Đại Kỷ Nguyên

3 sai lầm thường gặp khiến tiêu chảy thêm trầm trọng, thậm chí gây tử vong

Tiêu chảy cấp không có gì mới lạ với bất kỳ ai, thế nhưng có khoảng 1,7 tỷ người mắc tiêu chảy cấp trên thế giời và khoảng 760.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vào mỗi năm. Một số sai lầm thường xuyên gặp phải đã khiến tiêu chảy trở nên nguy hiểm.

Tiêu chảy có biểu hiện đi ngoài phân lỏng từ 3-10 lần/ngày, nôn nhiều lần, sốt cao. Bệnh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do các loại vi trùng tả, thương hàn, kiết lỵ; các loại virus đường ruột như rotavirus, entenovirus; do ký sinh trùng đường ruột…

Nếu tiêu chảy kèm nôn nhiều có thể gây ra mất nước trầm trọng dẫn đến trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong nếu không được xử lý đúng và điều trị kịp thời.

Sau đây là một số sai lầm trong việc chăm sóc và điều trị bệnh tiêu chảy cấp:

1. Không kịp thời bù nước, điện giải cho người bệnh

Đánh giá sai mức độ mất nước của cơ thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng vì không được điều trị kịp thời.

Nếu trẻ bị tiêu chảy kèm với tình trạng trẻ vật vã, hoặc ly bì, lơ mơ, ít đáp ứng với kích thích bên ngoài, khóc nhưng ít ra nước mắt, thở nhanh… là các triệu chứng biểu hiện tình trạng bệnh nặng, cần đưa vào viện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.

Khi chăm sóc người bị bệnh tiêu chảy cấp cần chú ý nhận biết dấu hiệu bệnh nặng, đặc biệt chú ý tới người già, trẻ em, người có bệnh mạn tính, bệnh gây suy giảm miễn dịch.

Việc bù nước, điện giải sớm ngay từ đầu khi bị tiêu chảy có ý nghĩa quan trọng, làm hạn chế sự mất nước, điện giải của cơ thể.

Có thể dễ dàng mua được gói Oresol có bán tại các hiệu thuốc Tây (có cả loại Oresol cho trẻ em), pha với nước uống theo hướng dẫn để sử dụng.

Ngoài ra có thể bù nước bằng nước cháo muối loãng, nước muối loãng thêm đường và các loại nước trái cây tươi để bù nước cho người bệnh.

2. Sai lầm về chế độ dinh dưỡng

Nhiều người thấy con tiêu chảy thường ép ăn những thực phẩm giàu năng lượng cho lại sức như gà hầm, cá, nước sốt thịt có thể cả những thứ nhiều dầu mỡ nhưng thực tế thì những thực phẩm này khó hấp thu và có thể gây đầy bụng làm tiêu chảy nặng nề hơn.

Không nên “tẩm bổ” cho trẻ với các thực phẩm giàu đạm khó tiêu khi đang còn tiêu chảy (Ảnh: Internet)

Tốt nhất chỉ nên ăn các thực phẩm dễ tiêu như cháo, bánh mì, khoai tây, thịt nạc…

Những người bị tiêu chảy cũng cần tránh xa rượu, cà phê và các chất kích thích vì chúng sẽ khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn. Đồng thời cũng nên tránh những thực phẩm có thể gây đầy hơi như cải bắp, đậu tương và súp lơ hay một số loại thực phẩm đông lạnh… và những thực phẩm không an toàn.

3. Sai lầm trong dùng thuốc điều trị

Nhiều người tự ý mua các loại thuốc cầm tiêu chảy như Loperamid… dùng tùy tiện cho người bệnh có thể là lợi bất cập hại. Nếu tiêu chảy do vi khuẩn thì uống thuốc sẽ cản trở việc đẩy tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể.

Cần thận trọng khi dùng thuốc trị tiêu chảy, nhất là kháng sinh (Ảnh: Internet)

Nhiều người khác thì mua kháng sinh về uống, nhưng kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn, nếu bệnh do virus thì uống vô ích, chỉ khiến người bệnh thêm mệt mỏi.

Chúng ta không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc gì cho người bị tiêu chảy, nếu tình trạng bệnh không có tiến triển tốt sau khi bù nước và điện giải bạn nên đưa người nhà đến các cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời.

Tân Hạ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version