Đại Kỷ Nguyên

5 phương pháp giúp loại bỏ ‘độc tố’ trong quả xoài

Với khả năng hỗ trợ giúp hạ huyết áp và ngăn ngừa ung thư, xoài là loại quả miền nhiệt đới được mệnh danh là ‘vua của các loại trái cây’. Tuy nhiên, kèm theo nó cũng là những lời đồn đại ‘Xoài có độc, tốt nhất nên ăn ít’, ‘ăn nó có thể bị viêm da tiếp xúc’… Đây có phải là sự thật không? Làm thế nào để loại bỏ độc tố này?

Về dinh dưỡng: Trong 100g quả xoài chín cho 65 calo, 17g hydrat cacbon, 3.894 UI vitamin A (78% nhu cầu hằng ngày), 28mg vitamin C (46% nhu cầu), 1mg vitamin E (10%)… Đường của quả xoài là loại cấp năng lượng nhanh. Quả xanh ít vitamin A và nhiều vitamin C. Một cốc sinh tố xoài có thể cung cấp 25% lượng vitamin C cơ thể cần mỗi ngày, 2/3 vitamin A và một lượng lớn vitamin B6, vitamin E, pectin, phốt pho, kali và magie.

Theo Đông y: quả xoài có vị chua, ngọt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, tiêu trệ ích vị, chỉ thổ, giải khát, lợi niệu, chữa hoạt huyết, loạn óc, trị ho.(Ảnh: yige.net)

Theo Đông y, quả xoài có vị chua, ngọt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, tiêu trệ ích vị, chỉ thổ, giải khát, lợi niệu, chữa hoạt huyết, loạn óc, trị ho.

Xoài xuất hiện sớm nhất từ Ấn Độ vào hơn 4000 năm trước, không chỉ thơm ngon, ngọt, loại quả này giàu protein, chất xơ, vitamin C, A, axit folic… mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là một số lợi ích của xoài:

Lợi ích của quả xoài:

1. Bảo vệ tim mạch và huyết áp

Nhờ chứa rất nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng khác, xoài không chỉ hỗ trợ kiểm soát nhịp tim và huyết áp mà còn giúp sản xuất hormon trong não có tác dụng thư giãn, làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cũng như giữ thăng bằng kiềm hóa cho toàn bộ cơ thể.

2. Hỗ trợ phòng ngừa ung thư đại trực tràng và ung thư vú

Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu đời sống nông nghiệp Texas, chất polyphenol trong quả này có thể hỗ trợ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư ruột kết hiệu quả. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra chất polyphenol được chiết xuất từ xoài trên các loại ung thư ruột kết, vú, phổi, bạch cầu và tiền liệt tuyến. Trong khi chất này chỉ có tác dụng nhỏ trên các bệnh ung thư phổi, bạch cầu và tiền liệt tuyến, thì lại đạt được hiệu quả cao nhất trên ung thư vú và ung thư ruột kết.

Chất polyphenol trong xoài có thể hỗ trợ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư ruột kết hiệu quả. (Ảnh: ultra-shake.com)

3. Tăng cường sức mạnh não bộ

Vitamin B6 có trong xoài có thể hỗ trợ củng cố hỗn hợp dẫn truyền thần kinh, có tác dụng ổn định tâm trạng và tạo giấc ngủ ngon. Bộ não chúng ta có thể hoạt động hiệu quả và các dây thần kinh hoạt động tốt hơn nếu thường xuyên bổ sung loại quả này trong chế độ dinh dưỡng.

4. Bảo vệ mắt, phục hồi và làm đẹp da

Là một trong những loại trái cây có nhiều vitamin A và các chất chống oxy hóa, xoài hỗ trợ giúp duy trì đôi mắt khỏe mạnh, giữ thị lực tốt, ngăn ngừa bệnh quáng gà và khô mắt.

Loại quả này có thể khắc phục các vấn đề về da bởi vì nó có chứa retinol, kích thích sản xuất elastin và collagen giúp da mau lành khi bị tổn thương..

