Kinh nguyệt, tuyến vú phát triển kém, chỉ số BMI không chuẩn… là một trong những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới.
Chia sẻ với Khám Phá, từ khi mới dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt của chị Thu Hường (Vĩnh Phúc) đã không ổn định, thậm chí 6 tháng mới có một lần. Trong khi các bạn gái khác khổ sở vì cảnh “đèn đỏ” với đủ các triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, đau lưng thì Hường lại cảm thấy mình “may mắn” vì ít khi có kinh.
Tình trạng kéo dài nhiều năm, tuy nhiên, chị Hường chủ quan nghĩ đơn giản, chu kỳ kinh có kéo dài cũng không vấn đề gì. Chị không hề biết rằng đó là dấu hiệu bất thường của cơ thể, cảnh báo nhiều nguy cơ.
Cho đến khi lấy chồng, chị cũng không thấy sốt ruột gì mà vẫn cho rằng điều đó bình thường, còn chuyện con cái là “lộc trời cho”, muốn vội cũng không được. Những đã hơn 3 năm sau khi cưới mà vợ chồng chị vẫn chưa có em bé và lúc này chị mới thấy lo lắng.
Đi khám phụ khoa bác sĩ cho biết, chị không bị viêm nhiễm gì, vòi trứng và noãn trứng bình thường. Thủ phạm dẫn đến khả năng sinh sản của chị bị hạn chế, khó có con chính là do chu kỳ kinh nguyệt thất thường.
Theo số liệu nghiên cứu điều tra tại Việt Nam, phụ nữ có vòng kinh không đều có tỷ lệ vô sinh cao gấp 1,2-1,3 lần.
Theo Khám Phá, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm y tế lao động Thái Hà đã chỉ ra một số dấu hiệu thường gặp ở nữ giới cảnh báo nguy cơ vô sinh:
Rối loạn kinh nguyệt
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm y tế lao động Thái Hà cho biết, ngày nay rất nhiều chị em không biết rằng rối loạn kinh nguyệt trong đó có chu kỳ kinh nguyệt không đều ảnh hưởng đến khả năng có con, thậm chí còn có tư tưởng chủ quan về chu kỳ kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hoặc tương đối đều đặn là biểu hiện của việc người phụ nữ có sức khỏe sinh sản tốt. Nếu người nào có chu kỳ không đều, quá ngắn hoặc quá dài (ít hơn 24 ngày, hoặc nhiều hơn 35 ngày), mọi người nên đi gặp bác sĩ để phát hiện và điều trị vô sinh sớm.
Một chu kỳ không đều có thể là dấu hiệu của các bệnh liên quan đến việc rụng trứng như rối loạn hóoc-môn làm trứng chín và rụng; có u ở tử cung, buồng trứng đa nang, bệnh u xơ tử cung, viêm khung chậu hay tử cung dị dạng…
Kinh nguyệt có màu đen sẫm, vón cục
Bác sĩ Dung cho biết, hiện tượng máu đen vón cục trong kỳ kinh có thể cảnh báo cơ thể bạn mắc bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục làm giảm khả năng thụ thai.
Bác sĩ Dung khuyến cáo, chị em không nên chủ quan với những bất thường của kinh nguyệt. Mọi người nên theo dõi chính xác chu kỳ kinh nguyệt của mình nếu thấy có bất thường thì nên khám sớm.
Dịch âm đạo bất thường
Âm đạo tiết dịch bất thường, có dịch màu vàng, xanh… kèm theo mùi hôi khó chịu là những biểu hiện của viêm nhiễm, nấm âm đạo, viêm nội mạc tử cung hoặc các bệnh về đường tình dục khác.
Viêm âm đạo làm cho âm đạo có các chất thải, bài tiết ra quá nhiều và chèn ép làm cho đau bụng.
Tuyến vú phát triển kém
Nữ giới đến tuổi trưởng thành, dưới tác động của tiết tố estrogen trong cơ thể, vùng ngực phát triển và dần hoàn thiện.
Tuy nhiên, nếu quá 18 tuổi mà tuyến vú chưa phát triển (ngực lép), có thể di thiếu nội tiết tố nữ estrogen. Đây chính là lý do làm cho buồng trứng phát triển kém và khả năng thụ thai trong trường hợp này rất khó.
Chỉ số BMI không chuẩn
Chỉ số BMI được tính theo công thức: BMI = Cân nặng/ chiều cao. Để có được dáng chuẩn, nhiều chị em đã ăn kiêng làm cho dinh dưỡng không đủ, hoặc chỉ số BMI quá lệch chuẩn.
Rong kinh
Bác sĩ Dung cho biết, mặc dù bản thân rong kinh không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng nếu diễn ra trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Lan Phương