Đại Kỷ Nguyên

6 phương pháp đơn giản cải thiện tình trạng táo bón

Táo bón là một hiện tượng của đường tiêu hóa. Tại Việt Nam gần 30% dân số bị bệnh táo bón trong vòng 12 tháng. Nó xảy ra trong cuộc sống thường ngày và ở mọi lứa tuổi làm ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng lao động của mọi người. Để biết thêm thông tin về căn bệnh này mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Táo bón là bệnh gì?

Táo bón là trạng thái đi ngoài phân khô cứng, buồn đi mà không đi được, phải rặn mạnh, thời gian đi lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu, trong điều kiện ăn uống bình thường, người bệnh có thể dễ dàng nhận ra táo bón qua các biểu hiện như ít đi ngoài, đau bụng, đau đầu và đặc biệt là khó nhọc khi đi nhà vệ sinh. Bệnh táo bón trên lâm sàng thấy rất nhiều, nhất là ở người già và người béo. Táo bón lâu ngày thường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh trĩ.

Nguyên nhân gây bệnh táo bón

Có thể chia nguyên nhân gây táo bón thành 2 nhóm chính:

1. Táo bón chức năng: Khi không có tổn thương thực thể ở đại tràng, trực tràng và hậu môn. Dưới đây là các tác nhân thường gặp nhất:

Chế độ ăn ít chất xơ: Chất xơ có nhiều trong các rau củ quả, một số loại chất xơ không bị tiêu hóa sẽ giúp làm phân mềm và không cứng. Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng Việt Nam mỗi người cần 300 – 400g chất xơ trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Thiếu chất xơ trong chế độ ăn thường gặp ở những người có thói quen dùng đồ ăn nhanh, ăn nhiều các loại thịt, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa; người cao tuổi ngại ăn đồ ăn có nhiều chất xơ do không nhai nuốt được dễ dàng.

Chế độ ăn giàu chất xơ sẽ giúp bạn giảm được tình trạng táo bón. (Ảnh: Pixabay)

Thiếu nước: Uống không đủ nước cũng góp phần gây nên táo bón; sử dụng đồ uống có chất kích thích như cà phê, rượu, bia sẽ làm nặng thêm tình trạng táo bón.

Không đúng giờ: Do thói quen không đại tiện đúng giờ giấc, quên đại tiện làm rối loạn phản xạ đi ngoài.

Do nghề nghiệp: Những nghề phải ngồi nhiều ít hoạt động, ảnh hưởng đến sự hoạt động của ruột, làm giảm nhu động ruột sẽ dẫn tới bệnh táo bón.

Do suy nhược: Những người già, suy nhược, mắc bệnh mạn tính phải nằm lâu, làm nhu động ruột và trương lực các cơ thành bụng giảm gây nên táo bón.

Rối loạn tâm thần: Lo lắng, trầm cảm, hoặc stress không để ý đến đại tiện, mất phản xạ đi đại tiện

Những bệnh toàn thân: Tình trạng nhiễm khuẩn sốt nhiều, sau phẫu thuật mất nhiều máu, những nguyên nhân này gây mất nước trong cơ thể do đó làm phân khô và táo.

Do thuốc: Một số thuốc làm giảm nhu động của ruột hoặc làm phân khô lại như thuốc phiện, tanin, thuốc an thần, thuốc có chất sắt.

Thực phẩm: Do sử dụng nhiều thực phẩm chiên, rán, thực phẩm chứa nhiều tanin, dùng nhiều chè và cafe, làm cho niêm mạc ruột bị săn se lại và gây táo bón.

2. Táo bón do tổn thương trong hệ thống tiêu hóa:

Do khối u, polyp: Những khối u, polyp của trực tràng, đại tràng làm phân khó di chuyển khiến phân kết lại gây táo bón. Ngoài ra, có thể đại tiện ra nhầy máu, có thể có bí trung đại tiện.

Hãy cẩn thận với những tổn thương thực thể gây táo bón. (Ảnh: Obovsyom.ru)

Tổn thương bẩm sinh của đại tràng: Bệnh phình đại tràng, giãn đại tràng…

Bệnh trĩ, và nứt hậu môn: Mỗi lần đại tiện rất đau, người bệnh không dám đại tiện, lâu dần gây nên táo bón. Hẹp trực tràng và hậu môn, di chứng của bệnh nhiễm khuẩn vùng hậu môn trực tràng cũng gây nên bệnh táo bón.

Từ ngoài đè vào làm cản trở đại tiện: Phụ nữ có thai, nhất là những tháng cuối, thai to đè vào trực tràng. Khối u vùng tiểu khung. Sau phẫu thuật ổ bụng các dây chằng dính, hay sau viêm xung quanh đại, trực tràng làm co hẹp.

Do não: Tổn thương ở não, màng não gây táo bón do rối loạn thần kinh thực vật.

Chẩn đoán bệnh táo bón

– Người bình thường đi đại tiện từ 1 – 2 lần/ngày, phân mềm đóng thành khuôn, lượng phân từ 200 – 400 g.

