Đại Kỷ Nguyên

7 cách chữa bệnh công hiệu của cây hoa thiên lý

Từ lâu, hoa thiên lý đã được biết đến là món ăn dân giã, quen thuộc của người dân Việt. Không những vậy, hầu như toàn thân còn trở thành vị thuốc hay có nhiều công dụng hỗ trợ sức khoẻ.

Cây thiên lý còn gọi là cây hoa lý, tên khoa học là Telosma cordata, họ Thiên lý Asclepiadoceae. Thiên lý là cây dây leo, được trồng thành già, lá của nó mọc đối, gốc hình tim, có màu xanh lục bóng. Vào mùa hè mới thấy hoa mọc thành xim dạng tán ở nách lá, màu vàng lục nhạt, quả hạt dài.

Trước đây, cây được trồng chủ yếu ở miền Bắc nhưng sau đó đã lan rộng ra khắp nước ta. Ngoài ra, nó còn có mặt ở nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Malayxia, Trung Quốc, Philippin… một số nước châu Âu và châu Mỹ. Trên đảo Hawaii, thiên lý có tên là pakalana, tên thổ ngữ là lei. Loài hoa này được người dân ưa chuộng vì hương thơm dịu nhẹ, tuy nhiên không được dùng như một món ăn mà là để kết thành tràng hoa đeo cổ trong các mùa lễ hội.

(Ảnh: littleGARDENS)

Đối với Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt tính bình; công năng giúp giải nhiệt, an thần; tư bổ tâm, thận; chủ trị rôm sảy mùa hè, mất ngủ, giảm tiểu đêm, có tính chống viêm, thúc đẩy nhanh lên da non, bệnh trĩ, đinh nhọt, hoặc mắc giun kim… Sau đây là một số công dụng của cây thiên lý:

1. Dùng cho người bị trĩ, sa dạ con

Theo một công bố của Bệnh viện Thái Bình (đăng trên Y học thực hành tháng 5- 1962) đã dùng lá thiên lý chữa một số trường hợp trĩ, sa dạ con có kết quả.

Chữa trĩ

Lá thiên lý (bánh tẻ) 100g, muối ăn 5g, rửa sạch giã nhỏ với muối, thêm khoảng 30ml nước cất, lọc qua vải gạc. Dùng nước này tẩm vào gạc đắp vào chỗ lòi dom đã rửa sạch bằng thuốc tím. Băng như đóng khố. Ngày làm một hoặc hai lần, trong vòng 3-4 ngày. Có thể chế thành thuốc mỡ (dùng vaselin 50g, lanolin 40g dung dịch thiên lý nói trên 10ml trộn đều).

(Ảnh: Infonet)

Chữa sa dạ con

Cũng dùng như trên. Có thể kết hợp với uống 3 đến 4 bát nước lá thiên lý tươi, hoặc nấu canh ăn trực tiếp để tăng hiệu quả. Thường 3-4 hôm thì thấy kết quả. Trong báo cáo cho biết đã dùng điều trị 9 trường hợp thì 8 trường hợp nhẹ khỏi, 1 trường hợp sa dạ con trên 6 tháng không khỏi. 

2. Chữa mất ngủ

Lấy 30 g hoa thiên lý, 10 g hoa nhài, 15 g tâm sen sao vàng. Các vị trên sắc kỹ lấy nước uống trong ngày. Dùng trong vòng 3-5 ngày.

Đối với người mất ngủ thường xuyên: Có thể dùng hoa thiên lý, lá vông nem, mỗi vị 30 – 50g, rửa sạch thái nhỏ nấu canh, nêm gia vị vừa đủ. Nấu ăn trong 4 – 7 ngày.

3. Phòng, trị rôm sảy

Mùa hè nắng nóng, dễ phát sinh rôm sảy. Hoa thiên lý tính mát, tác dụng thanh nhiệt nên dùng tốt trong trường hợp này. Cách dùng khá đơn giản: Trẻ lớn và người lớn ăn canh hoa thiên lý, lá thiên lý non; còn trẻ ăn dặm có thể nghiền lá non và hoa thiên lý, quấy bột hoặc cháo cho trẻ ăn ngày 1 lần.

Ảnh: m.chiecthiavang.com

4. Trị giun kim

Hoa thiên lý 30g, rau sam 20g, lá đinh lăng 25g. Tất cả rửa sạch, sao khô, sắc lấy nước uống, 3 lần/ngày, uống trong vòng 3 ngày. Hoặc lấy lá thiên lý non nấu canh cho trẻ ăn liền từ 7 – 10 ngày sẽ hiệu quả.

5. Hỗ trợ cơ thể suy nhược, hoa mắt, chóng mặt

Hoa thiên lý 10g, rau má 8g, lá đinh lăng 8g, bạch cúc 10g, ngải cứu 12 g. Sắc thuốc uống trong ngày chia 3 lần, sau ăn, liên tục từ 3-5 ngày.

6. Chữa tiểu buốt

Rễ thiên lý 10 – 20g, sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày. Uống trong 5 ngày.

7. Chữa mụn nhọt

Lá thiên lý 30 – 50g, giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, ngày 1 lần, vài ba ngày sẽ khỏi.

Ảnh: ameblo.jp

Như vậy, tác dụng trị bệnh của thiên lý có thể áp dụng cho nhiều trường hợp như trên. Không những vậy hoa thiên lý cũng chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể. Trong bảng “Thành phần hoá học thức ăn Việt Nam” của Bộ Y tế, với 100g hoa thiên lý chứa 2,9g chất đạm; 2,8g bột đường; 3g chất xơ; 52mg canxi; 53mg phospho; 1,2mg sắt; 1,17mg caroten (tiền vitamin A); 0,19mg vitamin B1; 1,1mg vitamin PP và 45mg vitamin C.

Ngoài ra, người ta còn tìm thấy hoạt chất alkaloid (có tác dụng an thần và là một chất độc đối với hệ thần kinh nếu không sử dụng đúng liều lượng) có mặt trong cây. Nhưng chất này chỉ xuất hiện chủ yếu ở lá già và thân dây. Do đó, bạn vẫn có thể thưởng thức hoa và lá non trong vòng an toàn.

Mộc Chi

Exit mobile version