5. Ngăn ngừa dị tật thai nhi

Một khẩu phần xoài tươi cung cấp 71 mcg axit folic, dưỡng chất quan trọng cho phụ nữ mang thai, giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Ngoài ra, xoài cũng cung cấp nhiều khoáng chất có lợi cho bà bầu như kali, magie, canxi, vitamin B, B1, B2, B5, B6, niacin…

Xoài có chứa retinol giúp kích thích sản xuất elastin và collagen giúp da mau lành khi bị tổn thương. (Ảnh: PicSunday.com)

‘Chất độc’ của quả xoài đến từ đâu?

Xoài mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe như vậy tại sao nói nó có chứa ‘độc tố’? Kỳ thực đó chính là thành phần gây dị ứng của nó.

Ghi chép nghiên cứu về thành phần gây dị ứng của loại trái cây này bắt đầu từ năm 1939, một cô gái 29 tuổi sau 24 tiếng ăn xoài xuất hiện các triệu chứng dị ứng sưng đỏ xung quanh miệng. Theo báo cáo tổng kết về nguyên nhân dần tới dị ứng khi ăn xoài của tập san dị ứng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, những người bị dị ứng với loại quả này thường gồm các phản ứng:

Một số người sau khi ăn xoài xong, sẽ nhanh chóng xuất hiện các loại phản ứng như nổi mẩn đỏ, mề đay, phù thũng, khó thở. Đây là loại dị ứng thường gặp nhất khi ăn thực phẩm do kháng thể của cơ thể gây ra. Có người không đụng vào quả, chỉ ăn loại đã đóng hộp, salad, sinh tố cũng có thể bị dị ứng.

Nhựa trong vỏ, thân cây và lá xoài có chứa urushiol là nguyên nhân gây dị ứng (Ảnh: 88tph.com)

Còn một loại dị ứng thường xảy ra trên các vùng da xung quanh miệng, có thể gây ngứa trầm trọng, sưng môi. Các phản ứng dị ứng với xoài có thể xảy ra sau khi ăn xoài hoặc tiếp xúc với nhựa, vỏ, cây xoài. Nguyên nhân bởi nhựa trong vỏ, thân cây và lá xoài có chứa urushiol gây nên dị ứng.

Một số triệu chứng của dị ứng xoài bao gồm: Ngứa xung quanh miệng và trên môi, sưng môi và lưỡi, nốt đỏ nhỏ xuất hiện quanh miệng, cảm giác ngứa ran trên lưỡi, mắt khô.

Triệu chứng dị ứng toàn thân có thể bao gồm: Đau ở vùng bụng, sổ mũi, nổi mề đay, khó thở. Sốc phản vệ là rất hiếm; hàm lượng protein trong trái cây cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Trong trường hợp phản ứng sốc phản vệ, việc điều trị tức thời là cần thiết.

Làm thế nào để chống dị ứng xoài?

1. Chất urushiol chứa trong xoài xanh thường cao hơn so với xoài chín bởi vậy nên chọn các loại chín để hạn chế tình trạng dị ứng.

2. Đeo bao tay, dùng dao gọt vỏ xoài: Chất urushiol có rất nhiều trong vỏ quả này, bởi vậy khi ăn cố gắng hạn chế tối đa tiếp xúc với vỏ, có thể đeo bao tay nilon để rửa sạch bên ngoài, sau đó dùng dao gọt bỏ vỏ để tránh chạm phải chất gây dị ứng.

Đeo bao tay nilon, dùng dao gọt vỏ xoài tránh tiếp xúc vỏ để không bị dị ứng (Ảnh: epochtimes.com)

3. Một trong những biện pháp khắc phục tốt nhất và an toàn để ngăn ngừa dị ứng, làm sạch cơ thể bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với quả này để rửa sạch urushiol.

4. Một điều cần lưu ý cho những người bị dị ứng với xoài hoặc hoa quả khác có urushiol là tránh chạm vào trái cây hay vỏ của nó.

5. Để chữa dị ứng quanh miệng, bạn có thể sử dụng mật ong. Bạn cũng có thể uống một ly nước với một muỗng cà phê mật ong hòa tan. Mật ong được biết đến với đặc tính chống viêm sẽ làm dịu các triệu chứng dị ứng.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiên Định

Exit mobile version