Sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông và Tây thể hiện rất rõ khi chúng ta nói về ẩm thực. Nguồn gốc văn hóa khác nhau dẫn đến các lối suy nghĩ khác nhau về những gì chúng ta ăn vào và tác động của chúng lên sức khỏe.
Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa hai nền văn hóa trong cách thức chúng ta nhìn nhận về thực phẩm.
1) Thực phẩm tốt và thực phẩm xấu
Trong văn hóa phương Tây, chúng ta thích chia thực phẩm thành loại tốt và loại xấu. Một thập kỷ trước đây chất béo là “kẻ ác”, còn hiện nay lại là carbohydrate và gluten. Khi đó, nguyên nhóm thực phẩm có liên quan bị loại bỏ khỏi bữa ăn một cách thật lạ lùng và thực sự không có lợi cho sức khỏe.
2) Ăn sống và nấu chín
Trong văn hóa Phương Tây, thực phẩm sống là vua, và càng tươi sống càng tốt. Tuy nhiên, theo nguyên lý liệu pháp ẩm thực Trung Hoa thì nó sẽ tốn nhiều năng lượng và khó khăn hơn để cắt nhỏ và tiêu hóa những thực phẩm sống so với những thứ đã được nấu chín. Nếu bạn đang đau ốm, cơ thể bị suy kiệt hoặc đang có vấn đề về tiêu hóa, ăn thực phẩm tươi sống có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của bạn.
Nấu chín thực phẩm là một phương thức hỗ trợ tiêu hóa chúng, và là một cách để thu nhận được nhiều năng lượng hơn từ mỗi bữa ăn, bởi bạn không tốn nhiều năng lượng để nghiền nhỏ những thực phẩm tươi sống và chất xơ.
3) Calo và năng lượng
Nhìn chung, quan điểm của phương Tây là chúng ta nên kiểm soát hay ít nhất là nên để ý đến lượng calo nạp vào người. Tuy nhiên, trong Trung y, bạn nhận năng lượng từ thực phẩm ăn vào, và bạn cần đủ năng lượng để hoạt động. Nói cách khác, calo ở đây là “khí”, hay cũng là năng lượng, và là cần thiết để thực hiện toàn bộ các chức năng bao gồm tiêu hóa, miễn dịch, hồi phục, vận động và điều hòa thân nhiệt…
4) Quá nhiều calo đồng nghĩa với béo…hoặc không
Từ lâu chúng ta đã tin rằng nếu ăn quá nhiều calo thì bạn sẽ trở nên béo, điều đó có thể là đúng.
Tuy nhiên, trong Trung y, nguyên nhân cơ bản gây nên béo phì là một thứ gọi là thấp (ẩm). Nó gây ra bởi việc ăn quá nhiều thực phẩm không tốt và tiêu hóa kém, thấp là sự tích tụ của ẩm, nó tạo thành những “vũng” tại các vị trí khác nhau trong cơ thể.
Phù thũng, nấm ăn chân, phát ban chảy nước, và mô mỡ tất cả đều được coi là do sự tích lũy của thấp.
5) Cách chia nhóm thực phẩm
Các chế độ ăn phương Tây được phân thành nhóm dựa theo cacbonhydrat, chất béo, và đạm. Một cách lý tưởng, chúng ta cố gắng ăn hài hòa các thực phẩm nhóm đó theo tháp dinh dưỡng vốn cũng thường xuyên thay đổi theo các nghiên cứu.
Trong liệu pháp ẩm thực Trung Hoa, thực phẩm được phân theo những tác động và tính nhiệt cố hữu của chúng.
Thực phẩm ăn vào có thể tác động lên cơ thể bạn để hình thành các chất quan trọng như khí hoặc huyết, hay chúng có thể làm tăng cường tuần hoàn hoặc tiêu thũng. Tính nhiệt của một thực phẩm là một cách để mô tác động nhiệt lên cơ thể sau khi tiêu hóa chứ không phải là cảm giác cay hay nóng như thế nào khi ăn, mà đó là cảm giác “nhiệt” hay “hàn” về sau. Ví dụ, gừng và quế được coi là những thực phẩm nóng, trong khi đó bạc hà lại có tác dụng hàn (lạnh)
Trong liệu pháp ẩm thực Trung Hoa, lựa chọn thực phẩm được khuyến cáo là dựa trên tác động của chúng lên cơ thể bạn và dựa trên nhu cầu của bạn.
6) Phụ gia và các chất bảo quản
Nếu đẩy xe mua hàng đi trong các siêu thị ở phương Tây, bạn sẽ thấy hàng dãy, hàng dãy các sản phẩm thực phẩm, nhưng chúng đã bị biến chất vì các loại phụ gia hóa chất đã được bổ sung vào để tăng cường mùi vị và kéo dài hạn sử dụng.
Trong Trung y, một số thực phẩm xấu được coi là căn nguyên của bệnh tật, chúng vốn là các loại đã bị mốc hỏng, tuy nhiên, hiện nay các thực phẩm đã bị biến đổi về thành phần hóa học như trên cũng được xem là thực phẩm phá hoại sức khỏe.
Liệu pháp ẩm thực Trung Hoa có một vài cách đơn giản để giúp bạn ăn uống tốt hơn và hạnh phúc hơn.
Đó là hãy chọn những gì tốt đối với bạn, và đừng để bị cuốn theo những xu hướng tiêu dùng hoặc những quan niệm gàn dở về thực phẩm hay sự phân chia thực phẩm tốt – xấu. Hãy ăn các thực phẩm tự nhiên, nấu chín là chủ yếu, chú ý đến khả năng tiêu hóa của bạn, và thưởng thức những gì bạn ăn.
Tác giả Lynn Jaffee là một chuyên gia châm cứu đã được chứng nhận và là tác giả cuốn sách Simple Steps: The Chinese Way to Better Health (Những bước đơn giản để có sức tốt hơn theo phương thức Trung Hoa). Bài báo được đăng lần đầu trên trang AcupunctureTwinCities.com
Đại Hải biên dịch
Xem thêm: