Thời điểm cuối xuân đầu hạ là lúc thời tiết chuyển biến phức tạp. Hệ miễn dịch của trẻ em chưa kịp hoàn thiện nên khó có thể thích ứng tốt với sự thay đổi thời tiết. Các bậc làm cha mẹ nên cập nhật một số bệnh trẻ hay mắc vào thời gian này để phòng tránh cho con mình được tốt hơn.
1. Tay chân miệng
Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung vào tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12, thường ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân do Enterovirus gây ra khiến trẻ nổi nốt ở tay, chân, miệng. Bệnh dễ lây qua đường tiêu hóa. Khi mắc bệnh trẻ hay biếng ăn, tiêu chảy. Nếu nghiêm trọng trẻ có thể bị co giật, tim đập nhanh, thở gấp…
Phụ huynh cần đưa con đến bác sĩ chuyên khoa khám khi thấy có một trong những biểu hiện: có một hoặc vài mụn đỏ, bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cùi trỏ, đầu gối, loét họng (trẻ khó ăn uống, quấy khóc và chảy nước miếng nhiều). Đối với các trẻ đang mắc bệnh, phụ huynh cần theo dõi sát nếu có một trong những dấu hiệu sau thì đưa ngay đến bệnh viện chuyên khoa: giật mình, hốt hoảng, run hoặc yếu tay chân, sốt cao hoặc ói nhiều, bỏ ăn.
Phòng bệnh:
Cần giữ gìn vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà bông.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi, dụng cụ nấu ăn và người nấu phải đảm bảo sạch sẽ.
Tuyệt đối không tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Với trẻ bị bệnh cần cách ly trẻ tại nhà ít nhất 10 ngày, không đưa trẻ đến lớp hoặc nơi đông người.
2. Thủy đậu
Thủy đậu (còn được gọi là bệnh trái rạ) do vi rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp (ho, hắt hơi…) hoặc khi tiếp xúc dịch nước phỏng. Thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở trẻ từ 2 – 10 tuổi, và để lại miễn dịch suốt đời. Tại Việt Nam, mùa bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 2 – 6 hằng năm.
Biểu hiện ban đầu là sốt, đau đầu hay đau cơ, mệt mỏi hoặc chán ăn. Sau đó, xuất hiện những nốt tròn đỏ trong vòng 12 – 24 giờ, rồi tiến triển dần thành các mụn nước lúc đầu trong sau đó đục, nổi lên từng đợt ở da đầu và thân mình. Bình thường, bệnh tiến triển trong 5 – 10 ngày thì khỏi. Đôi khi bệnh có biến chứng như bội nhiễm mụn nước, viêm cầu thận cấp tính, viêm phổi… nhất là ở trẻ nhỏ, nhiều trường hợp dẫn tới tử vong.
Phòng bệnh:
Không để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh.
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là cách ly để tránh lây nhiễm, giữ vệ sinh da, mắt, mũi miệng và quần áo. Nốt phỏng đã vỡ thì chấm xanhmetylen.
3. Cảm cúm
Thời điểm giao mùa thời tiết có nhiều biến động, nóng rét thất thường, trẻ em rất dễ mắc bệnh cảm cúm do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Virus cúm dễ xâm nhập cơ thể, gây bệnh.
Virut cúm lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp, nhanh đến mức bạn thậm chí còn không biết ai đã lây bệnh cho bé. Trẻ khi mắc cảm cúm có thể sốt, nghẹt mũi, đau họng, ho, hắt hơi, nhức mỏi toàn thân. Các triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi nước kéo dài hơn các triệu chứng khác làm cho trẻ khó chịu.
Phòng bệnh:
Luôn giữ ấm cho bé khi thời tiết thay đổi (đặc biệt là các bé mới sinh), đặc biệt chú ý vùng ngực, cổ và đầu mặt.
Cho bé uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lạnh. Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C để giúp bé có sức đề kháng.
Rửa mũi và súc miệng thường xuyên bằng nước muối.
Hạn chế cho bé tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cúm.
Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh nếu bệnh do virus gây ra vì sẽ dẫn tới kháng thuốc trong tương lai và gây các tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
4. Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là loại bệnh thường xảy ra trong lúc giao mùa Xuân – Hè. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh thường có biểu hiện rõ nhất là mắt đỏ và có dử mắt, mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt… Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Phòng bệnh:
Nên đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân gây bệnh. Vệ sinh nhà cửa và đồ dùng cá nhân sạch sẽ.
Cha mẹ cần vệ sinh mắt hàng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi đau mắt đỏ…
5. Sốt xuất huyết
Tuy rằng, cao điểm của dịch sốt xuất huyết vào khoảng tháng 7. Nhưng thời điểm chuyển xuân sang hè này, khí hậu đang ấm lên, độ ẩm vẫn cao, thuận lợi cho sự phát triển trở lại của muỗi gây bệnh. Do đó, các bậc phụ huynh đừng chủ quan đối với căn bệnh này ở trẻ.
Bệnh do một loại muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Khi bị sốt xuất huyết trẻ có các triệu chứng sau: Sốt cao, mệt mỏi, tiêu chảy, viêm họng, nôn… Trên da trẻ có những chấm đỏ, khi kéo dãn cũng không mất. Trẻ có thể bị đi ngoài phân đen do xuất huyết tiêu hóa. Giai đoạn biến chứng của sốt xuất huyết nặng xảy ra vào ngày thứ 3 – 7 tính từ ngày bệnh khởi phát. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng và dẫn đến tử vong.
Phòng bệnh:
Cho bé ngủ màn kể cả ban ngày.
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm, không để nước đọng xung quanh nhà; chum, bể đựng nước phải đậy cẩn thận.
Phun thuốc diệt muỗi theo sự hướng dẫn của địa phương.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên lưu ý thêm rằng, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, và chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch phòng chống bệnh tật. Khi trẻ mắc bệnh, không tự ý dùng ngay kháng sinh cho trẻ mà nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.
Yến Dương