Đại Kỷ Nguyên

6 sai lầm thường gặp khi sơ cứu

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta không thể tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc gây thương tích, đòi hỏi mọi người cần phải biết những biện pháp sơ  cứu. Tránh những sai sót trong sơ cứu khiến khó khăn cho lành thương sau này.

Tuy nhiên do chưa được đào tạo chính quy nên không phải ai cũng biết cách xử trí ban đầu đúng. Dưới đây là 6 sai lầm thường gặp trong cấp cứu do chuyên gia cấp cứu Nici Singletary, thành viên của Hội đồng cố vấn khoa học hội chữ thập đỏ Hoa Kỳ đưa ra và biện pháp kiến nghị.

Không gắp mảnh vụn nhỏ cắm vào da

Trên thực tế để những mảnh vụn ở trong da càng lâu thì càng khó lấy ra. Chẳng hạn như những mảnh vụn gỗ ở trong da sẽ hấp thu dịch cơ thể, trở nên mềm hơn do đó rất khó để gắp ra.

Biện pháp kiến nghị: Cần dùng nhíp gắp ra, nếu như là mảnh thủy tinh, kim loại, mảnh gỗ to đâm sâu vào da thì cần đến bệnh viện xử trí.

Sai lầm thứ hai: ngửa đầu khi chảy máu mũi

Tuy rằng khi bộ phận nào đó của thân thể bị thương (như mắt cá chân bị sưng) thì nâng bộ phận đó lên là một biện pháp tốt. Nhưng đối với chảy máu mũi thì lại kiêng kị ngửa đầu. Vì khi đó máu sẽ đi qua họng và bị nuốt xuống dạ dày, kích thích dạ dày gây nôn ra máu, làm cho người đó nghĩ rằng bệnh tình nghiêm trọng. Ngay cả khi không nôn mửa thì ngửa đầu cũng không phải là biện pháp sáng suốt: khi này máu chảy qua họng mà không qua lỗ mũi, nên sẽ lầm tưởng rằng máu đã cầm nhưng thực tế có thể vẫn chảy.

Biện pháp kiến nghị: người hơi nghiêng về trước, bịt lỗ mũi khoảng 5-10 phút rồi kiểm tra xem máu có ngừng chảy không. Đối với người dùng thuốc chống đông khi bị chảy máu mũi cần thận trọng và cân nhắc nhập viện, đặc biệt là khi chảy máu 10-15 phút mà không ngừng.

Sai lầm thứ ba: Thoa cồn lên cơ thể để hạ nhiệt khi sốt

Dùng cồn thoa ngoài cơ thể để hạ nhiệt là một cách làm nguy hiểm. Bên cạnh việc có thể khiến trẻ con bị hôn mê do độc tính của cồn, thì cũng gây nguy hiểm tương tự với người lớn. Cồn bay hơi nhanh chóng, khiến da trở nên mát hơn, đó là lý do phương pháp này trở nên phổ biến. Nhưng cồn không ảnh hưởng đến nhiệt độ trung tâm và không làm hạ sốt, ngược lại cồn có thể thẩm thấu qua da và gây ngộ độc.

Biện pháp kiến nghị: nằm nghỉ ngơi và ăn thức ăn lỏng, có thể dùng nước ấm lau người trong trường hợp sốt dưới 38,5 độ C, sốt 38,5 độ C trở lên cần dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Sai lầm thứ tư: Nhỏ nước oxy già lên vết thương hở

Rất nhiều người lúc còn bé khi bị vết cắt trên da hay xây xát do té ngã thì người lớn đều nhanh chóng nhỏ nước oxy già lên, nói rằng trên vết thương nổi lên nhiều bọt trắng là vi khuẩn đang bị tiêu diệt. Thật vậy chăng? Thực ra không phải vậy. Đó là nước oxy già làm tổn thương mô tế bào của cơ thể. Vì vậy trong khi giết vi khuẩn, nước oxy già còn giết hại cả các tế bào khỏe mạnh ở quanh vết thương, do đó làm chậm liền vết thương và dễ tạo sẹo xấu.

Biện pháp kiến nghị: Rửa vết thương bằng xà phòng và dưới vòi nước áp lực từ dòng chảy sẽ loại bỏ vết bẩn và cấu trúc bị tổn thương. Trong khi đó xà phòng giúp tiệt trùng.

Sai lầm thứ năm: bôi mỡ khi bị bỏng

Bất cứ loại mỡ nào cũng đều không thể làm hạ nhiệt độ da bị bỏng, gồm cả mỡ bò, thuốc mỡ vaseline, thuốc mỡ kháng sinh. Khi thoa dầu mỡ lên da nhiệt khó thoát ra hơn nên tổn thương sẽ càng nghiêm trọng.

Biện pháp kiến nghị: Rửa dưới vòi nước lạnh, nhưng không chỉ 30s mà phải trong 20 phút để thực sự trị vết bỏng. Sau đó giữ cho khô ráo, không cần bôi thuốc mỡ, cũng không cần băng bó lại. Có thể dùng màng bọc thực phẩm bọc lên vết thương.

Sai lầm thứ 6: Dùng ngón tay để lấy dị vật trong mắt ra

Khi gió nổi lên, bụi bay vào mắt, bản năng của con người là sẽ dụi mắt. Thực tế nhiều người đều biết rằng dụi mắt lúc này chỉ khiến dị vật di chuyển tới lui, làm tổn thương nhãn cầu. Chọc tay vào đẩy bụi ra cũng rất không tốt vì ngón tay là một trong những nơi bẩn nhất cơ thể, có thể dễ dàng gây nhiễm trùng mắt.

Biện pháp kiến nghị: Rửa dưới vòi nước hoặc nước muối cho đến khi cảm thấy hết dị vật. Còn nếu bạn đột nhiên bị phun hóa chất làm sạch vào mắt thì sao? Bạn cần nghiêng đầu sao cho mắt bị phun nằm ở dưới và rửa dưới vòi nước 15 phút, như vậy hóa chất sẽ không vào mắt kia. Nếu cần thiết thì phải đến các cơ sở y tế để kiểm tra xem hóa chất phun vào mắt là gì, có cần phải áp dụng các biện pháp y tế hay không.

Theo prevention

Đại Hải

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe của ĐKN nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version