Stress không đơn giản như bạn vẫn nghĩ! Nếu bạn không quản lý được chúng thì chúng sẽ… “quản lý” bạn!

Một chút stress thì được xem như là để tạo động lực trong cuộc sống, nhưng vượt trên ngưỡng đó thì cơ thể nhanh chóng bị hao mòn, lục phủ ngũ tạng bị thương tổn, khí huyết bị rối loạn, mở đường cho mọi bệnh tật. Do đó chúng ta nhất định cần sớm nhận diện ra stress và có phương pháp hóa giải stress.

Khi bạn bị stress, toàn bộ cơ thể đều phải huy động để tìm đường đáp trả lại hoặc tháo chạy khỏi nguy hiểm (fight or flight). Tùy theo mức độ nghiêm trọng của stress và khả năng hóa giải của mỗi người, nhưng chúng có thể để lại nhiều thương tổn khác nhau, thậm chí có thể là tử vong.

Stress tác động lên các hệ thống chức năng

  • Hệ tâm thần kinh: mất ngủ, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, trầm cảm…
  • Hệ tuần hoàn: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, loạn nhịp tim, hồi hộp trống ngực…
  • Hệ tiêu hoá: viêm loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết tiêu hoá, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, ăn không tiêu…
  • Hệ sinh sản: giảm ham muốn sinh lý, di tinh, mộng tinh, lãnh cảm, rối loạn kinh nguyệt…
  • Hệ nội tiết: rối loạn nội tiết tố
  • Hệ cơ xương khớp: co cứng cơ, đau lưng, đau xương khớp, kiến bò ở tay, nóng mắt, chuột rút, run rẩy…
  • Toàn thân: suy sụp, mệt mỏi, dễ cảm lạnh, hay di tinh…

Có đến rất nhiều dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến stress, nhưng chủ yếu là những biểu hiện dưới đây:

  • Đau đầu thường xuyên, đau mỏi hàm
  • Hay nghiến răng
  • Run: tay, chân, môi
  • Đau cổ lưng, co cứng cơ
  • Chóng mặt, hoa mắt
  • Ù tai
  • Ra mồ hôi thường xuyên
  • Lạnh bàn chân bàn tay
  • Miệng khô, nuốt khó
  • Thường xuyên bị dị ứng
  • Đau vùng ngực, thượng vị, buồn nôn
  • Đầy bụng, ợ hơi
  • Táo bón, tiêu chảy, mất tự chủ
  • Khó thở, hay thở dài, thở gấp, thở ngắn
  • Hay hoảng sợ, giật mình
  • Đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, mạch nhanh
  • Tiểu nhiều
  • Suy giảm ham muốn và khả năng tình dục
  • Căng thẳng, lo lắng, hồi hộp, cảm giác tội lỗi
  • Trầm cảm
  • Tăng hay giảm ngon miệng
  • Mất ngủ, ác mộng
  • Kém tập trung
  • Khó khăn trong tiếp thu
  • Hay quên, không có trật tự, thường xuyên nhầm lẫn
  • Luôn khó khăn trong việc đưa ra quyết định
  • Cảm giác quá tải, nặng nề
  • Hay khóc thầm và có ý nghĩ tự sát
  • Cảm giác cô đơn hay vô dụng
  • Bồn chồn
  • Phản ứng thái quá trước chỉ trích nhỏ
  • Giảm hiệu suất lao động
  • Nói nhanh, lầm bầm
  • Ít chia sẻ, giao lưu
  • Tách rời khỏi xã hội, không thích đám đông
  • Mệt mỏi thường xuyên
  • Tăng hay giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Gia tăng hút thuốc, uống rượu hay sử dụng ma tuý
(shutterstock)
(shutterstock)

Phương cách hóa giải stress

Chịu stress thường xuyên khiến cơ thể bạn mòn mỏi, hệ miễn dịch suy yếu, tốc độ lão hóa bị đẩy nhanh dẫn đến những biểu hiện ở bề mặt như da nhăn nheo, tóc bạc tóc rụng. Stress thúc đẩy tốc độ hình thành các bệnh, từ nhẹ cho đến nan y, do đó bạn nhất định phải hóa giải nó.

