Bệnh viện Quân Dân Y huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đang điều trị cho 7 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn cá chình biển.  

VOV đưa tin, ngày 27/5, các nạn nhân nhập viện trong tình trạng tê môi, yếu liệt tay chân và tiêu chảy.

Trước đó, tối 26/5, cả 7 người đều ăn cơm với cá chình chế biến tại nhà. Khoảng 0h ngày 27/5, 6 người có triệu chứng tê môi, yếu liệt tay chân và tiêu chảy, được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sáng cùng ngày, thêm một thanh niên khác cũng nhập viện trong tình trạng tương tự.

7 người ở Bình Thuận phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc cá chình
Các bệnh nhân tại bệnh viện Quân Dân Y huyện đảo Phú Quý ngày 27/5. (Ảnh: VOV)

Các bác sĩ đã cấp cứu, giải độc cho bệnh nhân. Hiện, sức khỏe của 7 người đang hồi phục tích cực.

Bác sĩ Dương Tín Phúc (Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Dân Y huyện đảo Phú Quý) cho biết, đây là hiện tượng lạ, chưa từng xảy ra trên địa bàn. Trước đây, tỉnh Bình Thuận chỉ ghi nhận các trường hợp bị ngộ độc do ăn phải cá nóc hoặc bạch tuộc đốm xanh, một vài trường hợp do cá hồng chuối câu từ vùng biển Trường Sa.

7 người ở Bình Thuận phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc cá chình
Cá chình biển. (Ảnh: VOV)

Bác sĩ Phúc thông tin thêm, cá chình là loài cá ăn thịt, có khả năng đã ăn phải cá nóc hoặc bạch tuộc đốm xanh. Ruột cá chình làm không sạch, chứa độc tố hoặc đã bị phân hủy nên gây ra tình trạng trên.

Trước đó, ngày 23/5, Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) đã điều trị cho nữ bệnh nhân (25 tuổi, Đồng Nai) bị sốc phản vệ, phổi bị tổn thương nặng, trụy tim mạch, không thể tự thở do ăn cá ngừ.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thận trọng khi ăn các loại hải sản bởi protein lạ trong cá, mực, tôm… có thể gây dị ứng. Nếu không được cấp cứu, xử lý kịp thời có thể gây tử vong.

H.H