Đại Kỷ Nguyên

5 dấu hiệu cần lưu ý khi bị bong võng mạc để không bị mất thị lực vĩnh viễn

Bong võng mạc (Retinal Detachment) là triệu chứng cấp tính thuộc bệnh về nhãn khoa, nói một cách đơn giản khi võng mạc bị bong khỏi vị trí ban đầu sẽ không thể tiếp thu dưỡng khí và dinh dưỡng từ mạch máu. Thời gian xuất hiện triệu chứng càng lâu, trị liệu sẽ càng khó khăn, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn càng cao.

Võng mạc được ví như tấm phim trong máy ảnh, có tác dụng ghi lại những hình ảnh của sự việc bên ngoài và truyền tín hiệu hình ảnh đến não bộ. Đây là bộ phận quan trọng nhất đồng thời dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh bệnh lý thoái hóa võng mạc, tỉ lệ người bị rách hoặc bong võng mạc đang ngày càng tăng cao.

Trước khi bị bong võng mạc, cơ thể sẽ có những dấu hiệu cảnh báo. Kịp thời trị liệu có thể bảo vệ thị lực và thoát khỏi khả năng mù lòa vĩnh viễn.

Ảnh minh họa (Ảnh: digitalvortex.info)

Tại sao võng mạc lại bị bong?

“Thủy tinh thể” là tác nhân chính dẫn tới bong võng mạc mắt. Đây là một thấu kính tự nhiên trong suốt nằm sau mống mắt (còn gọi là tròng đen), bình thường với chức năng điều tiết, để cho các tia sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc giúp ta nhìn rõ được sự vật. Khi bị đục, tuỳ theo mức độ nhiều hay ít mà thị lực của người bệnh sẽ giảm đi tương đương, thậm chí tới mức mù loà hoàn toàn. Những nguyên nhân chính dẫn tới bong võng mạc bao gồm:

* Đục thủy tinh thể

* Ngoại thương

* Tiểu đường giai đoạn cuối

Ảnh minh họa (Ảnh: ipsvn.com.vn)

5 dấu hiệu cần chú ý kịp thời khi bị bong võng mạc

Thông thường ta không cảm thấy đau khi bị bong võng mạc, tuy nhiên trước khi xảy ra triệu chứng trên thường có một số dấu hiệu:

1. Đột nhiên xuất hiện các vật nổi trông như “mạng nhện” hoặc các đốm nhỏ trôi nổi trước mắt. Hiện tượng này có thể xảy ra bất ngờ hoặc tăng chậm theo thời gian

2. Xuất hiện một điểm màu vàng ở gần mống mắt

3. Thị lực giảm, nhìn thấy lờ mờ không rõ ràng

4. Xuất hiện vòng tròn màu trắng xung quanh mống mắt

5. Nhìn thấy một màn mờ gây cản trở tầm nhìn và có thể bắt nguồn từ bất kỳ hướng nào.

Nếu cảm nhận thấy bất cứ một dấu hiệu bất thường nào trên đây cần lập tức đi kiểm tra để tránh những rủi ro ác tính cho mắt. Đặc biệt với người độ tuổi trên 50, có tiền sử gia đình bị bong võng mạc, cận thị nặng nguy cơ mắc sẽ lớn hơn. Nếu bị bong võng mạc có thể gây ra mất thị lực vĩnh viễn.

Đột nhiên xuất hiện các vật nổi trông như “mạng nhện” hoặc các đốm nhỏ trôi nổi trước mắt là một trong những dấu hiệu bong võng mạc (Ảnh: youtube.com)

Những nguyên nhân nào dẫn tới bong võng mạc mắt?

Rách và bong võng mạc do tuổi cao là nguyên nhân thường gặp nhất. Khi tuổi càng cao, thủy tinh thể sẽ thay đổi liên tục có thể xuất hiện hiện tượng co lại hoặc hóa lỏng, cuối cùng sẽ tách rời khỏi bề mặt võng mạc. Nguyên nhân làm tăng nguy cơ bong võng mạc:

1. Tuổi tác: tỉ lệ mắc bệnh thường gặp là những bệnh nhân độ tuổi trên 50

2. Đã từng bị bong võng mạc

3. Trong gia đình có người bị bong võng mạc

4. Cận thị nặng

5. Từng trải qua phẫu thuật về nhãn khoa, ví dụ phẫu thuật đục thủy tinh thể

6. Từng bị thương nghiêm trọng bên ngoài mắt

7. Từng bị viêm hoặc mắc các bệnh về mắt khác

Chú ý khi xuất hiện một điểm màu vàng ở gần mống mắt (Ảnh: pinterest.com)

