Đại Kỷ Nguyên

7 thủ phạm gây ung thư hay bị “lọt lưới” và đang ở ngay trong nhà bạn

Để giữ gìn sức khỏe, mọi người đều chú trọng đến ăn uống mà bỏ sót nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Chúng là những vật dụng hàng ngày đang ở ngay trong bạn, âm thầm phát tán các chất độc hại gây ung thư, vô sinh, dị tật bẩm sinh…

Sau đây là 7 trong số những loại sản phẩm phổ biến nhất . Hãy xem trong nhà bạn có chúng hay không…

1. Nước thơm xịt phòng

Nhiều gia đình dùng nước xịt phòng, nhưng đây lại thường là mảnh đất màu mỡ của các loại chất độc hại. Theo Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC, Mỹ), hầu hết các loại nước xịt phòng có chứa phthalates, là một trong những loại chất gây trở ngại cho việc sản xuất hoóc-môn nam. Chúng cũng chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có thể gây ung thư khác, có khả năng gây ra vô sinh, không tốt tới hệ hô hấp và khả năng tái tạo tế bào. Các loại nước thơm dùng xịt trong xe hơi, nhà vệ sinh… cũng có vấn đề tương tự.

(ảnh qua Business Insider)

Các chất tạo hương nhân tạo nhanh chóng che lấp đi một số mùi khó chịu, khiến người ta có cảm giác sạch sẽ nhưng thực ra nguồn gốc sinh ra nó (vi khuẩn, nấm, ám khói thuốc lá…) vẫn còn nguyên đó. Thay vì dùng nước xịt phòng thương mại thông thường, hãy dùng các loại tinh dầu từ thiên nhiên, có thể dùng cho da hay đi vào không khí thông qua một bộ tản.

2. Nến

(Ảnh minh họa: Internet)

Theo Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (Mỹ) cho thấy, gần một nửa số nến thơm trên thị trường có chứa chì trong bấc, chúng sẽ phát tán vào trong không khí khi bị đốt cháy. Dây chì này làm bấc cứng cáp, nhưng cũng gây ra sự rối loạn hoóc-môn, rối loạn hành vi và các vấn đề sức khỏe khác. Các loại nến thường được làm từ sáp paraffin có nguồn gốc từ dầu mỏ, khi bị đốt cháy sẽ tạo ra hai hợp chất có độc tính cao là benzen và toluene, cả hai đều là chất gây ung thư.

Nhiều chuyên gia so sánh việc đốt nến trong phòng cũng giống như là có một chiếc xe máy nổ xình xịch trong đó, các chất thải ra cũng độc hại không kém. Chất làm thơm nhân tạo và thuốc nhuộm cũng có trong nhiều loại nến thơm và khi bị đốt cháy chúng sẽ bốc hơi và kết lại trong phổi của bạn.

3. Dầu gội đầu,  sản phẩm dưỡng tóc, mỹ phẩm

Nhiều nhà sản xuất lạm dụng hóa chất độc hại trong nước gội đầu (Ảnh minh họa: Internet)

Thời gian gần đây, độc tố trong mỹ phẩm trở thành mối quan tâm lớn. Nhiều sản phẩm mỹ phẩm, gồm cả một số nhãn hiệu ghi “tự nhiên” hay “hữu cơ” – có chứa các thành phần như sodium lauryl sulfate vốn là chất gây kích thích da và ô nhiễm môi sinh, nó có thể tạo ra các sản phẩm phụ gây ung thư khi sử dụng. Các chất phụ gia gây ung thư khác thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc tóc bao gồm polyethylene glycol (PEG) và cocamide DEA.

