Trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ. Cơ thể của trẻ còn non nớt, chưa thành thục, y học cổ truyền gọi là “trĩ âm, trĩ dương”, nghĩa là cơ sở vật chất và hoạt động chức năng của tạng phủ đều chưa đầy đủ. Do đó, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh ở trẻ để đề ra được cách phòng tránh sẽ giúp ba mẹ có kế hoạch chăm sóc và bảo vệ bé yêu tốt hơn.

Dưới đây sẽ chỉ ra 6 nhân tố liên quan đến quá trình phát sinh bệnh tật ở trẻ:

1. Nhân tố tiên thiên

Nhân tố tiên thiên (nhân tố thai sản) chỉ nguyên nhân bệnh hình thành trước khi trẻ được sinh ra. Di truyền là nguyên nhân chủ yếu của nhân tố tiên thiên.

Theo điều tra khoảng 1,3% số trẻ sinh ra có khiếm khuyết sơ sinh rõ, tức là có dị dạng tiên thiên, khiếm khuyết sinh lý hoặc chuyển hóa bất thường, trong đó khoảng 70% – 80% do nhân tố di truyền gây nên. Gen có hại của bố mẹ là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh di truyền. Xã hội hiện đại ô nhiễm công nông nghiệp, hoàn cảnh môi trường biến đổi, dẫn tới gia tăng cơ hội gây ra dị dạng, ung thư và đột biến.

Những bệnh di truyền đã được biết đến có đến trên 3500 loại, trong đó phần lớn là đang thiếu phương pháp điều trị hữu hiệu, có bệnh cần phải tiến hành trị liệu bằng ăn uống hoặc thuốc suốt đời. Đối với những người mang gen bệnh di truyền thì được khuyến cáo không nên sinh con.

Nhân tố tiên thiên không tốt, hình thành nên những khiếm khuyết về hình thể và tinh thần ở trẻ. (Ảnh: beopen.me)

Sau khi mang thai, nếu không chú trọng dưỡng thai, cũng dễ tạo thành bệnh tiên thiên. Ví như bà bầu dinh dưỡng không đủ, ăn uống thất thường, tình chí không ổn định, nghỉ ngơi không thích đáng, cảm thụ ngoại tà, tiếp xúc đồ bẩn, bị chấn thương, sinh hoạt vợ chồng quá độ, bị mắc bệnh, dùng thuốc sai cách… các loại nhân tố đều có thể làm tổn thương thai nhi. Khi chuyển dạ thì khó sinh, trẻ bị ngạt thở, nhiễm khuẩn, vết thương sau sinh… cũng có thể trở thành nguyên nhân của rất nhiều bệnh.

Trong cuốn Từ ấu luân, chương Cách chí dư luân có nói: “Nhi chi tại thai, dữ mẫu đồng thể, đắc nhiệt tắc câu nhiệt, đắc hàn tắc câu hàn, bệnh tắc câu bệnh, an tắc câu an” (Tức, con còn trong bụng, cùng một thân thể với mẹ, nóng thì cùng nóng, lạnh thì cùng lạnh, bệnh thì cùng bệnh, an thì cùng an). Điều này đã nói lên quan hệ mật thiết giữa nhân tố thai dưỡng và sức khỏe của trẻ.

2. Nhân tố ngoại cảm

Trẻ nhỏ bệnh do nhân tố ngoại cảm là rất thường gặp. Nhân tố ngoại cảm bao gồm lục dâm (6 thứ khí) như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa và khí dịch lệ. Phong có tính di chuyển, biến đổi. Trẻ nhỏ phế thường bất túc (không đầy đủ), rất dễ bị phong tà làm tổn thương, phát sinh bệnh đường hô hấp. “Phong vi bách bệnh chi trường” các tà khác thường tương hợp với phong tà mà gây nên bệnh.

Phong hàn, phong nhiệt phạm cơ thể, thường thấy ngoại cảm biểu chứng, chính khí không đầy đủ ắt từ biểu nhập lý. Thử (nắng) dương tà, tính viêm nhiệt, dễ thương khí âm: Thử thường kèm thấp, khốn át tỳ khí, liên miên khó dứt.

Trẻ nhỏ hay bị bệnh do nhân tố ngoại cảm. (Ảnh: nyazco.com)

Phong thấp hàn hoặc phong thấp nhiệt, 3 khí cùng tới hợp thành tý chứng (chứng đau). Táo có tính khô sáp, hóa hỏa nhanh nhất, dễ hao tân dịch và thương phần âm của phế vị. Hỏa là cực của nhiệt, lục khí đều có thể hoá hoả, trẻ nhỏ lại dễ bị cảm thụ ngoại tà, do đó trẻ nhỏ bị bệnh nhiệt là nhiều nhất.

