Chỉ trong vòng một năm, 5 người trong gia đình đi khám và cùng phát hiện mang trong mình căn bệnh ung thư đại trực tràng. Trước đó, 2 người trong gia đình đã mất vì căn bệnh này.
7 anh em chung 1 bệnh
Bệnh nhân Phạm Duy Vinh, Hải Dương được chẩn đoán ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, do phát hiện sớm nên tổn thương ung thư ở giai đoạn đầu khiến việc điều trị dễ dàng hơn.
Cuối năm 2017, khi thấy có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài ra máu nhiều lần, anh Vinh đi khám tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Kết quả, anh được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư đại tràng góc lách, cần tiến hành phẫu thuật.
Do hoàn cảnh khó khăn, anh từ chối điều trị. Được gia đình động viên, anh Vinh đã đồng ý lên Bệnh viện K Trung ương nhập viện. Tại đây, anh được bác sĩ tiến hành phẫu thuật mở loại bỏ khối u có kích thước 1x2cm. Một ngày sau phẫu thuật, bệnh tình chuyển biến tích cực hơn anh Vinh được chuyển về khoa Ngoại bụng 2 để tiếp tục quá trình điều trị.
Anh Vinh sinh ra trong gia đình có 9 người. Đến nay 7 người anh, chị em của anh đang sống chung với căn bệnh ung thư đại trực tràng, chỉ còn duy nhất 2 người em út chưa phát hiện có dấu hiệu. Trước đó, người mẹ và anh cả của anh đã qua đời do căn bệnh này. 5 người anh chị em còn lại cũng đang được điều trị và tái khám tại bệnh viện K.
Ung thư đại trực tràng có yếu tố gia đình
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư đại trực tràng như người mắc hội chứng đa polyp tuyến, bệnh Crohn, bệnh viêm ruột mạn tính, viêm loét đại tràng không được điều trị triệt để, yếu tố di truyền của gia đình…
Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều cho biết, ung thư đại trực tràng mang yếu tố gia đình rất ít, tại bệnh viện K từng gặp 2-3 gia đình có người cùng mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên con số chỉ dừng lại ở 3- 4 người trong gia đình mắc bệnh.
Trường hợp của gia đình anh Vinh có đến 7 người cùng mắc bệnh là do mắc hội chứng đa polyp gia đình hay còn gọi hội chứng FAP – hội chứng điển hình có tính chất gia đình do đột biến gen APC.
Gen APC có thể chuyển từ bố mẹ, sang con. Đây là một loại gen có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến chiếm 1% ung thư đại trực tràng.
Tiến sĩ Bình khuyến cáo, những người trong gia đình có anh, chị, em, cha, mẹ bị đa polyp nên nội soi đại trực tràng ống mềm để bác sĩ đánh giá toàn bộ khung đại trực tràng cũng như có thể điều trị sớm bệnh. Ngoài ra, khi xuất hiện các triệu chứng như thay đổi thói quen đại tiện, đi ngoài ra máu, người bệnh cũng nên chủ động tới bệnh viện kiểm tra hoặc làm xét nghiệm phát hiện ung thư đại trực tràng.
Dấu hiệu bệnh ung thư đại trực tràng Ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển nặng hơn người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng cụ thể như: – Táo bón: Nếu đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần, bạn đã mắc chứng táo bón. Chứng này được sinh ra khi bạn thay đổi chế độ ăn uống hoặc luyện tập hàng ngày, đồng thời cũng là sự cảnh báo cho bệnh ung thư đại trực tràng đang xâm lấn cơ thể bạn. Dấu hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu của các vấn đề về đường tiêu hóa khác. Do đó, nhiều người chủ quan cho tới khi phát hiện bệnh. – Co thắt dạ dày: Khi khối u phát triển trong ruột chúng có thể chặn đường đi và gây ra những cơn đau co thắt ở dạ dày. Mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào sự phát triển của bệnh. Nếu những cơn co thắt đó đi kèm cảm giác đau thì có thể khối u đã đi chọc vào thành ruột và hình thành nên bệnh ung thư đại trực tràng một cách nghiêm trọng. – Đi ngoài ra máu: Khi phân đi qua khối u không chỉ làm cho chúng thay đổi về kích cỡ mà chúng còn gây nên hiện tượng chảy máu. Do vậy mà đi ngoài ra máu cũng là một trong những triệu chứng nghiêm trọng của ung thư đại trực tràng. – Ngoài ra, triệu chứng ung thư còn kèm theo rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài ra máu, phân lỏng, phân nhỏ… Ở giai đoạn muộn, triệu chứng này còn đi kèm với các biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, sút cân… |
Dương Uyên