Đại Kỷ Nguyên

7 lần mổ lấy đi gần hết phổi, tưởng chỉ sống 2 năm nhưng ông thọ thêm 50 năm. Bí quyết thật bất ngờ

Khi các bác sỹ bất lực trước bệnh tình của bạn, điều đó không có nghĩa là trên thế gian này không còn phương cách… Có thể chính bạn mới là người tìm ra bí quyết dưỡng sinh và trường thọ cho riêng mình.

Với những gì “còn sót” lại sau 7 lần phẫu thuật để chống chọi lại căn bệnh lao phổi, các bác sỹ người Pháp tiên liệu ông chỉ có thể sống thêm được 2 năm nữa. Tuy nhiên ông đã vượt qua nghịch cảnh, sống khỏe mạnh đồng thời tích cực làm việc, để lại nhiều công trình nghiên cứu…

Người nổi tiếng đó chính là BS Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997), một nhà nghiên cứu y học nổi tiếng quê ở Hà Tĩnh. Trong quá trình du học và làm việc tại Pháp, ông chẩn đoán bị lao nặng vào năm 1942 và phải nằm điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble (Pháp).

BS. Nguyễn Khắc Viện

Thời đó y khoa còn hạn chế, bệnh lao phổi chưa có thuốc chữa khỏi. Trong vòng 6 năm điều trị bệnh (từ 1943 – 1948), ông phải trải qua nhiều ca phẫu thuật điều trị lao phổi gồm có 7 lần mổ, cắt bỏ 8 xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và 1/3 lá phổi bên trái.
Lúc này, dung tích thở trong phổi của ông chỉ còn 1 lít, đây là dung tích thở của một người rất yếu. Theo các bác sỹ người Pháp, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện chỉ còn sống được khoảng 2 năm nữa.

Tuy nhiên, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện không chấp nhận nằm chờ chết. Ông đã nghiên cứu nhiều tài liệu và tìm ra phương pháp hít thở đúng cách để tự chữa bệnh cho mình. Kết quả ông đã sống thêm được 50 năm nữa, hưởng thọ 85 tuổi.
Điều đã làm nên kỳ tích của BS Nguyễn Khắc Viện chính là việc kiên trì tập luyện hít thở đúng cách. Phương pháp thở được ông đúc rút trong bài vè 12 câu như sau:

“Thót bụng thở ra,
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động,
Chân tay thả lỏng,
Êm chậm sâu đều,
Tập trung theo dõi,
Luồng ra luồng vào,
Bình thường qua mũi,
Khi gấp qua mồm,
Đứng ngồi hay nằm,
Ở đâu cũng được,
Lúc nào cũng được”.

Bạn đã thở đúng cách?

Một người bình thường có thể nhịn ăn 3 tuần, nhịn uống 3 ngày nhưng chỉ nhịn thở được có 3 phút. (Ảnh: Internet)

Cách thở bẩm sinh và đúng bản năng của chúng ta phải là thở sâu hay còn gọi là thở bụng.
Khi quan sát trẻ sơ sinh 1 – 2 tháng tuổi nằm ngủ sẽ thấy bụng các bé phình ra và thóp vào theo nhịp thở. Khi lớn lên, bé bị ảnh hưởng cách thở của người lớn, phản xạ thở bụng bị thay đổi qua năm tháng và thay vào đó là thở ngực, như cách thở mà hầu hết người hiện đại đang có.
Hít thở nhanh và nông không sử dụng được hết dung tích của phổi, khiến tế bào thiếu dưỡng khí, hàm lượng CO2 và các chất độc trong máu tăng lên, hàm lượng oxi giảm xuống… Nếu duy trì trong thời gian dài dẫn đến cơ thể thiếu oxy gây choáng đầu và bệnh chứng thiếu dưỡng khí, cứ thế kéo dài sẽ gây “bệnh thiếu dưỡng khí mãn tính”.

Thiếu dưỡng khí khiến cơ thể cảm giác mệt mỏi kinh niên, mất tập trung, ghi nhớ kém, đau đầu chóng mặt, cơ bắp bải hoải… lâu ngày suy kiệt tinh khí, phát sinh nhiều trọng bệnh.

Cách thở bụng

Cách thở đúng là nên thở chậm và dài, giúp phổi trao đổi khí tốt nhất. Thở ra hít vào đều và sâu làm cho thân tâm hợp nhất, giống như những gì bác sỹ Nguyễn Khắc Viện đã chỉ ra trong bài vè ở trên. Như vậy sẽ giúp đưa được tối đa lượng oxy hữu ích vào cơ thể và tống được tối đa lượng khí CO2 ra, giảm bớt khối không khí độc trong đáy phổi.
Làm được điều này tức là chính là bạn đang tích cực mang thêm dưỡng khí đến cho cơ thể, giúp tăng cường chuyển hóa máu đen thành máu đỏ. Không chỉ vậy, việc tập thở chủ yếu vận dụng cơ hoành để tác động đến các cơ quan khác như các bộ phận trong ngực và bụng gồm tim phổi, gan, dạ dày, ruột, các nội tạng khác. Thở sâu còn giúp tác động đến đến cả sườn, lồng ngực, cột sống, xương ức và các bộ phận cơ mềm ở ngực và ở bụng.

Khoa học đã chứng minh hít thở lâu giúp tăng cường trí não, nhớ lâu và nhanh (Ảnh: Internet)

Dùng cách hít thở bụng sâu và dài để nâng cao năng lực trao đổi khí và phát huy tác dụng của thần kinh phó giao cảm, cải thiện tình trạng cơ thể thiếu dưỡng khí, giúp đầu óc tỉnh táo minh mẫn, nâng cao hiệu quả làm việc, cải thiện trí nhớ và giúp cơ thể khỏe mạnh.

Minh Thành t/h

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version