Dịch lệ là một loại bệnh tà có tính truyền nhiễm rất mạnh, đặc điểm là phát bệnh rầm rộ, bệnh tình tương đối nặng, dễ lưu hành thành dịch… Trẻ nhỏ hình khí đều chưa sung túc, khả năng kháng bệnh yếu, cộng thêm khí hậu thất thường, môi trường hoàn cảnh ác liệt, thực phẩm ô nhiễm, hoặc chưa làm tốt công tác cách ly dự phòng… đều có thể tạo thành dịch bệnh phát sinh và lưu hành. Dịch bệnh một khi phát sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.

3. Nhân tố thương thực (do ăn uống)

Trẻ nhỏ Tỳ (Lách) thường bất túc, ẩm thực không biết tiết chế, hoặc gia đình nuôi dưỡng không tốt, dễ bị ẩm thực làm tổn thương, sản sinh bệnh chứng Tỳ vị. Trẻ nhỏ ăn uống quan trọng là thời gian ăn, có giờ giấc quy luật. Trẻ còn nhỏ không thể tự mình điều tiết ăn uống, kén ăn, ăn uống không đa dạng. Do đó mới tạo thành bệnh do ăn uống thiên lệch, ăn uống dinh dưỡng không cân bằng, hoặc quá hàn mà thương dương, quá nhiệt thương âm, quá cay thương Phế, quá ngọt thương Tỳ, ngấy béo sinh đàm, ít ăn rau quả thành táo bón, ăn loại thực phẩm nào đó dẫn tới dị ứng…

Sinh hoạt không giờ giấc quy luật, ăn uống không giờ giấc, no đói thất thường; chất và lượng thực phẩm quá độ, Tỳ vị trẻ không thể tiếp thụ hết mà tạo thành thương tổn; chất và lượng thực phẩm không đủ, trẻ nhỏ khí hư, sinh hóa không có nguồn mà hay ốm.

Ăn quá nhiều thức ăn bổ dưỡng cũng là nguyên nhân gây hại cho tỳ vị. (Ảnh: tradingmyanmar.com)

Lại có do người nhà thiếu hụt kiến thức nuôi dưỡng đúng đắn, thời kỳ sơ sinh không được bú sữa mẹ, không cho ăn dặm đúng thời điểm, hoặc tùy tiện chiều theo sở thích của trẻ, đều dễ tạo thành Tỳ khí không sung túc (đầy đủ) thậm chí bị tổn thương, vận hóa không tốt, dễ phát bệnh chứng Tỳ vị. Cộng thêm do nguồn sinh hóa của Tỳ vị, còn có thể dẫn tới các tạng Phế, Thận, Tâm, Can bất túc mà sinh bệnh.

Ăn uống không vệ sinh cũng là nguyên nhân gây bệnh thường gặp trong nhi khoa. Trẻ nhỏ thiếu kiến thức vệ sinh, tay bẩn cầm đồ ăn, hoặc ăn phải thực phẩm ô nhiễm, thường dẫn tới bệnh về trường vị như nôn, đau bụng, giun sán, thậm chí lỵ do vi khuẩn, thương hàn, viêm gan virus…

4. Nhân tố tình chí

Trẻ nhỏ tư tưởng tương đối đơn thuần, tiếp xúc xã hội ít hơn người lớn. Vậy nên không bị thất tình lục dục làm thương tổn nhiều bằng người lớn. Nhưng trẻ nhỏ tình chí không điều hòa mà dẫn tới bệnh tật cũng không nên xem nhẹ.

Ví như:

  • Trẻ nhỏ bắt gặp vật thể hay chợt nghe âm thanh khác lạ, dễ dẫn tới kinh sợ làm tổn thương tâm thần, hoặc làm cho Can phong kinh quyết (co giật) vốn có phát tác càng nặng hơn.
  • Trẻ muốn mà không được đáp ứng, lưu luyến mà thương Tỳ, có thể tạo thành không muốn ăn, chán ăn hoặc thực tích.
Trẻ lưu luyến thứ già đó mà tạo thành chán ăn. (Ảnh: dytbul.com)
  • Áp lực học hành quá lớn, gia đình mong mỏi kỳ vọng quá cao, trẻ lo lắng, sợ hãi, sinh ra đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, hoặc tinh thần hành vi bất thường.
  • Gia đình cưng chiều quá độ, khả năng thích ứng xã hội kém, tạo thành chướng ngại tâm lý.
  • Cha mẹ ly dị, tái hôn, người thân qua đời, giáo viên trách phạt, bạn bè bắt nạt… đều có thể làm cho trẻ tinh thần bị đả kích mà mắc bệnh. Những năm gần đây, tỷ lệ phát bệnh do rối loạn tâm thần và hành vi ở trẻ nhỏ có xu hướng tăng cao, cần phải được chú trọng.
Những cuộc cải vã trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. (Ảnh: medium.com)

