Thời tiết nắng nóng khiến sức đề kháng của nhiều người kém đi, dễ mắc các bệnh sốt virus, cảm cúm… Để đẩy lùi và phòng ngừa các bệnh hô hấp mùa nắng nóng, bạn có thể dùng các gia vị ngay trong gian bếp như tỏi, gừng, nghệ…
1. Tỏi
Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ấm, giúp tăng cường lưu thông khí huyết, sát trùng, sát khuẩn, cải thiện độ mỡ trong máu, tăng cường sức đề kháng, phòng chống nhiều loại bệnh. Đặc biệt, tỏi có tác dụng rất tốt trong phòng chống cảm cúm.
Cách làm: Nghiền nhỏ 2 nhánh tỏi, pha với nước và uống hàng ngày cho đến khi triệu chứng cúm thuyên giảm. Mọi người nên ăn tỏi thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa cảm cúm.
2. Chanh
Mật ong chứa 70 chất quan trọng cho cơ thể như canxi, kali, natri… Ngoài ra, mật ong còn chứa nhiều loại vitamin như B1, B2, B3, B5, B6, E, K,C và carotene tốt cho cơ thể. Chanh giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng và chữa cảm hiệu quả.
Cách làm: Pha một thìa cà phê mật ong và thả 2 lát quả chanh vào 100 ml cốc nước ấm. Uống hai lần mỗi ngày.
3. Tía tô
Theo Đông y, tía tô có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Lá có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiêu hóa, trừ cảm lạnh. Thân cành lợi tiêu hóa. Hạt trừ hen, trị ho, làm long đàm.
Cách làm: Tía tô rửa sạch, để ráo nước và thái nhỏ. Nấu cháo trắng chín mềm, nêm gia vị vừa ăn, cho thêm hành tím thái mỏng giúp giải cảm. Có thể cho thêm trứng gà, khuấy đều cho trứng chín đều. Món cháo tía tô nên ăn lúc nóng để giải cảm.
4. Gừng
Gừng là “siêu” thực phẩm dành cho những người bị ho, cảm cúm. Gừng có khả năng giảm ho, chống tắc nghẽn đường hô hấp, diệt virus gây bệnh.
Cách làm: Cho 3 lát gừng vào cốc nước nóng. Sau đó vắt 1 nửa quả chanh và 2 thìa mật ong. Đợi một lát rồi uống khi còn ấm.
5. Nghệ
Nghệ có khả năng chống viêm và kháng khuẩn, giúp giảm triệu chứng của cảm cúm. Ngoài ra nghệ còn có tác dụng long đờm.
Cách làm: Pha ¼ thìa bột nghệ trong một cốc sữa ấm và dùng hàng ngày.
Một số thực phẩm nên hạn chế ăn sau khi bị cảm cúm:
– Các nghiên cứu cho thấy, khi bị cảm cúm nên ăn ít các loại thức ăn có chứa nhiều muối như vậy sẽ nâng cao lượng Lysozyme trong nước bọt giúp bảo vệ họng. Từ đó, họng sẽ tiết ra nhiều chất Globulin miễn dịch A và Interferons để chống lại virus cảm cúm.
– Không nên ăn những thực phẩm giàu lipit như mỡ động vật, lạc… bởi chúng sẽ khiến cơ thể tăng nhiệt, khó hạ sốt, gây chán ăn.
– Không nên ăn những món canh lạnh và đồ ướp lạnh.
– Khi đang bị sốt, không nên ăn nhiều món giàu protein như trứng, cá, tôm, cua… khiến cơ thể khó hạ nhiệt hơn.
– Không nên uống nước chè trong thời gian uống thuốc cảm cúm, vì trong chè có hoạt chất làm giảm tác dụng của thuốc.
Lan Phương