Đại Kỷ Nguyên

8 lưu ý để giải nhiệt an toàn trong thời tiết nắng nóng

Tắm nước lạnh, uống nước đá, ngồi điều hòa nhiệt độ thấp… là một trong những phương pháp giải nhiệt của đa số người dân để chống lại cái nóng. Tuy nhiên, cách hạ hỏa không đúng cách sẽ khiến cơ thể nóng càng thêm nóng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. 

Mới đầu hè nhưng nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc, miền Nam có nơi lên tới 38-40độ C. Thời tiết oi bức khiến người dân khó chịu, tìm đủ mọi cách chống chọi với cái nắng nóng hầm hập.

Tuy nhiên, giải nhiệt thế nào để an toàn cho sức khỏe không phải ai cũng nằm lòng. Dưới đây là một số lưu ý người dân để giải nhiệt an toàn trong tiết trời nắng như đổ lửa.

Ảnh minh họa.

1. Cẩn trọng với ánh nắng trực tiếp

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong, trường Đại học Y dược Tp.HCM trao đổi với Tuổi Trẻ, ánh nắng tác động trực tiếp lên cơ thể không chỉ gây nóng rát, cháy nắng, về lâu dài có thể dẫn đến ung thư da.

Nếu để mắt phơi nhiễm dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, tia UVB tấn công dễ gây bỏng giác mạc, dẫn tới đau đớn và mất thị lực tạm thời.

Khi ra ngoài, cơ thể cần được che chắn, bảo vệ bởi các lớp quần áo, khẩu trang, mũ rộng vành, dùng kính râm bảo vệ mắt. Tránh ra đường vào khoảng thời gian nắng nóng gay gắt. Sử dụng thêm các loại kem chống nắng có chỉ số phù hợp.

Lựa chọn trang phục bằng chất liệu thấm hút mồ hôi, nhẹ, thoáng như vải lanh, cotton… sáng màu tránh hấp thu nhiệt.

Rửa mặt bằng nước lạnh là cách mà người dân thường áp dụng để chống nóng. (Ảnh: VnExpress)

2. Chú ý hiện tượng sốc nhiệt

Sốc nhiệt là trạng thái thay đổi nhiệt độ của cơ thể một cách đột ngột, từ lạnh sang nóng hay từ nóng sang lạnh… Đây là trạng thái cực nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong ngay lập tức .

Điều quan trọng trong phòng ngừa sốc nhiệt là tránh để cơ thể mất nước và hoạt động quá sức. Không nên tắm nước lạnh khi đang nóng, tránh ngồi phòng điều hòa có nhiệt độ thấp… cũng là cách hạn chế tình trạng chênh lệch nhiệt giữa môi trường và cơ thể.

8 lưu ý để giải nhiệt an toàn trong thời tiết nắng nóng

3. Sử dụng thực phẩm chứa nhiều nước, chế dộ dinh dưỡng phù hợp

Nắng nóng khiến cơ thể đổ mồ hôi liên tục, nếu không bổ sung nước kịp thời thì cơ thể mất các chất điện giải, chức năng sống sẽ rối loạn.

Nên bổ sung thực phẩm mọng nước vào chế độ ăn như cà chua, rau diếp, củ cải, dưa chuột, nho… để ngăn chặn tình trạng mất nước.

Ngoài ra, nắng nóng khiến bạn cảm thấy chán ăn, do đó, việc duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng cho cơ thể là vô cùng cần thiết.

Mọi người nên tránh thực phẩm ôi thiu, món ăn không đảm bảo vệ sinh bởi không khí nóng dễ làm thức ăn hỏng, điều kiện lý tưởng vi khuẩn gây tiêu chảy phát triển.

4. Tránh xa rượu bia, nước có ga

Uống nước có gas, bia rượu… khiến cơn khát kéo dài, không bù được các chất điện giải đã mất, gây chóng mặt, buồn nôn. Ngoài ra, sử dụng đồ uống quá lạnh có thể khiến dạ dày bạn bị co thắt.

Bạn nên uống nước khoáng, trà thảo mộc, bột sắn dây nước trái cây để tăng sức đề kháng.

5. Đóng kín cửa sổ

30% lượng nhiệt vào nhà qua đường cửa sổ. Do đó, bạn nên đóng chặt cửa vào ban ngày, đặc biệt là cửa sổ ở hướng Nam, kéo rèm khi trời nắng nóng. (Ảnh: Hiền Trần)

6. Giữ vệ sinh sạch sẽ

Ngăn ngừa sự phát triển của vi trùng là cách hiệu quả để phòng bệnh trong mùa hè. Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên phun thuốc diệt côn trùng và làm sạch nơi ở, để ngăn chặn sự phát triển tác nhân gây bệnh.

7. Hạn chế các thiết bị điện

Bên cạnh việc dọn dẹp căn nhà cho sạch sẽ, thoáng khí, bạn nên tắt những thiết bị điện không thật sự cần thiết như đèn, ti vi, laptop, bộ sạc pin điện thoại, chiếc lò vi sóng… Việc này sẽ giúp bạn cảm thấy mát mẻ hơn.

Thiết bị điện sản sinh ra lượng nhiệt khiến căn phòng thêm nóng bức.

8. Bật quạt thông gió

Bật quạt thông gió giúp luồng không khí trong phòng lưu thông, môi trường thoáng mát, bớt ngột ngạt.

H.H

Exit mobile version