Bạn rất chú trọng đến sức khỏe, thường xuyên thăm khám định kỳ với các chỉ số cầm trên tay nhưng có thực sự đánh giá hết được ý nghĩa của những thông tin này?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng lượng rau, lượng nước, chỉ số huyết áp, vòng eo, lượng cholesterol xấu… là các chỉ số giúp bạn kiểm soát được tình trạng sức khỏe. Dưới đây là 5 chỉ số có tính tổng quát cho sức khỏe cơ thể bạn.
1. Chu vi vòng eo
Con số này rất hữu ích trong việc đánh giá nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như đột quỵ, ngưng thở khi ngủ, và bệnh tim. Chuyên gia y tế cho hay, phép đo này có thể cho họ biết rõ hơn về nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn của bệnh nhân hơn cả chỉ số cân nặng.
Vòng eo là một chỉ số về chất béo nội tạng (hoặc “bụng”), chúng bao quanh các cơ quan nội tạng, cho phép dự đoán chính xác hơn nhiều về các nguy cơ bệnh tật liên quan đến béo phì hơn là chất béo khác trong cơ thể.
Phụ nữ có tỉ lệ eo/mông > 0,85 hoặc nam giới > 0,95 có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch dù có dư cân hay thiếu cân. Chỉ số vòng eo tuyệt đối (đo vòng bụng ngang qua rốn hoặc ngang nơi to nhất) mà nam trên 90 cm, nữ trên 80 cm cũng là yếu tố nguy cơ cao của hội chứng chuyển hóa liên quan đến béo bụng và tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng đường huyết…
Bởi vậy, mới có câu “vòng bụng to ra, vòng đời ngắn lại”. Các chàng trai thật có lý khi bị cuốn hút bởi những bóng hình “thắt đáy lưng ong” với eo/mông ≤ 0,7. Bên cạnh đó, một chi tiết khá quan trọng để các chàng chọn vợ là vòng hông phải đủ rộng để sinh nở dễ dàng hơn.
Muốn có vòng eo lý tưởng thì cần có cân nặng lý tưởng so với chiều cao. Cân nặng lý tưởng (kg) có thể tính bằng công thức: chiều cao (mét) x chiều cao (mét) x 22” hoặc [chiều cao (cm) – 100] x 0,9. Như vậy, một người cao 1,6 m có cân nặng lý tưởng khoảng: 1,6 x 1,6 x 22 = 56 kg hoặc (160 – 100) x 0,9 = 54 kg.
2. Số ly nước uống mỗi ngày
Cấp nước là ưu tiên hàng đầu cho cơ thể nhưng rất nhiều người không biết cơ thể mình đang cần bao nhiêu nước. Nhiều thông tin cho rằng cần uống 8 cốc nước mỗi ngày, điều này không hẳn đúng. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng nước mà cơ thể cần, như tuổi tác, giới tính, mức độ hoạt động và khí hậu. Vì vậy thay vì đưa ra con số cụ thể cốc nước nên uống mỗi ngày, chúng ta nên kiểm tra nước tiểu.
Nước tiểu vàng nhạt hoặc sáng màu chứng tỏ cơ thể đã đủ nước, nếu bất kỳ lúc nào nước tiểu sẫm màu hơn có nghĩa rằng hãy uống thêm nước vào nhé.
3. Số đo huyết áp
Huyết áp là một chỉ số khác cần chú ý và cố gắng kiểm soát để duy trì sức khoẻ tổng thể. Khi bệnh tăng huyết áp không kiểm soát, một biến chứng rất nghiêm trọng có thể xảy ra là xơ vữa động mạch. Về cơ bản, huyết áp ở mức cao một phần làm hư hại các mạch máu quan trọng trong cơ thể. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Mặc dù không nhất thiết phải kiểm tra huyết áp của chính mình hàng ngày, nhưng hãy nhớ đến chỉ số này để có lịch trình kiểm tra hợp lý nhằm duy trì trong phạm vi bình thường. Nó thật sự quan trọng hơn những gì chúng ta nghĩ về nó.
4. Lượng rau ăn vào
Khi nói đến chế độ ăn uống, các bác sỹ sẽ xem xét số lượng trái cây và rau quả một người ăn hàng ngày cũng như trung bình số lượng thực phẩm đã qua chế biến và thực phẩm có chỉ số glycemic cao. Thức ăn có chỉ số glycemic làm tăng lượng đường trong máu. Điều này thường được nhắc đến khi nói về khái niệm bệnh tiểu đường.
Theo quy luật chung, càng nhiều trái cây và rau quả chúng ta ăn mỗi ngày – đặc biệt là rau quả không có tinh bột, sức khoẻ tổng thể sẽ tốt hơn nhiều, bởi vì trái cây và rau quả có hàm lượng dinh dưỡng cao, nghĩa là mỗi calo chúng cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng khoẻ mạnh như vitamin và khoáng chất.
SFGate báo cáo rằng bốn đến năm khẩu phần rau được khuyên nên ăn hàng ngày cho những người ăn 2.000 calo mỗi ngày. Ăn tất cả mọi thứ từ lá xanh đậm đến các cây họ đậu sẽ giúp bạn có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin.
5. Mức cholesterol
Chỉ số cholesterol cũng là một yếu tố không được bỏ qua khi nói về vấn đề sức khoẻ. Mức cholesterol tốt hay xấu đều có ý nghĩa lâm sàng. Khi chúng ta ở tầm tuổi 20, cần theo dõi mức cholesterol ít nhất 5 năm một lần. Nếu chúng ta có các nguy cơ sức khoẻ khác, hoặc tuổi cao hơn thì cần được kiểm tra thường xuyên hơn. Ngoài ra, mức cholesterol cũng có thể chỉ ra yếu tố nguy cơ cao về bệnh tim.
Cholesterol lưu hành trong máu được tạo ra từ hai nguồn, gồm nguồn nội sinh (gan và các tế bào khác trong cơ thể tạo ra khoảng 75% cholesterol máu) và nguồn ngoại sinh (thực phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày tạo ra khoảng 25% còn lại).
Cholesterol toàn phần ở mức dưới 200 mg/dl sẽ là có ích cho cơ thể, còn khi lượng cholesterol toàn phần cao hơn 240 mg/dl thì cholesterol trong máu sẽ trở nên có hại cho cơ thể.
Lương y Cao Sơn (Theo Insider)
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.