mụn nhọt.
15. Môn trường sinh đốm
Trong lá cây môn trường sinh đốm chứa axit oxalic và asparagine, chất lỏng trong cành lá cây này có độc tố rất mạnh, một khi dính lên da sẽ gây ngứa. Độc tính trong củ cây này còn mạnh hơn, ăn nhầm sẽ khiến khoang miệng, cổ họng sưng đau, thậm chí tổn thương thanh đới, cả con người lẫn động vật nếu ăn nhầm cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Minh Nhật
Theo NTDTV