Đại Kỷ Nguyên

7 thực phẩm gây hại dạ dày, cần đặc biệt lưu ý khi ăn

Đồ chiên xào, cay nóng, nước có ga, socola… có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa, tiêu diệt vi khuẩn đường ruột tốt, gây viêm loét dạ dày.

Dưới đây là những thực phẩm mọi người không nên ăn nhiều, đặc biệt người bệnh dạ dày:

Táo

Ảnh minh họa.

Táo là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn nhiều cũng không có lợi cho đường ruột. Trong táo chứa nhiều chất fructose, một dạng của carbohydrate, nếu ăn nhiều có thể gây khó chịu dạ dày. Ngoài ra, Lê cũng chứa nhiều fructose và polyol, mọi người cần lưu ý khi ăn tránh gây hại dạ dày.

Dưa hấu

Với thành phần gồm 3 carbohydrate là oligosaccharides, fructose và polyol (rượu đường) ăn nhiều dưa hấu có thể gây kích thích đường ruột.

Đồ chiên rán

Những người bị đau dạ dày nên hạn chế các loại thực phẩm chiên. Các loại thực phẩm này luôn chứa nhiều chất béo có thể gây tiêu chảy.

Hành tây chưa nấu chín

Hành tây có chứa các chất dinh dưỡng phong phú, giúp bảo vệ tim cho cơ thể con người. Tuy nhiên, ăn hành tây sống cũng có thể gây đau bụng. Bạn nên nấu chín hành tây để loại bỏ một số chất độc hại.

Socola

Ăn nhiều socola có thể thể gây ra hiện tượng chảy ngược của dịch vị trong dạ dày. Bởi socola khi xuống đến thực quản sẽ làm giãn cơ vòng, làm trào ngược axit, kích thích thực quản và họng.

Nước cam

Nước cam ép có tính axit có thể làm nhiễu loạn đường tiêu hóa và kích thích các dây thần kinh nhạy cảm.

Bên cạnh đó, nước chanh cũng có thể gây tiêu chảy ở các bệnh nhân bị bệnh đường ruột, đau dạ dày.

Thực phẩm, gia vị cay nóng

Các chất cay nóng này kích thích tăng cảm giác đau, rát tại vị trí viêm loét; làm tăng tiết dịch vị đồng thời làm giãn mở cơ thắt thực quản dưới. Ăn nhiều gia vị có thể tăng hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.

Ngoài ra, đồ uống chứa kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá… có thể làm tăng tiết dịch dạ dày gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.

Dấu hiệu đau dạ dày

– Đau bụng vùng trên rốn xảy ra sau khi ăn 2 đến 3 tiếng, đôi khi xảy ra ban đêm làm bạn phải thức giấc.

– Đau bụng vùng trên rốn trầm trọng hơn khi đói bụng và giảm sau khi uống sữa, ăn thức ăn hoặc uống thuốc trung hoà axit.

– Nôn hoặc buồn nôn.

– Ăn không tiêu, ợ chua vào buổi sáng hay sau khi ăn 3-4 tiếng.

– Sụt cân, mệt mỏi.

Phương Nam

Exit mobile version