Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt, do virus adeno hoặc vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Các chuyên gia cảnh báo, bệnh đau mắt đỏ nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây viêm, loét giác mạc… ảnh hưởng tới thị lực.
Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, đặc biệt thời điểm giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh đau mắt đỏ. Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu là đối tượng dễ mắc bệnh đau mắt đỏ.
Khi bị đau mắt đỏ, nhiều gia đình thường tự mua thuốc về chữa tại nhà, hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian như xông hơi, đắp lá… Các chuyên gia cảnh báo, cách chữa bệnh này vô cùng nguy hiểm, dễ dẫn đến viêm giác mạc, loét giác mạc, glôcôm… gây mù mắt.
Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ
– Mắt đau, cộm, mẩn đỏ, ngứa và sưng. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày lan sang mắt thứ hai.
– Chảy nước mắt và có nhiều rỉ.
– Có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai…
– Dịch mắt màu trắng đục.
– Rỉ mắt màu vàng và màu xanh lục (do nhiễm khuẩn).
Bệnh đau mắt đỏ lây qua 3 đường chính: Hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt, quan hệ vợ chồng.
Để phòng bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
Khi không có dịch:
– Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
– Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.
– Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
– Không dùng tay dụi mắt.
Khi đang có dịch đau mắt đỏ:
Ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, người dân cần lưu ý thực hiện thêm các biện pháp sau:
– Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9 %), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
– Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
– Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
– Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
– Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
Cách xử trí khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ:
– Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.
– Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
– Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
– Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, tránh lây lan bệnh.
– Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Để trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).
– Hạn chế ôm ấp khi trẻ bị bệnh.
– Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt; không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.
– Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu…
– Khi có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ phải đến cơ sở y tế để khám, được tư vấn và điều trị.
Lan Phương