1. Cho trẻ mới sinh bú mẹ càng sớm càng tốt
Sau khi sinh, nếu cả mẹ và bé đều khỏe mạnh thì có thể bắt đầu cho bé bú ngay 1 – 2 tiếng sau khi sinh. Trong sữa non (sữa tiết ra trong 12 ngày đầu sau khi sinh) có chứa nhiều albumin, trong đó có nhiều immunoglobulin miễn dịch có tác dụng bảo vệ trẻ, đó cũng chính là những kháng thể tự nhiên. Trong đó có một số immunoglobulin có hàm lượng cao nhất trong 3 ngày đầu sau khi sinh, sau đó thì hàm lượng này giảm xuống nhanh chóng. Ngoài ra, sớm để bé khai sữa còn giúp tránh sưng và mưng mủ ở bầu ngực người mẹ, giúp sữa mẹ sớm “về”.
2. Không định giờ khi cho trẻ bú mẹ
Thời gian và số lần cho trẻ bú không nên thực hiện một cách máy móc theo giờ quy định nào bởi lẽ trẻ có khả năng tự cảm nhận rất tốt, do vậy từ khi mới sinh, chỉ cần thấy trẻ đói là cho ăn ngay. Việc này vừa có lợi cho sự sinh trưởng của trẻ, lại giúp tiết sữa tốt hơn.
3. Không cho trẻ được nuôi bằng sữa mẹ ăn nước quả quá sớm
Với trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, không cho trẻ ăn nước quả trước 4 tháng tuổi. Bởi lẽ nước quả thường có tác dụng bổ sung vitamin C và khoáng chất cho trẻ, nhưng thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ lúc đó đã thích hợp nhất cho nhu cầu sinh trưởng phát triển của trẻ. Trong sữa mẹ, tỷ lệ phốt pho/ canxi thích hợp, dễ hấp thu, hàm lượng sắt và kẽm tuy giống với sữa bò nhưng mức độ hấp thu cao hơn nhiều lần so với sữa bò. Vitamin C trong sữa mẹ tuy không nhiều nhưng do sữa mẹ không bị gia nhiệt nên không bị phá hủy, đủ dùng cho trẻ. Duy chỉ có vitamin D là không đủ nhưng sẽ được bổ sung qua những lần tắm nắng cho trẻ.
Ngoài ra, cho trẻ bú sữa mẹ ăn thêm nước quả sớm còn làm giảm lượng sữa mẹ mà bé tiếp nhận dẫn đến việc không được cung cấp đủ dinh dưỡng và nguy cơ suy dinh dưỡng. Trẻ giảm bú còn làm lượng sữa mẹ tiết ra ngày càng ít đi.
4. Không cho trẻ sơ sinh ăn mật ong
Mật ong chứa nhiều vitamin, đường glucose, đường fructose, nhiều loại axit hữu cơ và các nguyên tố vi lượng có ích cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay, một số nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nếu ăn mật ong và các chế phẩm từ phấn hoa có thể bị nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum gây ngộ độc thực phẩm. Khả năng kháng bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn kém. Vi khuẩn sau khi được ăn vào cơ thể dễ sinh sôi và sinh ra độc tố trong đường ruột gây ngộ độc. Do đó, tốt nhất không cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong.
5. Không giữ nóng sữa bằng phích ủ ấm để cho trẻ ăn
Để thuận tiện, bố mẹ giữ ấm sữa bò bằng phích bảo ôn hoặc để âm ỉ trong máy hâm nóng sữa. Cách làm này thực tế không khoa học bởi sữa là môi trường rất thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, ở nhiệt độ 30 – 400C vi khuẩn lại sinh sôi rất nhanh, gây biến chất sữa. Trẻ uống phải loại sữa này dễ bị ngộ độc. Vì thế, sữa pha xong cần cho trẻ uống ngay. Khi trẻ không uống hết thì không nên ủ ấm để cho bé uống tiếp, trừ khi bạn biết rằng bé sẽ sớm uống ngay sau đó.
6. Không nên cai sữa vào mùa hè
Mùa xuân và mùa thu là mùa cai sữa thích hợp cho bé, trẻ dễ thích ứng với những thay đổi do cai sữa mang tới. Còn về mùa hè, đặc biệt là những tháng nóng nực, cảm giác ăn uống ở người bị giảm sút, kém ăn. Nếu cai sữa trong thời gian này, bé dễ quấy khóc, bỏ ăn, mệt ốm,… Do vậy, nếu đã có kế hoạch, bạn nên chờ đợi thêm 1, 2 tháng, chờ khi trời mát mẻ mới cai sữa cho bé.
Tuấn Long