Phương pháp điều trị bệnh bong võng mạc

* Điều trị khi võng mạc bị rách

Nếu võng mạc chỉ bị rách, việc điều trị có thể hỗ trợ ngăn ngừa việc võng mạc bị bong hoàn toàn. Dưới đây là những phương pháp điều trị khi võng mạc bị rách

Tia laser (photocoagulation): Khi những vết rách mới ở võng mạc được tìm thấy cùng với một chút sự bong tróc võng mạc, các vết rách đôi khi sẽ được khâu lại bằng ánh sáng laser. Các bác sỹ chuyên khoa sẽ dẫn tia laser xuyên qua con ngươi đi vào đáy mắt, làm nóng quanh vết rách hoặc lỗ thủng của võng mạc. Sức nóng này làm cho vết sẹo lành khép chặt đúng vị trí trên võng mạc. Chúng có thể khâu những cạnh của vết rách để ngăn chất lỏng chảy qua và dồn chúng lại dưới võng mạc.

Điều trị đông lạnh (Cryopexy): Sau khi gây tê cục bộ ở mắt, bác sỹ sẽ trực tiếp đưa một vật giống như kim thăm dò đông lạnh ở bên ngoài nhãn cầu, đối ứng với vị trí bị rách của võng mạc. Dùng độ lạnh dữ dội để làm đông lạnh võng mạc quanh vết rách. Đông lạnh bề mặt này và làm cho vết thương lành sẹo. Vết sẹo sẽ khép chặt võng mạc lên thành mắt.

Ảnh minh họa điều trị rách võng mạc mắt (Ảnh: decorativestyle.org)

* Điều trị khi võng mạc đã bong ra

Mục tiêu của điều trị bong võng mạc đó là tìm hết các lỗ rách võng mạc, đóng hết các lỗ rách võng mạc, giảm tối đa nguy cơ co kéo võng mạc sau này

Phương pháp sử dụng áp lạnh và bơm khí (Pneumatic retinopexy): Áp dụng cho bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn và vùng võng mạc bị bong bắt đầu lan rộng. Cho các lỗ rách võng mạc nằm ở phía trên và vùng võng mạc bong ra không thể dùng laser để ngăn chặn. Bác sỹ sẽ dùng dụng cụ bơm khí nito lỏng làm lạnh dưới 0 độ C vào để tạo bọt. Bọt hơi đẩy võng mạc vào vị trí cũ, do đó có thể tự dính liền lại với thành mắt, cần giữ vị trí đầu theo một tư thế trong vài ngày. Bọt hơi sẽ biến mất sau đó.

Phương pháp ấn độn củng mạc (Scleral buckling): Một thanh nẹp rất nhỏ được gắn liền với bên ngoài phía sau mắt để đẩy nhẹ thành mắt áp vào chỗ võng mạc bị bong. Phương pháp này áp dụng cho các bệnh nhân trẻ, bong võng mạc đến trễ chưa tăng sinh, lỗ rách ở ngoại biên. Bác sỹ nhãn khoa sẽ gắn 1 cái đai bên ngoài mắt mục đích để tạo vùng hỗ trợ cho võng mạc từ bên ngoài. Sau đó sử dụng áp lạnh để hàn gắn lỗ rách và dùng kim để chọc lấy hết dịch tích tụ dưới võng mạc ra ngoài đưa võng mạc trở về vị trí cũ. Đai hay ấn độn củng mạc được để suốt đời. Phương pháp này giúp phục hồi thị lực nhanh tuy nhiên sẽ thay đổi khúc xạ, bệnh nhân có thể bị cận thị.

Phương pháp sử dụng áp lạnh và bơm khí – Pneumatic retinopexy (Ảnh: pinsdaddy.com)

Phương pháp cắt pha lê thể (Vitrectomy): Bác sĩ mắt sẽ sử dụng dụng cụ đi vào bên trong mắt, cắt hết dịch gel bên trong mắt, sử dụng laser hay áp lạnh để hàn lỗ rách, hút dịch tích tụ dưới võng mạc ra ngoài sau đó bơm một chất khí hoặc silicon để ép võng mạc trở lại vị trí cũ.

Sau mổ thị lực có thể tăng hoặc như cũ hoặc giảm tùy thuộc vào thời gian bị bong và tình trạng nặng hay nhẹ. Nếu bong võng mạc chưa qua hoàng điểm, tức là vùng nhìn trung tâm của bệnh nhân chưa bị ảnh hưởng thì kết quả thị lực sẽ cao. Nếu đã bong qua hoàng điểm thì phục hồi tùy thuộc vào thời gian và các tổn thương phối hợp. Một số trường hợp do bệnh nặng nên cần phải mổ thêm một hoặc hai lần nữa và có khi phải sử dụng những loại thuốc đặc biệt bơm vào trong mắt để làm cho võng mạc áp trở lại.

Theo The Epochtimes
Kiên Định biên dịch

Exit mobile version