Đại Kỷ Nguyên

3 giờ bóc khối u tuyến giáp đeo bám nữ bệnh nhân ở Tuyên Quang hơn 30 năm

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã phẫu thuật thành công bướu giáp khổng lồ cho bệnh nhân B.T.L. (63 tuổi, Tuyên Quang) sau hơn 30 năm sống chung sống.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, bệnh nhân L. mang khối u tuyến giáp từ năm 30 tuổi. Ban đầu chỉ là cục u nhỏ, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt nên bệnh nhân lơ là, không tới bệnh viện kiểm tra.

Khối u ngày càng to, tình trạng đau tức ngực, nghẹn ứ ở cổ, nóng rát vùng ngực, khó thở, mệt mỏi, ăn uống kém, ảnh hưởng đến vận động cổ… lúc này, bệnh nhân mới tới bệnh viện khám và điều trị.

Bệnh nhân L. trước khi phẫu thuật cắt bỏ khối u. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bướu giáp lan tỏa độ IV, kích thước 15×15 cm, chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u.

BS. Đặng Thanh Hải cho biết, đây là một trường hợp khó khi bướu giáp đã chèn ép các mạch máu vùng cổ và khí quản, nguy cơ phẫu thuật mất máu cao.

(Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)
Bướu giáp kích thước lớn được lấy ra. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Sau 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách thành công khối u lớn, không gây tổn thương cơ quan lân cận và lượng máu mất ít. Hiện, vết mổ khô, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định.

U tuyến giáp là hiện tượng phát sinh một khối mô hoặc tế bào tập trung trước cổ, dưới đáy họng. Nếu để lâu, khối u có thể biến chứng gây viêm, rối loạn chức năng tuyến giáp. Đối với thể ác tính, bệnh có thể gây tử vong nếu không điều trị sớm.

Nguyên nhân gây bệnh: Thiếu i-ốt; mô tuyến giáp tăng sinh quá mức; nang giáp; bướu giáp đa nhân…

U tuyến giáp không có dấu hiệu cụ thể nên rất khó phát hiện. Đa số trường hợp phát hiện khi u đã lớn, nhìn rõ bằng mắt thường, gây chèn ép khiến người bệnh khàn tiếng, nuốt vướng, hô hấp khó khăn.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường, người dân nên tới cơ sở y tế để được thăm khám, hạn chế ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

H.H

Exit mobile version