Đại Kỷ Nguyên

6 mẹo chữa nước ăn chân tại nhà đơn giản mà hiệu quả

Mưa kéo dài, nước dâng cao, ngập sâu gây ảnh hưởng lớn tới đời sống cũng như sức khỏe người dân. Thường xuyên phải tiếp xúc với nước bẩn khiến chân có thể bị nước ăn gây ngứa ngáy, bong tróc da…

Người bị nước ăn chân có biểu hiện tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ chân. Lòng bàn chân, gót chân, các cạnh ngoài của bàn chân cũng có thể bị mụn nước hoặc có vảy nhỏ mịn, gây ngứa ngáy, khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

Ảnh minh họa.

Để trị nước ăn chân có nhiều phương pháp đơn giản, dễ thực hiện. Trước tiên, người bệnh cần phải rửa thật sạch chân bằng nước nước muối ấm, lau khô bằng khăn bông sạch, sau đó bôi thuốc chống nấm.

Ngoài ra, người bị bệnh còn có thể sử dụng các phương pháp chữa nước ăn chân dưới đây:

1. Lá trầu không

Theo dược học cổ truyền, lá trầu không có vị cay nồng, tính ấm, có nhiều tác dụng như trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, giảm ngứa, loại bỏ lớp tế bào chết trên da và diệt trừ vi khuẩn.

Cách làm: Dùng lá trầu không rửa sạch, vò nát, xát vào các kẽ ngón, hoặc vắt lấy nước bôi vào các kẽ ngón, vị trí loét.

2. Phèn chua

Phèn chua có tác dụng diệt khuẩn và giảm ngứa ngáy hiệu quả. Chỉ sau vài ngày, vết thương sẽ khô và mau lành.

Cách làm:

– Phèn chua đun lên cho tan chảy, đến khi phèn chua khô, nghiền nhỏ ra mịn như bột.

– Rửa sạch chân rồi bôi bột phèn chua vào vùng da bị đau, kiêng nước trong thời gian điều trị.

3. Gừng

Gừng cũng là một vị thuốc hữu hiệu trong việc điều trị chứng nước ăn chân.

Cách làm: Đập nhỏ một nhánh gừng cho vào nồi nước đang sôi, đun tiếp 20 phút nữa. Đợi cho nước nguội, dùng nước đó để ngâm chân 2 lần/ngày.

4. Dấm

Nước dấm loãng làm dịu vết thương, diệt khuẩn và mau lành da. ​

Cách làm: Trộn lẫn 100ml dấm vào trong một chậu nước nhỏ, ngâm chân trong vòng từ 10-15 phút. Sau đó, dùng khăn vải sợi mềm để lau khô chân. Mỗi ngày thực hiện khoảng 1-2 lần.

5. Rau sam

Cách làm:

– Lấy khoảng 50-100g rau sam tươi, rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ, giã nát cùng muối ăn.

– Cho hỗn hợp vào mảnh vải gạc sạch, chấm nhẹ vào vùng bị nước ăn. Kiên trì 1 lần/ ngày, vùng chân loét sẽ khô, se lại và hết ngứa.

6. Lá trà xanh, trà khô

Trong là trà xanh có nhiều vitamin C và chất chống oxi hóa, giúp làm dịu vết thương và sát khuẩn hiệu quả.

Cách làm:

– Nhai nát loại trà khô pha nước uống hàng ngày.

– Rửa chân sạch sẽ, lau khô bằng vải. Sau đó nhét chè khô đã nhai nát vào kẽ chân, những nơi bị nước ăn chân.

Chỉ sau 2 ngày, vùng da bị thương sẽ khô lại, lành lặn hơn và không còn cảm giác đau ngứa nữa, kiên trì khoảng 4-5 ngày sẽ khỏi hẳn.

Lưu ý:

– Khi bị nước ăn chân, không nên gãi mạnh làm trầy xước hoặc vỡ các mụn nước li ti giữa các kẽ chân vì có thể sẽ tạo cơ hội cho các vi khuẩn, vi nấm lan rộng ra vùng chân xung quanh.

– Không dùng chung giày, dép với những người đang bị nước ăn chân, tránh nguy cơ bị lây bệnh.

– Các loại lá dùng để chà trực tiếp lên vùng bị viêm nhiễm cần phải được rửa sạch sẽ, tránh gây hại khi tiếp xúc với các vết thương hở dưới kẽ chân.

– Nếu dùng thuốc, vẫn bị viêm loét, cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

​​​​​​

Lan Phương

Exit mobile version