Để sản xuất ra những loại nước hoa độc đáo, các nhà sản xuất đã phải làm rất nhiều thử nghiệm pha chế. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, ẩn sau những mùi quyến rũ đó có cả hàng nghìn hóa chất tổng hợp độc hại, loại nào càng đặc biệt thì dường như mức độ độc cũng tăng lên. Chúng có thể gây ra cho người dùng nhiều triệu chứng ngắn và dài hạn phức tạp, như dị ứng, rối loạn hô hấp, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn và gây bệnh sương mù não…

4. Chất khử mùi, chống ra mồ hôi

Hàng triệu người sử dụng các sản phẩm này hàng ngày để che đi mùi hôi cơ thể và giảm bớt mồ hôi. Nhưng chất khử mùi, chống mồ hôi không phải là giải pháp tốt gì nếu bạn muốn tránh các hóa chất như muối nhôm, chất có thể hấp thụ trực tiếp vào da và thúc đẩy sự hình thành ung thư vú. Các loại muối nhôm từ chất chống mồ hôi cũng được cho là thành phần góp phần gây nên các bệnh về não như Alzheirmer.

Một chất phụ gia độc hại khác trong sản phẩm khử mùi, chống mồ hôi là paraben, được dùng như một chất bảo quản. Nó giống estrogen trong cơ thể người, có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng của các tế bào ung thư, và cũng liên quan đến các tổn thương đường tiêu hóa, gây buồn nôn, suy yếu hệ thần kinh trung ương…

5. Chai, hộp nhựa

Chai và hộp nhựa thường chứa bisphenol A (BPA), một loại phthalate và hóa chất giống estrogen ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây bệnh tim mạch và ung thư. Diethylhexyl adipate (DEHA) – một hóa chất dùng để làm cho chai nhựa mềm, dẻo hơn cũng gây nguy cơ ung thư cao. Rồi các túi nilon đi chợ hàng ngày, loại càng màu mè thì càng có nguy cơ độc hại cao vì chúng được làm từ nhựa tái chế cùng với nhiều chất phụ gia khác.

Đồ nhựa đựng các thực phẩm chua, kiềm hoặc dầu mỡ và các thực phẩm còn nóng là điều tối kỵ.

6. Sản phẩm gỗ ép

(Ảnh minh họa: Internet)

Các sản phẩm loại này thật tiện lợi và giá cả tốt, nhưng trong quá trình sản xuất gỗ công nghiệp, nhà sản xuất bắt buộc phải dùng đến một loại keo dán gỗ có chứa chất formaldehyde là một chất hóa học rất nguy hiểm cho sức khỏe. Khi mở một ngăn tủ mới, người sử dụng thường thấy mùi hôi, hắc xộc lên mũi, thậm chí bị ho, chảy nước mắt, đó chính là do tác động của formaldehyde. Chất này gây hại lên da, phá hoại đường hô hấp, gây ung thư  họng, phổi…

7. Băng phiến (viên long não)

Băng phiến (còn gọi là viên long não) được nhiều gia đình và trong các khách sạn để đuổi côn trùng, gián, mối mọt, rận rệp phá hoại quần áo… Nhưng khi côn trùng chạy đi thì cũng là lúc sức khỏe của bạn bốc hơi đi theo. Băng phiến thường có 2 loại, một loại được sản xuất từ hóa chất Napthalen, điều chế từ than đá hoặc từ quá trình tinh chế dầu hỏa, một được làm từ hóa chất Diclorobenzene. Cho dù là loại nào thì đều gây độc thần kinh, viêm đường hô hấp, nguy cơ thiếu máu và ung thư.

Danh sách các “sát thủ dấu mặt” sẽ còn dài, có cái đã được nghiên cứu xác nhận nhưng cũng có cái chưa được phát hiện ra, nhưng gom chung lại thì thường là sác sản phẩm phi tự nhiên, các sản phẩm sử dụng nhiều hóa chất công nghiệp, thậm chí một số sản phẩm công nghệ cao như điện thoại cảm ứng, thiết bị phát Wifi, lò vi sóng… Tránh hết tất cả là điều không thể nhưng chúng ta hạn chế được chút nào thì an toàn thêm chút đó, nguy cơ bệnh tật theo đó mà giảm đi.

Kiên Thành

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version