Đại Kỷ Nguyên

6 bài tập đơn giản giúp bé nhanh ‘cứng cáp’ và khỏe mạnh hơn

Những bài tập nằm sấp, lăn tròn, du dương theo điệu nhạc hay kéo co… giúp bé phát triển trí não, tiêu hóa tốt, xương cứng cáp hơn và tạo cho bé cảm giác vui vẻ linh hoạt giúp 2 mẹ con gắn kết với nhau hơn.

Nhiều bạn trẻ mới sinh con, có thói quen để con nằm nhiều ít vận động, khiến cho bé chậm nhận biết môi trường xung quanh. Những bài tập dưới đây mẹ có thể giúp bé trở nên linh hoạt và mạnh khỏe hơn:

1. Bài tập cho trẻ nằm sấp Trẻ sau khi sinh

Bài tập nằm sấp giúp cổ bé cứng cáp hơn. (Ảnh: mykosmos.gr )

Mẹ nằm ngửa bế con theo hướng bụng bé tiếp xúc với ngực mẹ. Sau khi tư thế nằm sấp của bé cố định, mẹ có thể để một số đồ chơi an toàn xung quanh. Thu hút sự chú ý của trẻ bằng đồ chơi để bé chịu nằm sấp. Liên tục thực hiện việc này trong 30 giây và có thể tăng thời gian tập nằm sấp khi cổ bé cứng cáp hơn.

Bài tập giúp cơ lưng và cổ bé cứng cáp hơn. Bên cạnh đó, nó còn giúp xương sống và các bộ phận khác của bé vận động uyển chuyển, nhịp nhàng.

2. Bài tập lăn tròn Trẻ sau khi sinh

Đặt bé ở tư thế lưng tiếp xúc với sàn phẳng. Mẹ nhẹ nhàng lật người bé qua lại theo hướng lăn tròn, thực hiện liên tục trong 30 giây rồi đảo chiều.

Bài tập này giúp cơ lưng của bé phát triển, tăng khả năng kiểm soát tư thế nằm và phối hợp vận động não, phân biệt phải – trái mỗi khi di chuyển. Giúp trẻ linh hoạt hơn.

3. Bài tập cho trẻ đạp xe Bé sau khi sinh

Bài tập đạp xe giúp giảm và tránh đầy hơi ở trẻ sơ sinh. (Ảnh: İstanbul Dogum Akademisi)

Để bé ở tư thế nằm ngửa, nắm ở phần đầu gối chân bé và di chuyển lên xuống theo vòng tròn hướng về bụng bé. Lần lượt đưa chân bé một chân đưa lên, chân còn lại kéo thẳng ra giống động tác đạp xe.

Bài tập giúp bé vận động chân và phối hợp thân dưới nhịp nhàng. Các động tác nhẹ nhàng tác động đến bụng, giúp giảm và tránh đầy hơi ở trẻ sơ sinh, trẻ sơ sinh tiêu hóa tốt hơn. Đôi chân linh hoạt hơn.

4. Tập nhảy theo nhạc Bé sau khi sinh

Mẹ chỉ cần bế bé trên vai hoặc địu, bật nhạc và lắc lư nhẹ theo giai điệu. Bài tập này giúp bé tăng nhận thức về không gian xung quanh, tăng cường khả năng giữ thăng bằng và giúp các cơ phát triển hoàn thiện.

Lưu ý nên dùng nhạc nhẹ nhàng.

5. Bài tập máy bay Trẻ 2 tháng tuổi

Bài tập máy bay giúp cơ lưng và cổ bé cứng cáp hơn.(Ảnh: giupviecvietmy.com)

Mẹ nằm co chân và đặt bé nằm lên phần cẳng chân của mẹ, song song với mặt sàn. Sau đó, mẹ nhẹ nhàng nâng bé lên rồi hạ xuống, di chuyển qua lại như đang bay trên không.

Bài tập giúp cơ lưng và cổ bé cứng cáp hơn, củng cố khả năng nhận biết không gian xung quanh. Giúp bộ não linh hoạt hơn.

6. Bài tập kéo co cho bé – Bé đã cứng cổ, khoảng 3 – 4 tháng tuổi

Mẹ đặt bé nằm ngửa đưa ngón trỏ vào lòng bàn tay bé, nắm chặt rồi từ từ kéo bé theo hướng ngồi dậy, rồi từ từ thả bé về lại vị trí cũ. Khi tập cho bé, mẹ cần thận trọng, và đặc biệt chú ý khi đầu bé tiếp xúc với sàn, đặt bé từ từ và không bị đau.

Bài tập này giúp cổ, lưng và vai của bé cứng cáp, khỏe mạnh hơn. Tăng cường khả năng cầm, nắm của tay.

Các mẹ hãy tạo hứng thú tập luyện cho bé bằng cách vừa tập vừa trò chuyện cùng bé. Tạo cho bé cảm giác thoải mái và vui vẻ.

Lưu ý:

Thời gian: Thời gian không cần quá dài, khoảng 15 – 20 phút. Nếu bé thấy thích mẹ có thể kéo dài thêm chút nữa.

Chuẩn bị sẵn sàng: Mẹ hãy cho bé ăn trước khi tập trước khoảng 1 giờ để bé không bị nôn. Bên cạnh đó,mẹ cũng nên giúp bé có tâm trạng vui vẻ để bước vào bài tập.

 Không ép bé: Mẹ nên quan sát con thật kỹ, nếu bé có thái độ phản kháng, không muốn tập bài tập nào thì mẹ nên dừng lại ngay.

Tạo không gian thoải mái: Mẹ nên tránh các yếu tố gây mất tập trung như ti vi quá ồn. Cất dọn các vật dụng nguy hiểm cho bé. Mẹ cũng nên bật nhạc có nhịp điệu nhẹ nhàng để bé có thêm hứng thú khi tập.

Lê Vân

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version