Đại Kỷ Nguyên

5 điểm lưu ý trong ứng dụng ‘thời khắc liệu pháp’

Thời khắc liệu pháp là một phương pháp điều trị dựa trên những thay đổi sinh lý của cơ thể theo nhịp sinh học. Liệu pháp này đã được nghiên cứu từ những năm 1980 và đã đạt được giải Nobel y học năm 2017. Những phát hiện về cơ chế phân tử điều khiển nhịp sinh học của cơ thể trở thành chủ đề được quan tâm trong điều trị, đặc biệt là trong điều trị ung thư.

Theo Medscape, dưới đây là 5 điểm chính trong việc sử dụng thời khắc liệu pháp trong điều trị bệnh:

1. Thời khắc trị liệu giúp giảm tác dụng phụ của hóa trị trong điều trị ung thư

Chu kỳ giấc ngủ, nhịp sinh học liên quan đến việc phân phối thuốc và tác dụng của thuốc. Điều chỉnh thời gian sử dụng thuốc nhằm bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi độc tính của hóa trị.

2. Thay đổi nhịp sinh học có liên quan đến chất sinh ung thư

Nghiên cứu của Davis, Mirick và Stevens tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson Seattle, Washington (Mỹ) nhận thấy tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm làm tăng nguy cơ ung thư vú. Bên cạnh đó, việc thay đổi thời gian làm việc từ ban ngày sang ban đêm cũng làm tăng lượng melatonin được tiết ra vào ban đêm, dẫn đến khả năng ung thư.

Tiếp xúc ánh sáng ban đêm làm tăng nguy cơ ung thư vú. (Ảnh: soha.vn)

Cơ thể thường xuyên bị lệch múi giờ, phá vỡ nhịp sinh học cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Nghiên cứu của Kettner và Colleagues tại Đại học Y khoa Baylor Houston, bang Texas (Mỹ) cho thấy chẩn đoán ung thư buồng trứng, lymphoma, ung thư tuyến tụy, ung thư gan có tần suất cao hơn trên nhóm chuột liên tục lệch múi giờ so với nhóm chứng.

Tuy nhiên, do nhịp sinh học của chuột và người khác nhau nên cần thêm nghiên cứu để khẳng định giả thuyết này. Một điều chắc chắn rằng, lệch múi giờ có dẫn đến rối loạn thần kinh nội tiết và rối loạn chuyển hóa. Hai yếu tố này khá quan trọng trong sự phát triển khối u.

3. Mới chỉ có một nghiên cứu lâm sàng đối chứng về thời khắc liệu pháp tại Hoa Kỳ

Cho dù có nhận được nhiều quan tâm sau giải Nobel y học vào năm ngoái, hiện nay chỉ có một nghiên cứu đang được thực hiện tại Hoa Kỳ. Nghiên cứu có lâm sàng đối chứng, tên là “Nghiên cứu ngẫu nhiên đánh giá hiệu quả của hóa trị bằng Temozolomide trên bệnh nhân u tế bào thần kinh đệm bậc cao”. Nghiên cứu này đang được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Washington tại St. Louis, Missouri và có kế hoạch hoàn thành vào năm 2020.

Nghiên cứu bước đầu cho thấy thuốc Temozolomide giảm được tác dụng phụ khi dùng vào lúc 8 giời tối. (Ảnh: HealthHub)

Temozolomide là một loại hóa chất thử nghiệm liên quan đến phá hủy DNA tế bào. Có 30 bệnh nhân được sử dụng thuốc tại thời điểm 8 giờ sáng hoặc 8 giờ tối. Kết quả bước đầu cho thấy, thời điểm 8 giờ tối giảm được tác dụng phụ của thuốc hơn là 8 giờ sáng.

4. Thời khắc liệu pháp phải được cá nhân hoá cho từng bệnh nhân cụ thể

Trong nghiên cứu trên, While Campian quan sát rằng 8 giờ tối là thời điểm tốt nhất cho hầu hết các bệnh nhân. Tuy nhiên, mỗi cá nhân lại có một kiểu nhịp sinh học khác nhau, liên quan đến thời điểm tỉnh táo hoặc buồn ngủ, liên quan đến hoạt động trong cấp phân tử. Do đó, thời khắc liệu pháp phải được cá nhân hoá cho từng bệnh nhân cụ thể thì tốt hơn là áp dụng một kết quả nghiên cứu đại trà. Giải mã nhịp sinh học của mỗi cá nhân được áp dụng làm tăng hiệu quả của thời khắc liệu pháp.

Không chỉ con người có nhịp sinh học mà ngay cả thuốc cũng có nhịp sinh học. Thuốc cũng có thời điểm nhất định trong ngày có tác dụng cao nhất. Ví dụ như, fluorouracil là một hóa chất điều trị nhiều loại ung thư được quan sát thấy rằng nó hoạt động tốt nhất vào ban đêm. Còn thuốc oxaliplatin – một thuốc điều trị ung thư đại tràng được ghi nhận là có tác dụng tốt nhất vào buổi chiều.

5. Bạn có thể thay đổi nhịp sinh học để tăng hiệu quả điều trị

Tập thể dục là một cách thức can thiệp lên nhịp sinh học. (Ảnh: Deepthroaters)

Thay đổi nhịp sinh học để phá vỡ thời gian hoạt động của khối u nhằm làm tăng hiệu quả của hóa trị. Các nhà nghiên cứu đã tìm nhiều cách thức can thiệp lên nhịp sinh học để có thể áp dụng cho bệnh nhân. Các cách thức đó gồm: thay đổi ánh sáng môi trường xung quanh, dần dần thay đổi lịch trình ngủ, uống bổ sung melatonin, thay đổi thói quen ăn uống hoặc tập thể dục.

Triển vọng trong tương lai của thời khắc liệu pháp

Thời khắc liệu pháp bước đầu đang được quan tâm trong lĩnh vực điều trị ung thư. Tuy nhiên, hiệu quả trên những bệnh lý khác cũng đã được ghi nhận.

Trong điều trị cao huyết áp: Nghiên cứu được Hermida và đồng nghiệp thực hiện tại Đại học Vigo Pontevedra, Tây Ban Nha. Huyết áp cổ tay của các bệnh nhân được theo dõi liên tục mỗi 48 giờ. Một nhóm bệnh nhân dùng thuốc hạ huyết áp trước khi ngủ và nhóm còn lại dùng thuốc hạ áp vào buổi sáng. Bệnh nhân được đánh giá lại sau 3 tháng xem huyết áp có được kiểm soát hay không. Kết quả cho thấy: Có 37% bệnh nhân được kiểm soát huyết áp trong nhóm dùng thuốc trước khi ngủ; có 0.8% bệnh nhân được kiểm soát huyết áp trong nhóm dùng thuốc vào buổi sáng.

Nhóm dùng thuốc huyết áp trước khi đi ngủ thì kiểm soát huyết áp tốt hơn. (Ảnh: giadinh.net.vn)

Trong điều trị rối loạn lưỡng cực: Thời khắc liệu pháp cũng ghi nhận hiệu quả. Tác giả Wu và các đồng nghiệp tại Đại học California, Irvine, đã chứng minh tính hiệu quả khác nhau của việc sử dụng thuốc chống trầm cảm tại ba thời điểm khác nhau trong ngày.

Những nghiên cứu như thế này góp phần mở rộng hiểu biết của thời khắc liệu pháp. Tăng tác dụng điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc mang đến lợi ích cho bệnh nhân là mục tiêu mà phương pháp này hướng tới.

Bs Lê Lan

Exit mobile version