5. Nhân tố ngoại thương

Trẻ nhỏ thiếu hụt kinh nghiệm cuộc sống và năng lực tự lập, đối với sự vật, sự việc nguy hiểm trẻ chưa có đầy đủ kiến thức để nhận dạng và có biện pháp đề phòng, cộng thêm tính tình hiếu kỳ, có hành động không suy nghĩ, từ đó dễ bị thương tổn mà không lường trước được. Một số nhân tố ngoại thương thường gặp ở trẻ bao gồm: 

  • Trẻ nhỏ thường bị ủ kín, hoặc khi bú mẹ không đúng tư thế bị bịt kín mũi miệng, có thể gây ngạt.
  • Trẻ nhỏ chạm vào nước nóng hay nồi canh sôi, hoặc sờ nhầm vào bếp lửa bình nước, có thể bị bỏng. Thiết bị điện gia dụng lắp đặt không ổn, có thể bị trẻ nhỏ sờ nhầm mà bị điện giật.
  • Trẻ chơi đùa cạnh ao hồ, không có người lớn trông coi mà xuống nước bơi, dễ bị đuối nước.
Cần phải chú ý đến trẻ, không để trẻ một mình cạnh ao hồ. (Ảnh: minhtuoiqbh.violet.vn)
  • Trẻ tập đi bị ngã, bị tai nạn giao thông hoặc đánh nhau có thể tạo thành vết thương phần mềm, gãy xương…
  • Rắn cắn, trùng đốt, chó mèo cắn làm bị thương, tạo thành tổn thương ngoài ý muốn.
  • Ăn nhầm thực phẩm, thuốc có độc, phát sinh trúng độc.
  • Nhét nhầm hạt đậu, quả bóng nhỏ… vào mũi miệng gây tắc nghẽn đường hô hấp.

6. Nhân tố bệnh viện

Trong xã hội hiện đại, những tổn thương do bệnh viện gây cho trẻ em ngày càng được chú ý. Ở khoa nhi, bệnh truyền nhiễm tương đối nhiều, đối với trẻ em nhập viện cần phải cố gắng sắp xếp bệnh phòng theo loại bệnh chủng, được cách ly, ngăn ngừa nhiễm trùng chéo. Khi thăm khám cho trẻ, động tác của nhân viên y tế cần nhẹ nhàng, chú ý đến kỹ thuật thao tác vô trùng. Với trẻ em thì nên nói chuyện thân thiện, giảm thiểu kháng cự, ngăn ngừa mang đến tổn thương thể chất, tâm lý cho trẻ.

Khoa nhi dùng thuốc phải thận trọng, vì trẻ em khí huyết không sung túc, tạng phủ non nớt, dễ bị tổn thương do thuốc. Trong trường hợp thuốc quá đắng, quá hàn, quá cay, quá nhiệt, cho tới thuốc có tính công phạt, mãnh liệt, độc tính lớn, đều nên thận trọng khi sử dụng, bệnh khỏi thì dừng ngay. Trị liệu nhiệt bệnh cần cố hộ âm tân, trị liệu hư chứng cần cố hộ Tỳ vị, bệnh cấp thì trị ngọn, bệnh hoãn thì trị gốc. Nếu điều trị sai, thuốc quá tay làm tổn thương chính khí, thì làm bệnh cũ không hết bệnh mới thêm vào, bệnh tình sẽ nặng thêm.

Dùng thuốc cho trẻ em cần phải thận trọng về tính vị và liều lượng. (Ảnh: WordPress.com)

Một số thuốc tân dược có tác dụng phụ tương đối nhiều: chẳng hạn như glucocorticoid dùng lâu có thể gây hội chứng Cushing; một số thuốc kháng sinh gây ra phản ứng tiêu hóa, ức chế chức năng tạo máu, tổn thương chức năng gan thận, tổn thương hệ thần kinh; sử dụng lâu dài kháng sinh phổ rộng tăng tính kháng thuốc của cơ thể, ức chế miễn dịch dẫn đến tổn thương cơ quan, ức chế tủy xương tạo máu… đều thường gặp trên lâm sàng.

Về nguyên nhân gây bệnh ở trẻ thì trừ nguyên tố tiên thiên ra, các nguyên nhân khác tương đối đơn thuần như ngoại cảm lục dâm, nội thương và dinh dưỡng… Cơ thể của trẻ đang còn non nớt, sức chống đỡ kém, trẻ chưa biết điều hoà nóng lạnh, ăn bú nên dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, vì đang phát triển nên khả năng tái sinh và phục hồi mạnh hơn người lớn, nguyên nhân gây bệnh ít thác tạp, nếu được chăm sóc chữa trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ hết, cơ thể hồi phục nhanh.

Theo baijiahao.baidu.com
Liên Hoa