– Táo bón là khi 3 ngày trở lên chưa đại tiện hoặc đại tiện dưới 3 lần/tuần, trọng lượng phân ít (dưới 100 g). Phân rắn thành cục, mật độ cứng có thể dính theo máu tươi do cọ xát vào niêm mạc hậu môn, hoặc dính theo những chất nhầy của đại tràng, trực tràng. Người bệnh phải rặn mạnh khi đại tiện. Cảm giác đi không hết phân; vướng, tắc vùng hậu môn.

Điều trị bệnh táo bón

Ăn uống: Sử dụng nhiều rau xanh hàng ngày để bổ sung chất xơ cho đường tiêu hóa giúp làm nhuận tràng, hạn chế thực phẩm giàu béo, hạn chế dầu mỡ, thực phẩm chiên rán, hạn chế dùng chất kích thích như chè, café, bia rượu, chất cay, đắng, nóng. Uống đủ nước hàng ngày.

Vận động: Tránh béo phì, thường xuyên vận động tăng nhu động ruột và giúp tăng cường lưu thông máu.

Sinh hoạt: Tạo thói quen sinh hoạt đúng giờ, trong đó có đi vệ sinh hàng ngày, thành phản xạ có điều kiện.

Xoa bụng trị táo bón: Xoa bóp bụng 1 lần trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng, xoa theo chiều kim đồng hồ khoảng vài phút đó là phương pháp làm tăng nhu động cho hệ tiêu hóa.

Xoa bụng trị táo bón. (Ảnh: LoveTheTeam)

Dùng thuốc nhuận tràng: Người táo bón, hay cao tuổi có thể dùng thuốc nhuận tràng làm mềm phân, hỗ trợ khi không thể đi ngoài trong nhiều ngày. Tuy nhiên, không nên lạm dụng cách này bởi có thể khiến tình trạng táo bón thêm trầm trọng. Hoặc bị phụ thuộc vào thuốc và bị các tác dụng phụ của thuốc (gây tiêu chảy mạn, đại tràng-trực tràng đen…).

Sử dụng thực phẩm chức năng: Hiện nay, sử dụng thực phẩm chức năng để trị táo bón là một trong những ưu tiên của nhiều người bệnh. Rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt người cao tuổi có xu hướng lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc 100% tự nhiên, trị táo bón an toàn. Các sản phẩm như Diếp Cá Vương, PQA Nhuận tràng… hoặc rau diếp cá, khoai lang, lô hội, được coi là giải pháp hữu hiệu giúp giảm nhanh chứng táo bón lâu ngày, chảy máu đau rát.

Ngồi vệ sinh đúng tư thế: Nếu ngồi bồn cầu, tư thế đại tiện đúng nhất là dùng ghế nhỏ kê dưới hai bàn chân sao cho phần bụng và đùi tạo thành một góc 45o. Theo Jacqueline, giáo sư bộ môn tiêu hóa tại trường Đại học Havard, tư thế đó giúp thẳng góc đường ruột, giúp việc đại tiện dễ dàng nhất và hạn chế táo bón.

Tập hít thở bằng bụng: Hãy thực hiện các động tác hít thở bằng bụng, để tăng đàn hồi cơ bụng, tạo sự lưu thông cho hệ thống tuần hoàn của đại tràng.

Phương pháp phòng bệnh táo bón

1. Ăn uống: Để hạn chế bệnh táo bón cần có chế độ ăn uống phù hợp, ăn nhiều chất xơ, nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế sử dụng thực phẩm nhiều chất béo, thực phẩm chiên rán và nhiều dầu mỡ, các chất chua cay và nóng. Hạn chế uống bia rượu và không hút thuốc lá.

2. Uống đủ nước: Hàng ngày người trưởng thành nên dùng từ 1,5 tới 2 lít nước. Kể cả khi không khát cũng phải duy trì uống cho đủ nước.

Uống đủ nước sẽ cải thiện tình trạng táo bón của bạn đáng kể. (Ảnh: Gleauty.com)

3. Hạn chế ngồi lâu, ít vận động: Đối với nhân viên văn phòng nên có thời gian giải lao đứng lên đi lại 5 phút sau1 giờ làm việc. Việc vận động thể lực là hết sức quan trọng để tăng nhu động ruột và các cơ quan nội tạng của cơ thể giúp máu lưu thông và tăng oxy tới các cơ quan như não và tim.

4. Tinh thần: Luôn giữ tâm thái thỏa mái, không nên lo âu và giảm stress trong cuộc sống vì đó là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh táo bón và nhiều bệnh lý khác

5. Thói quen sinh hoạt: Nên tạo ra thói quen trong sinh hoạt như ăn, uống, ngủ nghỉ và đi vệ sinh đúng giờ, sẽ tạo nên phản xạ sinh lý có điều kiện rất tốt cho cơ thể. Không nên nhịn đi đại tiện khi có nhu cầu.

6. Khám sức khỏe định kỳ: Bạn nên có lịch khám sức khỏe định kỳ, căn cứ vào đó để xác định được sức khỏe của cơ thể rồi sau đó có chế độ ăn uống và phòng bệnh cho phù hợp.

Như vậy chỉ cần bạn cải thiện chế độ ăn uống cùng chế độ sinh hoạt của mình, đồng thời điều trị tốt các bệnh thực thể của đại tràng (nếu có) thì có thể sẽ cải thiện được tình trạng táo bón đang gặp phải.

Thái Sơn

Exit mobile version