Stress quan trọng đến mức nhiều nước trên thế giới có các trung tâm điều trị và phòng ngừa stress, tại Mỹ có viện nghiên cứu về stress.

Hóa giải stress với 4 A: Avoid (tránh), Alter (thay đổi), Accept (chấp nhận), Adapt (thích nghi).

1. AVOID (Tránh):

Tránh voi không xấu mặt nào, dù không phải tình huống nào cũng tránh được, nhưng hãy tránh lâm vào các tình huống gây stress chừng nào bạn có thể. Tránh xa những người dễ gây phiền phức cho mình.

Tránh các tình huống dễ gây căng thẳng bằng cách:

  • Xây dựng kế hoạch làm việc để hạn chế các việc gấp, các bất ngờ hay sự cố, tìm các giải pháp thay thế an toàn.
  • Tránh ôm đồm công việc, ưu tiên làm những việc quan trọng thay vì cố gắng làm tất cả mọi việc

2. ALTER (Thay đổi)

Thay đổi suy nghĩ của bản thân, thành lối suy nghĩ tích cực hơn.

Thay đổi lối sống, hãy yêu quý và chăm sóc bản thân về tình cảm và thể chất khi đối mặt với tình huống căng thẳng. Điều chỉnh lại sinh hoạt hàng ngày để cơ thể có cơ hội thư giãn: ngủ đủ, ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên kết hợp các hình thức giải trí lành mạnh. Thay vì chỉ lập kế hoạch làm việc, thì hãy lập kế hoạch cho nghỉ ngơi.

3. ACCEPT (Chấp nhận)

Bạn đừng mong thay đổi được mọi thứ hoặc bắt mọi thứ theo ý muốn của mình mà hãy học cách chấp nhận, biến một nghịch cảnh thành quà tặng hoặc một cơ hội hài hước thú vị mà bạn sẽ học được điều gì đó.

4. ADAPT (Thích ứng)

Nghĩ rằng bạn không thể đối phó là một trong những yếu tố gây stress nhất. Đó là lý do tại sao “Thích ứng” – thường liên quan đến việc thay đổi những tiêu chuẩn hoặc mong đợi của bạn – có thể hữu ích trong việc đối phó với sự căng thẳng.

Điều chỉnh tiêu chuẩn của bạn: Thông thường stress bắt nguồn từ những suy nghĩ ban đầu rằng “mình bắt buộc phải làm tốt công việc này”. Các nhà nghiên cứu cho rằng từ “phải” chính là nguồn gốc để stress sinh ra và phát triển. Thực tế thì để hoàn thành tốt mọi công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng, do vậy hãy tạo cho mình cảm giác thoải mái hơn với suy nghĩ “mình hãy cố gắng”. Xác định lại sự thành công và ngừng phấn đấu cho sự hoàn hảo, và bạn vẫn có thể vận hành dù có chút ít cảm giác tội lỗi và thất vọng.

Điều chỉnh lại vấn đề, ví dụ, thay vì cảm giác thất vọng vì phải ở nhà với một đứa trẻ bị ốm, hãy nhìn nó như một cơ hội để thư giãn, làm việc nhà.

Cùng một vấn đề nhưng có thể sẽ là stress đối với người này nhưng không phải là với người khác. Mức stress sẽ càng nghiêm trọng nếu ước muốn, tham vọng của chúng ta càng cao so với hiện thực. Nhưng cuối cùng bạn sẽ thấy một chân lý: bạn trần truồng đến thế giới này, rồi cũng sẽ ra đi trần truồng như vậy, bỏ lại phía sau tất cả. Do đó, chúng ta lại càng không có lý do gì để quá khổ sở vì những ham muốn đó.

Đình Vũ tổng hợp

Xem thêm: