Đột quỵ thường bị nhầm với trúng gió, say nắng nên dễ bị biến chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng do sơ cứu không đúng cách và kịp thời. Dưới đây là 6 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ do nắng nóng, mọi người không nên chủ quan.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, mùa hè năm nay, nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng, trong thời gian dài. Ghi nhận tại miền Bắc một tuần trở lại đây, nắng nóng, nhiệt độ 35-38 độ C. Tại các tỉnh phía Nam, nhiệt độ 33-35 độ C.
Vào mùa hè, sự mất nước thông qua việc đổ mồ hôi của cơ thể khiến các mạch máu có khuynh hướng trở nên lồi lõm, độ kết dính trong máu tăng cao dễ dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông. Đặc biệt, nguy cơ tử vong do nhồi máu não của người cao tuổi ở mức nhiệt độ 32 độ C trở lên, tăng cao hơn nhiều so với mức nhiệt độ 27-29 độ C.
Tình trạng máu lên não bị gián đoạn đột ngột khiến các vùng não không được cung cấp máu dẫn đến tổn thương sẽ gây ra tình trạng đột quỵ. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ 80% là do cục máu đông gây tắc mạch máu não và 20% còn lại do xuất huyết não.
TS.BS. Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh Tp.HCM cho biết, khoảng thời gian vàng từ 3-4 tiếng sau khi khởi phát đột quỵ, nếu được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể giữ được mạng sống của mình và có thể giảm nhẹ di chứng sau đó, theo Dân Trí.
Trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị đột quỵ khi thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, đột quỵ do nắng nóng cũng thường xảy ra ở người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, béo phì hoặc người phải làm việc với cường độ cao liên tục dưới trời nóng.
6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng:
1. Thân nhiệt tăng cao
Người phải làm việc hay trẻ em chơi ngoài trời nắng, nếu bị đột quỵ, nhiệt độ cơ thể có thể lên tới 40-41 độ C hoặc cao hơn.
2. Tim đập nhanh
Ở người bị đột quỵ, tim thường đập nhanh hoặc loạn nhịp. Khi nhịp tim đập quá nhanh có thể hình thành các cục máu đông. Những cục máu đông này nếu bị vỡ rời, nó có thể đi lạc đến các bộ phận khác và cản trở một động mạch não gây ra cơn đột quỵ
3. Thở dốc
Thân nhiệt tăng kèm theo biểu hiện thở dốc, hơi thở yếu là biểu hiện rõ nét của đột quỵ do nắng. Tình trạng này dễ gặp ở trẻ em mải chơi ngoài trời nắng lâu.
4. Buồn nôn
Chóng mặt, buồn nôn cũng là dấu hiệu của cơn đột quỵ. Thậm chí, bệnh nhân còn có thể nôn rất nhiều.
5. Vã mồ hôi
Da sẽ trở nên khô và nóng sau một thời gian đổ mồ hôi. Khi thời tiết quá nắng nóng, cơ thể người sẽ bị nóng và toát mồ hôi nhiều. Khi thấy cơ thể toát mồ hôi nhiều, kèm theo mệt mỏi thì đó là biểu hiện của đột quỵ do nắng.
6. Đau đầu dữ dội
Đau đầu dữ dội, đột ngột là triệu chứng nặng nhất và cũng khá phổ biến ở người bị đột quỵ.
Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng
Nếu gặp trường hợp đột quỵ do nắng nóng, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc chuyển nạn nhân tới bệnh viện.
Trong khi chờ cấp cứu, đưa nạn nhân vào một nơi râm mát, cởi bỏ bớt quần áo. Nếu thấy nạn nhân quá nóng, hãy dùng mọi cách làm mát cho họ như dùng quạt để làm mát, áp khăn ướt lên người nạn nhân. Có thể chườm nước đá ở các vùng bẹn, nách – những khu vực có nhiều mạch máu gần với da, khi làm mát có thể giúp giảm nhiệt độ của cơ thể.
Trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim (bắt mạch hoặc sờ không thấy tim đập), phải hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.
– Hà hơi thổi ngạt: Để nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, đặt một khăn mùi xoa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.
– Ép tim ngoài lồng ngực: Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 30 lần/1 phút cho đến khi tim đập và thở trở lại.
Phòng đột quỵ do nắng nóng
Dù rất nguy hiểm và khó lường nhưng 80% việc chủ động phòng tránh đột quỵ lại bằng việc chú ý khẩu phần ăn uống kết hợp tập thể dục đều đặn, giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Ngoài ra khi thời tiết oi bức, chúng ta thường sử dụng máy lạnh để giải nhiệt nhưng cần lưu ý một số điều để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là đối với người cao tuổi:
– Không nên để máy lạnh thổi trực tiếp vào người, giữ nhiệt độ an toàn ở khoảng 26-27 độ C. Tránh tình trạng sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ phòng và nhiệt độ bên ngoài, tắt máy lạnh trước 30 phút trước khi rời phòng và thường xuyên vệ sinh máy lạnh để có nguồn không khí sạch sẽ hơn.
– Hạn chế làm việc ngoài nắng quá lâu.
– Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
– Không nên tắm ngay khi vừa đi nắng về hoặc tắm xong vào phòng điều hòa.
– Hạn chế ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong thời gian từ 10h đến 16h.
– Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.
– Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày.
– Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
– Người lao động cần chú ý hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính; mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi.
– Tránh đồ uống có cồn, chất kích thích…
Lan Phương