Đại Kỷ Nguyên

5 dấu hiệu nhận biết sớm trầm cảm sau sinh

Rối loạn giấc ngủ, suy nhược cơ thể, căng thẳng, lo lắng, có cảm giác bị ám ảnh… là những dấu hiệu thường gặp của chứng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.  

Tối ngày 20/7, khoảng 19h 30′, người dân sinh sống tại khu đô thị trên địa bàn xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) phát hiện một phụ nữ nghi trầm cảm (sinh năm 1985) có ý định tự tử nên can ngăn.

Ảnh minh họa.

Chị luôn miệng nói “tôi giết con tôi rồi!”. Sau đó, khi đưa được chị xuống nhà, mọi người phát hiện hai cháu bé gồm một trai, một gái bị thắt cổ và đã tử vong, theo

Trước đó, dư luận nhiều lần xôn xao thông tin mẹ trầm cảm giết hại con 35 ngày tuổi tại huyệnThạch Thất, Hà Nội; mẹ giết con trai 3 tuổi chỉ vì chồng ăn chơi trác táng ở Đồng Nai…

Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm (Trưởng phòng Điều trị Stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Bạch Mai) trao đổi với An Ninh Thủ Đô, trầm cảm là chứng rối loạn tâm trạng khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân gây bệnh có thể do biến đổi nồng độ hoóc-môn steroid, đặc biệt là estrogen gây ra rối loạn tâm thần, hành vi của phụ nữ sau sinh.

Bệnh thường xuất hiện trong khoảng 4-6 tuần sau đẻ. Có người sớm hơn, chỉ sau sinh 3-4 ngày, có người muộn hơn, thường vào khoảng 3 tháng. Hay có một số người, do gia đình thường xuyên cãi nhau, luôn trong trạng thái căng thẳng, gặp phải biến cố lớn trong cuộc sống cũng có thể mắc bệnh.

Dấu hiệu nhận biết sớm trầm cảm sau sinh

Nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy, cứ 4 phụ nữ thì 1 người có thể bị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác trong vòng một năm sau khi sinh con.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017, có khoảng 10-20 % phụ nữ đang mang thai hoặc sau sinh từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm.

Suy nhược cơ thể

Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con. Thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả.

Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. Những phụ nữ suy nhược này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà. Họ không buồn tắm rửa, chải chuốt.

Lo lắng, căng thẳng

Dấu hiệu phổ biến của chứng trầm cảm là người mẹ thường cảm thấy đau một vùng nào đó trên cơ thể và có cảm giác bệnh.

Nhiều bà mẹ yếu sức càng có nhiều mối lo về sức khỏe của mình. Có thể họ cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó nhưng bác sĩ lại không tìm ra nguyên nhân, thường là đau ở đầu và cổ, đau lưng, ngực hay các vấn đề về tim. Sự lo lắng về sức khỏe gia tăng khiến họ càng stress thêm. Các triệu chứng này thường trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị.

Trường hợp sản phụ luôn cảm thấy căng thẳng và thiếu tự tin khi ra khỏi nhà. Họ thậm chí khó gặp gỡ người bạn thân, từ chối trả lời điện thoại hay tin nhắn, thư từ. Bệnh nhân thường không muốn đến gặp bác sĩ, do đó gia đình nên mời bác sĩ tới nhà.

Cảm giác bị ám ảnh

Bà mẹ bị trầm cảm thường hay bị ám ảnh, có thể về một người hay một tình huống nào đó… Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ.

Những nỗi sợ này là triệu chứng thường gặp của trầm cảm, có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi.

Rối loạn giấc ngủ

Thường người bị trầm cảm rất khó ngủ. Họ có thể thao thức đến gần sáng, hoặc không ngủ được. Vài người ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và khó có thể ngủ lại được.

Nhiều bà mẹ cảm thấy stress hơn vào buổi tối, nên bị mất ngủ lâu dài. Lúc này bác sĩ thường kê toa thuốc ngủ, nhưng đôi lúc dùng liều cao vẫn không hiệu quả. Trong trường hợp này, bà mẹ sẽ cảm thấy thất vọng hơn.

Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định

Các bà mẹ bị trầm cảm thường cảm thấy rất khó khăn để đưa ra quyết định. Họ thường phải mất rất nhiều thời gian để cân nhắc những vấn đề thông thường.

Việc khó tập trung chú ý còn thể hiện ở những khía cạnh đơn giản như không thể đọc xong một bài báo ngắn, không thể nghe hết một bài hát yêu thích hay xem hết một chương trình tivi mà họ thường quan tâm trước đây.

Lưu ý

– Để tránh những hậu quả đau lòng do căn bệnh trầm cảm gây ra, bác sĩ khuyến cáo, gia đình nên quan tâm nhiều hơn tới phụ nữ sau sinh.

– Khi gia đình nhận thấy các biểu hiện khác lạ của sản phụ, cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

– Bệnh nhân trầm cảm rất sợ cô độc, do vậy gia đình nên sắp xếp để luôn có một người mà sản phụ tin tưởng ở bên cạnh.

– Bên cạnh việc dùng thuốc, sản phụ cần duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, có thể bổ sung vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp để nâng đỡ cơ thể…

– Với những phụ nữ sau sinh, cách phòng bệnh trầm cảm tốt nhất là nên trao đổi tâm tư, chia sẻ với những người thân, tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ rất có hiệu quả.

– Phụ nữ sau sinh nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều bởi vì mệt mỏi làm dễ dẫn tới bệnh trầm cảm. Tránh thức khuya và có thể hãy nhờ người thân cho con bú vào ban đêm.

Phương Nam

Exit mobile version