Lá xương sông không chỉ được sử dụng như một loại gia vị cho vào các món ăn, mà còn là cây thuốc nam có nhiều tác dụng rất tốt trong điều trị ho, viêm họng, đầy bụng, đau nhức răng…
Xương sông còn được gọi là xang sông, hoạt lộc thảo, tên khoa học là Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce, thuộc họ Cúc Asteraceae. Ở nước ta, xương sông được trồng nhiều nơi, chủ yếu để lấy lá làm nguyên liệu chế biến món ăn và được coi như là một loại gia vị do mùi hăng đặc biệt của loại cây này mang lại.
Các nghiên cứu cho thấy thành phần dinh dưỡng trong 100g lá xương sông gồm: 82,5g nước; 2g protein; 1,3g đường; 2,9g chất xơ; canxi, sắt, phospho; vitamin B1, B2, Pp, C… Trong lá chứa 0,24% tinh dầu với thành phần chính là limonen, p-cymene và methylthymol.
Y học cổ truyền cho rằng, xương sông vị đắng cay, tính ấm, có công dụng trừ tanh hôi, khu phong trừ thấp, tiêu thũng chỉ thống, thông kinh hoạt lạc, tiêu đàm thấp, kích thích tiêu hóa. Thường được dùng để chữa cảm sốt, ho, viêm họng, nôn mửa, đầy bụng, mề đay… Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là lá bánh tẻ dùng tươi hay phơi khô trong bóng mát.
Sau đây là một số bài thuốc từ lá xương sông giới thiệu đến các độc giả.
1. Giảm đau nhức do thấp khớp
Lá xương sông (liều lượng tùy vị trí cần chườm) giã giập, đảo trên chảo nóng, bọc vào trong lớp vải, chườm lên vùng đau nhức. Nên dùng hàng ngày trước khi đi ngủ, có thể bó lá tại chỗ và để qua đêm thì đạt hiệu quả tốt hơn.
2. Chữa viêm họng
Lấy 5 – 10 lá xương sông bánh tẻ, giấm ăn 20 – 30ml. Lá xương sông rửa sạch để ráo nước, giã giập rồi đem nhúng vào giấm để ngậm. Dùng từ 5 – 7 ngày bệnh sẽ tiến triển rõ rệt. Bài thuốc này có tác dụng tốt với các bệnh như viêm họng cấp, mạn tính; viêm amidan, viêm thanh quản bị mất tiếng…
3. Chữa mề đay
Lá xương sông 40g, lá khế 40g, lá chua me đất 20g. Tất cả rửa sạch, giã nhỏ, hoà nước ấm uống. Uống 3 thang/ngày. Lấy bã xoa ngoài những nơi nổi mề đay.
4. Chữa ho có đờm, nôn trớ ở trẻ em
Lá xương sông bánh tẻ 2 – 3 lá, mật ong 5 thìa cà phê. Lá rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát con cùng với mật ong; đem hấp cách thủy (đun sôi chừng 10 phút), có thể cho vào hấp cơm rồi lấy ra; chắt nước uống nhiều lần trong ngày.
5. Chữa ho do cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản
Lá xương sông 10g, lá húng chanh 10g, lá hẹ 10g. Cắt nhỏ các nguyên liệu, cho tất cả vào hấp cùng đường phèn, gạn lấy dung dịch để ngậm.
6. Chữa đầy bụng, khó tiêu
Lá xương sông tươi 15 – 20g, rửa sạch, đem sắc với 500 ml nước còn 250 ml. Chia 2-3 lần uống trong ngày.
7. Chữa đau nhức răng
Rễ xương sông rửa sạch phơi khô 20g, hoàng liên 10g, hai thứ cho vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm. Khoảng 10 ngày là có thể dùng được, lấy bông chấm thuốc bôi vào nơi răng lợi đau nhức.
8. Vết thương nhỏ đang chảy máu
Lấy một nắm lá xương sông rửa sạch giã nhuyễn, đắp vào sẽ cầm máu ngay, vết thương chóng lành.
Lưu ý: Lá xương sông vị cay, tính ấm có tác dụng phát tán dễ gây giảm tân dịch, người khô táo. Vì vậy không nên dùng dài ngày.
Mộc Chi