Ung thư là căn bệnh đề cập đến ai cũng sợ hãi tới biến sắc. Tỉ lệ ung thư gia tăng nhanh chóng và trẻ hóa về độ tuổi như các loại ung thư phổi, dạ dày, thực quản, gan… Điều này khiến cho mọi người thường xuyên muốn tìm hiểu nguồn gây bệnh để có thể tự phòng ngừa.
Dưới đây là một vài thói quen trong cuộc sống mà ta thường bỏ qua đang ‘nuôi dưỡng’ tế bào ung thư, bạn nên biết để bảo vệ bản thân mình.
1. Thường xuyên uống các loại nước có ga
Uống một cốc 237ml đồ uống có ga mỗi ngày sẽ khiến các tế bào miễn dịch bị lão hóa thêm 2 năm. Một nghiên cứu cho biết, uống 300ml nước có ga mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở đàn ông lên 40%. Công trình nghiên cứu do các nhà khoa học Thụy Điển tiến hành, được công bố trên Tạp chí dinh dưỡng lâm sàng của Mỹ đã theo dõi sức khỏe của hơn 8.000 nam giới tuổi từ 45 – 73 trong khoảng thời gian 15 năm. Khi công trình nghiên cứu bắt đầu, tất cả những người này đều khỏe mạnh và được các nhà khoa học tìm hiểu về sở thích ăn uống. Đến giai đoạn kết thúc, họ nhận thấy rằng những người uống nhiều nước ngọt có ga hầu hết đều được chẩn đoán là có thể mắc ung thư tuyến tiền liệt. Theo các nhà khoa học, đường trong thức uống buộc phải giải phóng ra insulin, là chất nuôi dưỡng các khối u. Do đó, khi khát, tốt nhất nên chọn nước đun sôi hoặc trà không đường.
2. Ăn thức ăn nhiều muối
Muối dường như là gia vị “nguy hiểm” nhất. Ăn mặn có thể gây tổn thương mãn tính cho niêm mạc dạ dày. Tiêu thụ lượng muối quá mức gây ra môi trường áp suất thẩm thấu cao, từ đó làm tổn thương niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng lâu dài có thể dẫn đến viêm dạ dày, co thắt nghiêm trọng. Thực phẩm nhiều muối chứa một lượng lớn nitrat, được chuyển hóa thành nitrit bởi vi khuẩn trong dạ dày, sau đó kết hợp với các amin trong thực phẩm để tạo thành ammonium nitrite, có khả năng gây ung thư cao. Nghiên cứu thống kê cho thấy, người tiêu thụ muối quá mức trong thời gian dài thường có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày và tử vong tương đối cao.
3. Ăn nhiều thịt
Có nhiều loại ung thư xuất hiện là do chế độ ăn uống. Thích ăn thịt, ít ăn trái cây và rau quả có thể sẽ dẫn tới hấp thu quá lượng protein và chất béo, làm giảm tốc độ vận động của đường tiêu hóa, phân hủy thức ăn chậm hơn, lưu lại trong đường ruột lâu hơn, dẫn đến khó đại tiện và loại bỏ độc tố trong cơ thể. Lâu dài dễ gây ung thư đường ruột, cũng sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.
4. Hút thuốc
Hút thuốc không có tác dụng gì tốt với sức khỏe và là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư. Thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hóa chất trong đó ít nhất 60 loại chất được biết trực tiếp gây ung thư. Chất chính gây ung thư trong thuốc lá chính là hắc ín, nó có thể trực tiếp gây ung thư phổi, khoang miệng, vòm họng, thực quản, bàng quang. Ung thư gián tiếp bao gồm ung thư máu, dạ dày, gan, thận, đại tràng, tuyến tụy, cổ tử cung. Những người hút thuốc lá nhiều có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 17 lần so với những người không hút. Tại Hoa Kỳ, thậm chí gần 50% bệnh nhân ung thư chết vì hút thuốc.
5. Ăn đồ quá nóng
Nhiều người có thói quen ăn các món ăn vẫn đang nóng. Thực ra thói quen này không tốt, bởi nó là một yếu tố chủ yếu dẫn đến nguy cơ bị ung thư thực quản. Nếu ăn quá nóng sẽ gây tổn thương niêm mạc thực quản. Khi các tế bào niêm mạc trong khoang miệng bị tổn thương nhiều lần, rất dễ gây ra ung thư. Thực phẩm quá nóng thường đi vào thực quản mà không nhai, có thể làm bỏng, loét thậm chí chảy máu thực quản. Khi niêm mạc dạ dày bị bỏng và dịch tiêu hóa trong dạ dày liên tục tiết ra sẽ dễ bị viêm, loét, đau dạ dày…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tìm ra bằng chứng đồ uống nóng tăng nguy cơ ung thư thực quản, do tổn thương mô ở nhiệt độ cao khiến các tế bào bị ảnh hưởng, dẫn tới ung thư. Các nhà khoa học khuyến cáo nhiệt độ an toàn cho đồ uống là dưới 65 độ C.
6. Thức đêm
Nhiều yếu tố miễn dịch trong cơ thể được hình thành trong giấc ngủ, khi chúng ta thức suốt đêm dài sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, mệt mỏi, thiếu năng lượng, cảm lạnh, dị ứng phát sinh bất ngờ. Hệ thống miễn dịch là rào cản tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh ung thư, khi giảm khả năng miễn dịch sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Một số nghiên cứu đã khẳng định, thức khuya sẽ thúc đẩy khả năng gây ra ung thư vú, ung thư ruột kết và các bệnh lây nhiễm.
Phó giáo sư, nhà sinh vật học thuộc Đại học Công nghệ Virginia – ông Finkielstein và cộng sự đã có công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa sự phát triển của bệnh ung thư vú và đồng hồ sinh học, đặc biệt là tần suất mắc bệnh ung thư vú của những y tá và tiếp viên hàng không, những người phải làm việc suốt đêm. Theo kết quả nghiên cứu trên tạp chí Molecular Biology: Điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ của cơ thể hay nhịp sinh học điều độ sẽ giúp các protein làm việc tốt, và có thể bảo vệ con người tránh khỏi các bệnh ung thư.
Loại protein gọi là ‘human period 2’, nó không thể hoạt động tốt khi các yếu tố môi trường bị thay đổi, bao gồm nhịp độ giấc ngủ. Trong tình trạng thông thường, protein human period 2 sẽ tương tác trực tiếp với protein ức chế các khối u, giúp khống chế sự phân tách của các tế bào ung thư. Thế nhưng do sự đột biến hoặc trong trường hợp biến đổi nào đó, protein human period 2 mất tác dụng và không thể hoàn thành chức năng phòng chống sự phân tách (phát triển) của các tế bào ung thư.
Kiên Định
Theo: Secretchina
Video hay